Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Những người mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không?

Ngày 14/06/2024
Kích thước chữ

Có rất nhiều người lầm tưởng khoai lang là loại thực phẩm có chứa nhiều tinh bột, đường nên không phù hợp với những người mắc bệnh tiểu đường. Vậy, sự thật có phải là như thế hay không? Những người mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không?

Các loại khoai đặc biệt là khoai lang nếu thêm vào chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường liệu có làm ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng kiểm soát lượng đường trong máu hay không? Để biết được câu trả lời cho câu hỏi “Những người mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không?”, mời bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không?

Trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số thông tin có liên quan. Trong cơ thể, insulin là một hormon đặc biệt được tuyến tụy sản sinh ra. Insulin được ví von giống như một chìa khóa thần kỳ có công dụng giúp các tế bào hấp thụ glucose trong máu và chuyển hóa thành năng lượng để cơ thể hoạt động hàng ngày. Tình trạng bệnh tiểu đường xảy ra khi tuyến tụy không thể sản sinh ra đủ lượng insulin cần thiết để cơ thể hoạt động hoặc các tế bào sử dụng insulin không hiệu quả. Và một khi lượng glucose máu không được hấp thụ thì chúng sẽ dần tích tụ lại trong máu, dẫn đến nhiều các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tim như xơ vữa động mạch, thần kinh, thận, mắt,...

Chính vì thế, việc lựa chọn các loại thực phẩm để thêm vào chế độ ăn hàng ngày là việc rất quan trọng đối với người bệnh tiểu đường. Để có thể kiểm soát lượng đường huyết, người bệnh còn cần phải tính toán số gram cũng như lượng calo đưa vào cơ thể. Điểm cần chú trọng nhất khi lựa chọn thực phẩm cho người bệnh tiểu đường đó là xem chỉ số đường huyết của thực phẩm đó. Thực chất, chỉ số đường huyết (GI) chính là chỉ số đánh giá tốc độ tăng đường huyết khi ăn những loại thực phẩm có chứa carbohydrate so với glucose. Ngoài ra, chỉ số đường huyết cũng được chia thành 3 mức độ là mức độ thấp GI: 1 - 55, mức độ trung bình GI: 56 - 69 và mức độ cao là GI: >= 70. Dựa vào số liệu này chúng ta có thể đánh giá những thực phẩm có chỉ số đường huyết từ 70 trở lên sẽ không phù hợp với người bệnh tiểu đường do có thể gây ảnh hưởng đến lượng đường huyết trong máu, cần hạn chế ăn.

Trong khi đó, khoai lang có chỉ số đường huyết ở mức thấp, chỉ khoảng 50. Vậy, người mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không? Câu trả lời là hoàn toàn có. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, mặc dù chỉ số GI của loại thực phẩm này thấp nhưng người bệnh cũng cần biết cách ăn sao cho hợp lý, phù hợp với thể trạng cá nhân.

Những người mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không?1
Người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn khoai lang

Lợi ích của khoai lang

Trước tiên, khoai lang là lựa chọn thay thế tốt hơn so với khoai tây trắng. Khoai lang có chứa rất nhiều chất xơ cũng như lượng dinh dưỡng cao hơn. Ngoài các giá trị dinh dưỡng ra, khoai lang cũng có thể giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2.

Nhờ có chứa nhiều chất xơ, khoai lang sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa cho người bệnh tiểu đường, hạn chế gặp phải các vấn đề rối loạn tiêu hóa. Đồng thời, giúp loại bỏ các chất thải tích tụ trong dạ dày, ngăn ngừa táo bón nhờ cơ chế làm mềm phân.

Không chỉ có thế, loại thực phẩm này cũng rất phù hợp cho những người đang giảm cân hay muốn giảm cân. Do trong khoai có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin, protein, các khoáng chất và carbohydrates giúp thúc đẩy tốc độ chuyển hóa, cải thiện khả năng trao đổi chất của cơ thể.

Những người mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không?2
Khoai lang mang lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe

Người bệnh tiểu đường ăn khoai lang thế nào cho đúng?

Ăn khoai lang đúng cách sẽ rất tốt đối với sức khỏe của những người mắc bệnh tiểu đường. Lý do là bởi khoai lang có chứa tinh bột nhưng hàm lượng đường cũng như mức calo đều thấp, lại có chứa rất nhiều chất xơ sẽ giúp người bệnh no lâu hơn khi ăn, giảm thiểu lượng thức ăn cần đưa vào cơ thể cũng như duy trì đường huyết. Mặc dù có nhiều lợi ích, người bệnh nên ăn ở mức độ vừa phải, ngoài ra hãy ghi nhớ một số điều như sau.

Thời điểm ăn khoai lang

Thời điểm tốt nhất để ăn khoai lang sẽ là vào buổi sáng, giúp cung cấp cho cơ thể năng lượng để hoạt động. Nên sử dụng ít khoai lang hơn vào các bữa trưa, tối. Vào những thời điểm như trưa và tối, có thể thay thế khoai lang bằng những loại thực phẩm khác để bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Khẩu phần ăn

Người mắc bệnh tiểu đường chỉ nên ăn khoảng ½ củ khoai lang có kích cỡ vừa phải mỗi ngày. Ngoài ra, để an toàn hơn, người bệnh hãy trao đổi với các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để tham khảo khẩu phần ăn phù hợp với thể trạng.

Cách chế biến

Cách chế biến khoai lang cũng rất quan trọng, một số cách chế biến cũng có thể làm tăng chỉ số đường huyết của loại thực phẩm này. Đối với người bệnh tiểu đường, chỉ nên sử dụng khoai lang luộc thay vì khoai lang nướng hay ăn kèm với các món khác.

Không chỉ có thế, khi sử dụng khoai lang bạn cũng cần hạn chế lượng tinh bột từ các thực phẩm khác do khoai đã có nhiều tinh bột. Để duy trì đường huyết ổn định, hãy ăn thêm nhiều rau xanh, hoa quả để cơ thể được cung cấp các chất xơ, vitamin. Quan trọng hơn hết là không sử dụng khoai lang quá thường xuyên và không sử dụng khoai sống.

Những người mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không?3
Ăn khoai lang đúng cách để có thể kiểm soát chỉ số đường huyết

Loại khoai lang phù hợp với người tiểu đường

Ăn khoai lang có tốt cho bệnh tiểu đường hay không sẽ phụ thuộc lớn vào việc bạn chọn loại khoai lang nào. Bạn có thể cân nhắc 3 loại khoai lang sau nếu như mắc bệnh tiểu đường, bao gồm:

  • Khoai lang tím: Khoai lang tím chính là loại khoai có màu tím cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Loại khoai này được đánh giá là có chỉ số đường huyết rất thấp, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều khoai lang cam. Ngoài ra, khoai lang tím còn cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, chứa anthocyanins, giúp phòng ngừa nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường nhờ khả năng cải thiện tốt tình trạng kháng insulin.
  • Khoai lang cam: Khoai lang cam được trồng rất nhiều tại Việt Nam. Loại khoai này có lớp vỏ màu nâu đỏ và bên trong có màu cam. Chỉ số đường huyết của khoai lang cam rất thấp lại dễ tìm mua. Do đó, đây được xem là một lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường.
  • Khoai lang Nhật: Khoai lang nhật có màu nâu tím bên ngoài, màu vàng bên trong. Khoai có chứa hàm lượng cao các chất quan trọng có tác dụng làm giảm mức đường huyết lúc đói và giảm lượng cholesterol trong máu. Góp phần hạn chế xảy ra biến chứng bệnh tiểu đường, bảo vệ sức khỏe.

Nhìn chung, khoai lang sẽ rất tốt cho sức khỏe nếu như lựa chọn được loại phù hợp, chế biến đúng cách và không lạm dụng. Bên cạnh việc ăn khoai lang, người bệnh tiểu đường hãy sử dụng thêm các loại thực phẩm khác để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.

Những người mắc bệnh tiểu đường ăn khoai lang được không?4
Hãy tham khảo và lựa chọn loại khoai phù hợp với thể trạng của bản thân

Như vậy, những thông tin được cung cấp trong bài viết đã giải đáp cho bạn đọc một cách chi tiết về câu hỏi “Mắc bệnh tiểu đường có ăn khoai lang được không?". Để có chế độ ăn phù hợp với thể trạng, người bệnh có thể thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, có thể làm thêm các xét nghiệm tầm soát đường huyết, sử dụng thuốc tiêm insulin, thực hiện các bài tập,... để giữ cho lượng đường huyết ổn định, tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh, suy thận, mắt.

Xem thêm: Người bị bệnh tiểu đường có uống bia được không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin