Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những loại thuốc điều trị huyết áp thấp và lưu ý cần ghi nhớ

Ngày 24/04/2023
Kích thước chữ

Huyết áp thấp là một trong những vấn đề sức khỏe quan trọng được nhiều người quan tâm hiện nay. Huyết áp thấp kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, ngành y tế đã nghiên cứu và phát triển ra nhiều loại thuốc điều trị huyết áp thấp hiệu quả và an toàn cho sức khỏe.

Việc chọn lựa và sử dụng thuốc điều trị huyết áp thấp đòi hỏi người bệnh phải hiểu rõ về các loại thuốc, tác dụng phụ có thể gây ra và cách sử dụng hợp lý. Vì vậy, bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về thuốc điều trị huyết áp thấp và những lưu ý cần thiết khi sử dụng thuốc để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân.

Tổng quan về huyết áp thấp

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp là áp lực mà máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu. Khi áp lực này giảm xuống dưới mức 90/60 mmHg, ta gọi đó là huyết áp thấp, một bệnh lý tim mạch có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Có hai loại huyết áp thấp, bao gồm huyết áp thấp sinh lý và huyết áp thấp bệnh lý. Huyết áp thấp sinh lý nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền hoặc sinh sống nơi núi cao. Trong khi đó, huyết áp thấp bệnh lý là kết quả của sự suy giảm chức năng của các cơ quan như tim, thận hoặc tuyến giáp…

Chính vì thế, việc điều trị huyết áp thấp là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch và đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh của mỗi người. Thuốc điều trị huyết áp thấp là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để ổn định áp lực máu, tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch.

Những loại thuốc điều trị huyết áp thấp và lưu ý cần ghi nhớ 1
Huyết áp thấp là huyết áp xuống dưới mức 90/60mmHg

Huyết áp thấp nguyên nhân do đâu?

Những người dễ mắc bệnh huyết áp thấp bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai.
  • Người bị các vấn đề về tim.
  • Người mắc các bệnh về nội tiết.
  • Người bị mất máu hay mất nước.
  • Người bị nhiễm trùng nặng hoặc dị ứng trầm trọng.
  • Người thiếu chất dinh dưỡng.
  • Tác dụng quá mức của thuốc giảm huyết áp.
Những loại thuốc điều trị huyết áp thấp và lưu ý cần ghi nhớ 2
Người thiếu dinh dưỡng có thể dẫn đến huyết áp thấp

Các loại thuốc điều trị tình trạng huyết áp thấp

Midodrine

Midodrine là một loại chất chủ vận alpha giao cảm, được sử dụng bằng đường uống để điều trị huyết áp thấp tư thế ở bệnh nhân nặng bằng cách làm co mạch và tăng huyết áp. Liều dùng khuyến cáo là từ 2.5 đến 10 mg, uống 2 đến 3 lần mỗi ngày, với liều tối đa không quá 40 mg mỗi ngày.

Tác dụng phụ của Midodrine - một thuốc điều trị huyết áp thấp, thường liên quan đến tăng huyết áp khi ngủ. Vì vậy, nên tránh uống thuốc trong vòng 3 - 4 tiếng trước khi đi ngủ, và thời điểm tốt nhất để sử dụng thuốc là vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều khi thức dậy.

Các tác dụng phụ khác bao gồm ngứa, cảm giác lạnh lẽo, khó tiểu, nổi da gà, và rối loạn tiêu hóa. Midodrine không được khuyến cáo cho những người bị tim nặng, suy thận, tăng huyết áp, cường giáp, hoặc khó tiểu.

Fludrocortisone

Thuốc Fludrocortisone có thể được sử dụng để điều trị huyết áp thấp ở tất cả các dạng bệnh nhân. Đây là một loại mineralocorticoid tổng hợp, giúp tăng tái hấp thu natri và nước ở thận, từ đó tăng thể tích tuần hoàn và tăng huyết áp.

Điều trị bắt đầu bằng liều 0.05 mg/ngày vào buổi sáng, có thể tăng liều lên đến 0.2 mg/ngày nếu không đạt hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, tăng liều cũng tăng nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn. Để đạt hiệu quả điều trị cần thời gian từ 5 - 7 ngày.

Các tác dụng phụ của thuốc Fludrocortisone phổ biến là tăng huyết áp, hạ kali máu, phù, và suy tim. Việc sử dụng thuốc kéo dài cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tăng nhãn áp, nhược cơ, loãng xương, hội chứng Cushing, tăng áp lực nội sọ, ban đỏ. Người bệnh cần ăn thực phẩm giàu kali hay uống bổ sung kali để hạn chế tính trạng hạ kali máu.

Những loại thuốc điều trị huyết áp thấp và lưu ý cần ghi nhớ 3
Fludrocortisone là thuốc điều trị huyết áp thấp

Heptaminol

Heptaminol còn được gọi là Heptamyl, là một loại thuốc phổ biến để điều trị tình trạng huyết áp thấp. Thuốc này hoạt động bằng cách tăng sự co bóp của cơ tim và cải thiện sức căng của tĩnh mạch để máu có thể trở về tim, từ đó cải thiện huyết áp.

Tuy nhiên, thuốc Heptaminol có thể gây ra các tác dụng phụ như đau dạ dày, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, trống ngực, buồn nôn... Do đó, thuốc này không được sử dụng cho bệnh nhân huyết áp cao, bệnh cường giáp, phù não, động kinh và tuyệt đối không được dùng cùng với thuốc chống trầm cảm IMAO do tương tác làm tăng huyết áp quá mức.

Droxidopa

Droxidopa được biết đến là tiền chất của noradrenaline, có tác dụng làm co mạch máu, kích thích tim co bóp từ đó giúp tăng chỉ số huyết áp. Dùng thuốc này điều trị huyết áp thấp tư thế.

Droxidopa có tác dụng phụ là tăng huyết áp khi nằm, buồn nôn, nhức đầu. Do đó để hạn chế tình trạng tăng huyết áp thì không nên dùng Droxidopa trong vòng 3 – 4 tiếng trước khi đi ngủ.

Erythropoietin

Thận sản xuất hormone Erythropoietin để kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu, vì vậy có thể dùng chính Erythropoietin trong điều trị huyết áp thấp do thiếu máu. Thuốc cũng có tác dụng làm tăng huyết áp ở bệnh nhân bị hạ huyết áp tư thế.

Erythropoietin được sử dụng dưới dạng tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch. 

Các tác dụng phụ của thuốc điển hình là nhức đầu, phù, đau xương, tăng huyết áp, chuột rút, huyết khối nơi tiêm tĩnh mạch, tăng kali máu, co giật…

Lưu ý khi sử dụng các loại thuốc trị huyết áp thấp

Mặc dù thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện là lựa chọn đầu tiên trong việc điều trị huyết áp thấp không sử dụng thuốc, tuy nhiên, nếu không đem lại hiệu quả đặc biệt là ở những bệnh nhân nặng, thuốc tây sẽ được kê đơn để kiểm soát huyết áp nhanh chóng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các loại thuốc này có nguy cơ gây ra tác dụng phụ, do đó, việc sử dụng thuốc cần phải được chỉ định bởi bác sĩ và phải được theo dõi thường xuyên để đảm bảo an toàn.

Những loại thuốc điều trị huyết áp thấp và lưu ý cần ghi nhớ 4
Đến bác sĩ để được kê đơn và theo dõi tình trạng bệnh

Phòng ngừa huyết áp thấp như thế nào?

Ngoài việc dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác thì việc phòng ngừa huyết áp thấp là vô cùng quan trọng. Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa huyết áp thấp:

  • Uống nước đầy đủ để ngăn ngừa hạ huyết áp thoáng qua.
  • Chia bữa ăn nhỏ hơn và ăn thường xuyên.
  • Nằm ngủ với gối cao để giảm nguy cơ hạ huyết áp khi đứng dậy đột ngột.
  • Đứng dậy từ từ để tránh nguy cơ ngất xỉu.
  • Tập thể dục thường xuyên để cải thiện lưu lượng máu đi khắp cơ thể.
  • Ăn mặn hơn bình thường và ăn thực phẩm giàu kali.

Hy vọng rằng thông tin trong bài viết có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về huyết áp thấp và các thuốc điều trị huyết áp thấp để tránh nguy cơ tiềm ẩn liên quan. Đồng thời, có thể giúp bạn hạn chế rủi ro và điều trị một cách tốt nhất. 

Xem thêm: Huyết áp thấp có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh là gì?

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: drugs.com, hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin