Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những thực phẩm gây ung thư mà bạn cần lưu ý

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ

Ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thay đổi lối sống, duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh khoảng 30-50%. Có thể thấy, việc nhận biết và tránh xa các thực phẩm gây ung thư giữ vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh lý này.

Ung thư bao gồm hơn 100 loại biến đổi tế bào khác nhau trong cơ thể. Tình trạng này phản ánh sự tăng sinh tế bào không kiểm soát, dẫn đến hình thành khối u, xâm lấn các mô xung quanh và lan sang các bộ phận khác trong cơ thể, bao gồm cả hệ thống máu và bạch huyết.

Mối liên quan giữa bệnh ung thư và thực phẩm

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng yếu tố dinh dưỡng đóng góp khoảng 35% vào nguyên nhân gây ung thư bắt nguồn từ những thực phẩm gây ung thư thông qua cách chế biến, bảo quản, cách hấp thụ vào cơ thể... Nhiều loại bệnh ung thư đã được liên kết với yếu tố này, bao gồm: Ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư vú, ung thư nội tiết…

Có nhiều nghiên cứu hiện nay đã chứng minh rằng yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành của bệnh ung thư. Do đó, thực phẩm không chỉ được coi là yếu tố có tác dụng phòng ngừa mà còn có thể là nguy cơ gây ung thư:

  • Yếu tố phòng ngừa và bảo vệ: Các thành phần dinh dưỡng có trong rau củ, ngũ cốc, hạt,... có thể giúp cơ thể chống lại một số loại bệnh ung thư cụ thể.
  • Yếu tố nguy cơ: Sử dụng quá mức một số loại thực phẩm có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của một số loại bệnh ung thư như: Thịt đỏ, muối, thịt nguội,...

Mặc dù thực phẩm không phải là phương thuốc chống ung thư, nhưng việc tránh xa các loại thực phẩm tăng nguy cơ ung thư có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh này.

Những thực phẩm gây ung thư mà bạn cần lưu ý - 1
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có mỗi quan hệ nhất định giữa bệnh ung thư với thực phẩm hấp thụ vào cơ thể

Vì sao nói thực phẩm có thể là tác nhân gây ung thư?

Một chế độ ăn ít năng lượng, thiếu chất xơ hoặc sử dụng thực phẩm thiếu khoa học có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư cho một người. Nhưng cũng có một số thực phẩm gây ung thư riêng lẻ nói cách khách là loại thực phẩm đó có chứa các chất gây ung thư bao gồm:

  • Chất phụ gia: Sử dụng một số phẩm màu thực phẩm như paradimethyl amino benzene để nhuộm bơ vàng có thể gây ra ung thư gan. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng phẩm màu công nghiệp để chế biến thực phẩm cũng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư. Ngoài ra, các loại thực phẩm có phần thuốc trừ sâu chưa được loại bỏ hoàn toàn cũng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư.
  • Thực phẩm chứa nitrat: Như thịt xông khói và các loại thịt ngâm muối khác, có thể tăng khả năng gây ung thư, đặc biệt là ung thư ruột khi tiêu thụ với liều lượng lớn. Để an toàn, nên hạn chế lượng thịt đã qua xử lý trong chế độ ăn uống, vì chúng thường chứa nhiều chất béo và muối. Muối cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày, do đó bạn nên sử dụng với số lượng hạn chế.
  • Thực phẩm bị cháy hoặc nướng: Các chất gây ung thư như hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) có thể được tạo ra nếu thực phẩm bị quá nóng hoặc cháy. Mặc dù thực phẩm cháy hoặc hun khói có thể chứa PAHs, nhưng lượng này trong chế độ ăn uống trung bình thường không đủ để tạo ra nguy cơ ung thư đáng kể. Tuy nhiên, khi nấu ăn, tốt nhất là sử dụng phương pháp nhiệt độ thấp và hạn chế tiêu thụ thịt và thực phẩm nướng than.
  • Đậu phộng nhiễm nấm mốc sinh độc tố: Một số động vật qua quá trình thí nghiệm cho ra kết quả ung thư phát triển sau khi tiêu thụ đậu phộng nhiễm nấm mốc sinh độc tố.
  • Rượu, chất kích thích: Làm tăng nguy cơ ung thư miệng, hầu, thanh quản, thực quản, vú, ruột và gan. Nguy cơ này còn lớn hơn ở những người hút thuốc. Ngay cả một lượng rượu nhỏ cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh. Để giảm nguy cơ, nam giới nên uống ít hơn 2 ly tiêu chuẩn mỗi ngày và phụ nữ nên uống ít hơn 1 ly tiêu chuẩn mỗi ngày.
Những thực phẩm gây ung thư mà bạn cần lưu ý - 2
Thực phẩm chứa nitrat làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột nếu hấp thụ với số lượng lớn

Những thực phẩm gây ung thư mà bạn cần lưu ý

Cơm nguội

Thói quen sử dụng cơm thừa từ bữa trước là một trong nhiều cách tiết kiệm thời gian và thức ăn trong nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, hâm nóng cơm nguội đến nhiệt độ khoảng 60 độ C có thể làm chuyển đổi tinh bột trong cơm thành dạng bột hồ khiến nó trở thành một trong những thực phẩm gây ung thư. Việc tiêu thụ cơm nguội hâm nóng thường xuyên có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa và theo thời gian có thể dẫn đến ung thư dạ dày.

Thịt đỏ

Các nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ mỗi ngày 30 gram thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích có thể tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày lên từ 15 đến 38%. Lý do cho con số này là do các loại thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều chất bảo quản và chất tẩm ướp, khiến cho các chất độc hại tích tụ trong dạ dày và dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày.

Thực phẩm chiên rán

Món ăn như: Gà rán, nem rán thường được ưa chuộng bởi hương vị hấp dẫn và sự tiện lợi. Tuy nhiên, việc chiên rán các loại thực phẩm ở nhiệt độ cao thường tạo ra các hợp chất như polyaromatic hydrocarbons (hợp chất PAHs) và heterocyclic amines (HCAs), đều là các chất gây ung thư dạ dày.

Những thực phẩm gây ung thư mà bạn cần lưu ý - 3
Thực phẩm chiên rán dễ sinh ra hợp chất PAHs có thể gây ra bệnh ung thư

Thực phẩm biến đổi gen

Thực phẩm biến đổi gen được trồng với sự sử dụng hóa chất ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhóm thực phẩm này là một trong những nguyên nhân chính gây ra các loại ung thư trong cơ thể con người. Vì vậy, cần thận trọng khi lựa chọn thực phẩm và tránh xa thực phẩm biến đổi gen.

Bắp rang bơ quay trong lò vi sóng

Bắp rang bơ quay trong lò vi sóng là một loại món ăn vặt được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong lớp chống dính bên trong túi đựng bắp, khi được quay ở nhiệt độ cao có thể tạo ra hợp chất acid perfluorooctanoic, tăng nguy cơ mắc ung thư. Ngoài ra, viền keo dán quanh túi cũng có thể tiết ra những chất cực độc khi túi bắp đang ở nhiệt độ cao.

Thực phẩm chứa muối và được lên men

Việc tiêu thụ quá nhiều dưa cà muối, cà muối có thể tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Các loại thực phẩm chứa muối thường chứa một lượng nitrat nhất định. Trong quá trình muối dưa, nitrat bị vi khuẩn ảnh hưởng tạo ra phản ứng oxy hóa, chuyển đổi thành nitrit. Nitrit có thể kết hợp với các axit amin trong thực phẩm tạo thành hợp chất nitrosamine, một chất có khả năng gây ung thư.

Dầu ăn chưa bão hòa

Hầu hết các loại dầu ăn chưa bão hòa được sử dụng là dầu thực vật. Dầu thực vật không được chiết xuất tự nhiên như bơ mà phải qua nhiều công đoạn xử lý hóa chất trước khi đến tay người tiêu dùng. Chúng thường được khử mùi và tạo màu để trông hấp dẫn hơn.

Tất cả dầu thực vật qua nghiên cứu đều chứa hàm lượng axit béo Omega-6 cao. Hàm lượng Omega-6 quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra các bệnh về tim và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư da.

Thêm vào đó, các loại dầu chưa bão hòa thường được sử dụng để bảo quản thực phẩm chế biến sẵn và giúp chúng giữ được màu sắc hấp dẫn lâu hơn. Tuy nhiên, dầu chưa bão hòa có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và tính linh hoạt của màng tế bào, góp phần làm tăng nguy cơ ung thư.

Đường tinh luyện

Đường tinh luyện được xem là một trong những thực phẩm gây ung thư. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đường và nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng lượng mỡ trong máu, mức HDL cholesterol thấp, nguy cơ mắc bệnh tim tăng, nồng độ triglyceride trong máu cao, béo phì, ức chế hệ miễn dịch, viêm khớp và một loạt các bệnh khác. Sự phát triển của các tế bào ung thư cũng được kích thích khi tiêu thụ nhiều đường.

Những thực phẩm gây ung thư mà bạn cần lưu ý - 4
Đường tinh luyện là một trong những thực phẩm gây ung thư mà bạn cần lưu ý

Cách ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

  • Ăn nhiều rau và hoa quả tươi: Ưu tiên rau quả tươi hàng ngày, chọn những loại có màu đậm như: Rau cải, cà chua, cà rốt... Tốt nhất là ăn rau quả tươi hoặc luộc sơ qua, hạn chế xào, rán.
  • Chọn ngũ cốc nguyên hạt: Sử dụng gạo sát không quá kỹ để nấu cơm, chọn bánh mì làm từ hạt lúa mì chưa rây hoặc bánh mì đen.
  • Giảm chất béo: Chọn thịt cá nạc là chính. Tránh ăn và xào rán thức ăn bằng mỡ động vật, thay vào đó sử dụng dầu thực vật nhưng cũng nên hạn chế.
  • Hạn chế thức ăn ướp mặn: Các thực phẩm bảo quản lâu bằng cách hun khói, ướp muối, ngâm giấm đều không tốt cho sức khỏe.
  • Hạn chế tối đa việc uống nhiều rượu, bia.
  • Ăn uống khoa học, kiểm tra cân nặng: Tuân thủ nguyên tắc ăn uống khoa học, tránh ăn uống quá mức, giảm thực phẩm béo và nhiều đường, hạn chế nước ngọt, bánh, kem. Định kỳ tự kiểm tra cân nặng mỗi 3 tháng để điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập phù hợp.
Những thực phẩm gây ung thư mà bạn cần lưu ý - 5
Chú ý ăn uống khoa học để phòng ngừa ung thư

Thực phẩm có thể giúp phòng ngừa cũng như làm gia tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Vì vậy, bạn nên nắm rõ một số thông tin về các thực phẩm gây ung thư để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình. Ăn uống là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và chống lại các yếu tố gây bệnh, đặc biệt là các loại ung thư nguy hiểm. Đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, duy trì điều độ và lối sống lành mạnh sẽ tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin