Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Niệu quản giãn do đâu? Chẩn đoán và điều trị thế nào?

Ngày 11/12/2023
Kích thước chữ

Niệu quản giãn có thể phát sinh từ rất sớm, ngay trong giai đoạn bào thai hoặc hình thành dần dần do ảnh hưởng của lối sống sinh hoạt hằng ngày. Bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ qua thăm khám, sàng lọc và tổn thương thận là biến chứng nghiêm trọng nhất của vấn đề sức khỏe này.

Ở người bình thường, niệu quản có đường kính trung bình là 3 - 4cm nhưng với người bị niệu quản giãn, thông số này có thể vượt quá 7mm. Bệnh lý đang xét thường có nguồn gốc bẩm sinh, diễn tiến âm thầm nhưng có thể gây mất chức năng thận nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời bằng các liệu pháp y khoa.

Tổng quan về niệu quản giãn

Niệu quản còn được biết đến với tên quen thuộc là ống dẫn nước tiểu. Đây là một tổ chức có hình trụ tròn, chiều dài ở giai đoạn trưởng thành giao động từ 25 - 30cm. Chúng nằm giữa thận và bàng quang, giữ vai trò dẫn nước tiểu chính thức từ bể thận xuống bóng đái rồi thải ra ngoài qua lỗ niệu đạo.

Giãn niệu quản là hiện tượng vùng cơ và dây chằng quanh ống dẫn nước tiểu có xu hướng nới rộng khiến đường kính của lòng ống vượt xa mức bình thường. Và tiêu chuẩn dùng để chẩn đoán bệnh lý này là độ rộng của niệu quản chạm mức 7mm trở lên. Giãn niệu quản thường phát sinh ở nam nhiều hơn nữ và tỉ lệ xuất hiện ở bên trái có xu hướng nhiều hơn bên phải.

Niệu quản giãn do đâu? Chẩn đoán và điều trị thế nào? 1
Niệu quản bình thường (trái) và niệu quản giãn (phải)

Khi niệu quản bị giãn, khả năng đàn hồi của ống dẫn nước tiểu dần bị hạn chế, tốc độ dòng chảy nước tiểu cũng không được kiểm soát và nguy cơ dẫn nước tiểu ngược dòng sẽ tăng cao. Khi đó sẽ kéo theo nhiều biến chứng đi kèm, đáng ngại nhất là gây viêm và suy giảm chức năng thận.

Xem thêm: Sỏi niệu quản: Các hạt rắn trong hệ tiết niệu

Triệu chứng

Trong khi các bệnh lý ở cơ quan bài tiết khác thường có triệu chứng ồ ạt và cấp tính thì giãn niệu quản là diễn tiến một cách rất thầm lặng và hầu như không biểu hiện ra bên ngoài bất cứ triệu chứng nào.

Niệu quản giãn do đâu? Chẩn đoán và điều trị thế nào? 2
Giãn niệu quản hầu như không có triệu chứng bên ngoài

Phần lớn các trường hợp được phát hiện thông qua siêu âm thai nhi (thể nguyên phát). Đôi khi chúng còn được tình cờ chẩn đoán khi người bệnh đi thăm khám về một vấn đề sức khỏe nào đó xảy ra ở đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu). Trong trường hợp này, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu liên đới như: Nôn ói, sốt, đau mỏi lưng hông.

Dựa vào mức độ, phạm vi của tình trạng suy giãn niệu quản mà giới chuyên môn chia bệnh lý này làm 4 cấp độ khác nhau, đó là:

  • Độ I A: Giãn phần niệu quản tiểu khung.
  • Độ I B: Giãn khu vực niệu quản tiểu khung và vùng hông chậu.
  • Độ II: Giãn toàn bộ mọi vị trí của niệu quản nhưng đường dẫn nước tiểu vẫn duy trì ở trạng thái thẳng, phần đài thận có hiện tượng giãn nhẹ.
  • Độ III: Niệu quản không chỉ giãn mà còn bị xoắn vào nhau, phần đài bể thận bị giãn nhiều.

Căn nguyên phát sinh

Tắc nghẽn được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy giãn niệu quản. Điều này chủ yếu do đoạn niệu quản tận cùng đấu nối với bàng quang mất dần khả năng co bóp khiến việc tống đẩy nước tiểu xuống bàng quang gặp nhiều cản trở. Kết quả là nước tiểu bị tồn ứ bên trên và nong rộng thể tích lòng ống niệu quản, dần dà làm phát sinh bệnh lý.

Ngoài ra, giãn niệu quản cũng có thể hình thành do hiện tượng trào ngược bàng quang niệu quản khi nước tiểu tồn ứ trong bóng đái mà không được đào thải ra ngoài. Đây là hệ lụy của thói quen nhịn tiểu hoặc một vấn đề sức khỏe nào đó ở vùng niệu đạo, bàng quang.

Chẩn đoán

Vì bệnh lý này hầu như không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài nên để chẩn đoán, bác sĩ thường áp dụng các kỹ thuật hiện đại dưới đây:

  • Chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV): Mục đích của việc thực hiện kỹ thuật này là làm rõ hình thái, độ dài, đường kính của niệu quản giãn. Hình ảnh đặc biệt có ý nghĩa trong chẩn đoán là xuất hiện hình rễ cây ở ngay giữa đoạn niệu quản bị giãn và đoạn teo nhỏ.
  • Chụp bàng quang và niệu đạo trong trường hợp có rặn tiểu (CUM): Thông qua kỹ thuật đặc biệt này, bác sĩ sẽ phân biệt được nguyên nhân làm phát sinh bệnh là do trào ngược bàng quang niệu quản hay do tắc nghẽn từ phía trên gây ra. Lưu ý, khi đã xác định rõ do trào ngược thì cũng không thể loại trừ hoàn toàn nguyên nhân tắc nghẽn. Và ngoài việc xác thực căn nguyên thì phương pháp trên còn giúp phát hiện nhiều bệnh lý khác ở đường tiết niệu như: Hội chứng thần kinh bàng quang, van bẩm sinh niệu đạo,...
  • Siêu âm ổ bụng: Thông qua kỹ thuật này, chuyên gia y tế sẽ phân biệt rõ tình trạng giãn niệu quản với bệnh lý khúc nối bể thận - niệu quản. Ngoài ra, kết quả siêu âm cũng giúp bác sĩ xác định được vị trí, phạm vi và mức độ của tình trạng giãn niệu quản (xuất hiện ở đâu, mang tính cục bộ hay toàn phần, có ảnh hưởng đến bể thận, bàng quang hay không). Bên cạnh đó, siêu âm còn đánh giá chức năng bài tiết thông qua việc đo đạc độ dày nhu mô thận đồng thời phát hiện nhanh các dị tật ở bàng quang.
  • Chụp xạ hình thận với sự hỗ trợ của mTc99-DPTA hoặc mTc99-DMSA: Đây là phương pháp chụp thận bằng đồng vị phóng xạ khi tiểu tiện, thường được dùng để theo dõi sự tiến triển của bệnh lý giãn niệu quản trong trường hợp điều trị bảo tồn.
  • Thử nghiệm Whitaker: Nếu bệnh phát sinh do tắc nghẽn thì khi truyền dịch với lưu lượng lớn (10ml) trong 60 giây trực tiếp vào bể thận bằng catheter, áp lực trong đài bể thận sẽ tăng cao. Đặc biệt, sự chênh lệch về áp lực giữa bể thận và bàng quang có thể lên tới 22cm H2O (vượt xa khỏi giá trị bình thường là 15cm H2O).
Niệu quản giãn do đâu? Chẩn đoán và điều trị thế nào? 3
Chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV) để chẩn đoán giãn niệu quản

Điều trị niệu quản giãn như thế nào?

Điều trị giãn niệu quản được chia làm 2 giai đoạn là phẫu thuật và sau phẫu thuật.

Điều trị phẫu thuật

Khi đã xác định rõ nguyên nhân giãn niệu quản là do tắc nghẽn, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp phẫu thuật cơ bản như tái tạo niệu quản (đưa niệu quản đấu nối trở lại với bàng quang) hoặc thu hẹp niệu quản (cắt niệu quản mở rộng).

Trong trường hợp trẻ không bị nhiễm trùng, phẫu thuật sẽ được thực hiện khi bé tròn 1 tuổi. Các ca phẫu thuật ở trẻ sơ sinh khá hiếm gặp vì đối tượng này vừa khó can thiệp, vừa rất dễ bị nhiễm trùng.

Có 2 hình thức can thiệp bằng cách phẫu thuật, đó là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật mở được đánh giá rất cao về hiệu quả điều trị triệt căn. Nếu niệu quản bị giãn do tắc nghẽn, khu vực tắc nghẽn sẽ được loại bỏ qua phẫu thuật. Nếu bệnh phát sinh do trào ngược thì phương pháp này cũng có thể tiếp cận nhanh để khắc phục sự cố phát sinh ở khu vực bàng quang. Ngoài ra một số ca còn có thể điều trị bảo tồn bằng cách cắt bớt và khâu nhỏ lại.

Phẫu thuật nội soi là phương pháp mang đến tính thẩm mỹ cao, hiệu quả can thiệp tốt và rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng đưa một camera nhỏ vào bên trong với vai trò như “nhãn tiền thứ hai” để thực hiện kỹ thuật xâm lấn ở vùng niệu quản. Nhìn chung việc tái tạo niệu quản bằng phương pháp này thường rất khó và đòi hỏi người can thiệp phải có trình độ chuyên môn cực cao.

Niệu quản giãn do đâu? Chẩn đoán và điều trị thế nào? 4
Phẫu thuật là phương pháp can thiệp mang lại hiệu quả cao đối với bệnh lý này

Điều trị sau phẫu thuật

Điều trị sau phẫu thuật nhằm mục đích đẩy nhanh tốc độ phục hồi và loại trừ các nguy cơ nhiễm trùng. Theo đó tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc giảm đau.

Ngoài ra trong giai đoạn này, bệnh nhân cũng cần được thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá kết quả phẫu thuật, mức độ cải thiện và một số vấn đề có thể phát sinh trong giai đoạn hậu phẫu như: Chảy máu, tắc niệu quản, đái ngược lên thận,...

Niệu quản giãn không phải là bệnh lý nan y nhưng do chúng xuất hiện một cách thầm lặng nên khi tiến triển đến giai đoạn muộn có thể làm tổn thương thận nghiêm trọng. Do đó việc phát hiện và can thiệp sớm được xem là nguyên tắc tôn chỉ khi đối diện với vấn đề sức khỏe này.

Xem thêm: Niệu quản lạc chỗ và những thông tin hữu ích dành cho bạn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin