Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nóng trong chảy máu cam: Nguyên nhân, cách ngăn ngừa và xử trí

Ngày 06/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi bị nóng trong chảy máu cam, việc đầu tiên bạn cần làm là chặn đứng quá trình xuất huyết ở niêm mạc mũi. Sau đó tiến hành làm rõ nguyên nhân của vấn đề để đưa ra giải pháp khắc phục và ngăn ngừa hiện tượng này tái diễn lần sau.

Nóng trong có thể là đặc điểm mang tính cơ địa hoặc xuất hiện một cách lẻ tẻ ở một vài thời điểm trong năm. Thực tế cho thấy hầu như ai cũng có thể gặp phải vấn đề này, từ người già cho tới trẻ nhỏ. Tuy nhiên nóng trong chảy máu cam thì ít xảy ra hơn, nhưng nếu đã phát tác thì thường tái diễn nhiều lần.

Nóng trong chảy máu cam phát sinh do đâu?

Chảy máu cam là gì?

Để trả lời cho câu hỏi trên, trước tiên chúng ta cần làm rõ thế nào là chảy máu cam và vì sao nóng trong lại có thể dẫn đến hiện tượng này.

Chảy máu cam được hiểu là hiện tượng mao mạch vùng hốc mũi bị nứt, vỡ và gây chảy máu. Chúng biểu hiện ra bên ngoài bằng dấu hiệu xuất huyết thành dòng và chảy từ hốc mũi xuống phía dưới. Nếu lượng máu quá lớn thì có thể chảy ngược xuống họng và gây nên hiện tượng sặc, ho, nôn ra máu.

Khi nóng trong người, tốc độ tuần hoàn máu thường có xu hướng tăng mạnh và nền nhiệt của dịch tuần hoàn cũng cao hơn so với bình thường. Cả hai điều này sẽ tác động tiêu cực lên thành mao mạch và niêm mạc mũi, những bộ phận có kết cấu siêu mỏng và dễ bị vỡ ra do tăng nhiệt, sang chấn cơ học. Chính vì điều này mà trong một số trường hợp, nóng trong người có thể gây ra chảy máu cam.

Nóng trong chảy máu cam: Nguyên nhân, cách ngăn ngừa và xử trí 1
Chảy máu cam được hiểu là hiện tượng mao mạch vùng hốc mũi bị nứt, vỡ và gây chảy máu

Nóng trong chảy máu cam phát sinh do đâu?

Dưới đây là một số căn nguyên thường gặp làm phát sinh hiện tượng nóng trong chảy máu cam:

  • Yếu tố cơ địa: Như đã nhắc đến ở trên, cơ địa là nhân tố chi phối mạnh mẽ đến triệu chứng này. Một số người có thân nhiệt cao hơn số đông hoặc niêm mạc mũi mỏng, quá mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường. Chính vì vậy hiện tượng chảy máu cam có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào. Và khi tích hợp thêm một vài yếu tố nguy cơ thì chúng có thể biểu hiện trầm trọng hơn.
  • Ăn nhiều thực phẩm cay nóng hoặc thiếu vi chất: Nếu bạn lạm dụng đồ ngọt, đồ chế biến sẵn và sử dụng quá nhiều gia vị cay nóng thì chảy máu cam do nóng trong chỉ là chuyện ngày một ngày hai. Trong một diễn biến khác, nếu thiếu đi một số thành phần vi chất quan trọng như sắt, kali, kẽm hay vitamin K (hỗ trợ đông máu), vitamin C (bảo vệ thành mạch),... Vấn đề sức khỏe này cũng có thể tìm đến bạn.
  • Uống nhiều thuốc tây: Các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, điều trị huyết áp, tiểu đường,… Cũng được xem là nguyên nhân gây nóng trong. Các kiểm chứng y khoa cho thấy những đại diện này khiến cơ thể bế nhiệt, khó phóng thích nhiệt năng ra môi trường ngoài. Bên cạnh việc chảy máu cam thì hiện tượng phát ban, nổi mụn cũng có thể xảy ra.
  • Sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn: Rượu, bia, thuốc lá cũng là những tác nhân gây hại nên sức khỏe con người về nhiều mặt. Một trong số đó là khiến cơ thể nóng trong, làm tổn thương niêm mạc, mao mạch máu trong mũi và gây nên hiện tượng chảy máu.
  • Thiếu nước: Khi bạn bị mất nước hoặc uống không đủ nước, quá trình làm mát cơ thể sẽ bị ảnh hưởng và nóng trong rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, thực trạng trên còn khiến dịch tuần hoàn trở nên đặc hơn, áp lực của chúng lên thành mạnh cũng tăng cao hơn, từ đó gây nứt vỡ mao mạch máu ở mũi.
  • Thời tiết nắng nóng: Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao thì nhiệt năng sinh ra từ các hoạt động sống không thể giải phóng ra môi trường xung quanh. Sự tồn ứ nhiệt trong trường hợp này cũng có thể gây áp lực lên niêm mạc và làm chảy máu mũi.
Nóng trong chảy máu cam: Nguyên nhân, cách ngăn ngừa và xử trí 3
Thời tiết oi nực là nguyên nhân hàng đầu gây nóng trong chảy máu cam

Cách xử trí chảy máu cam khi bị nóng trong

Khi bị chảy máu cam do nóng trong, việc cần làm đầu tiên là cầm máu. Để thực hiện điều này thì bạn có thể áp dụng một số cách sơ cứu nhanh dưới đây:

Hơi cúi người về phía trước

Khi thấy máu chảy ra từ mũi, rất nhiều người ngửa mặt lên với hy vọng máu sẽ ngừng chảy ra. Đây là một trong những sai lầm rất thường gặp khi đối phó với hiện tượng chảy máu cam. Nếu bạn làm theo cách này, máu sẽ chảy hết xuống họng và có thể bị lọt vào đường thở gây nên hiện tượng sặc. Vậy nên chúng ta cần thao tác ngược lại, cúi đầu về phía trước để máu có thể chảy xuống theo đường hốc mũi ra ngoài.

Bóp mũi nhẹ nhàng

Đây là một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả cầm máu lại rất ấn tượng vì thao tác này giúp nén các mao mạch máu, làm khít các mối nứt vỡ trên niêm mạc mũi. Từ đó, hỗ trợ quá trình đông máu và giúp khắc phục nhanh triệu chứng đang gặp phải. Có một điều cần lưu ý, đó là việc bóp mũi chỉ nên thực hiện trong vòng 10 phút. Không giữ quá lâu vì điều này có thể gây chà xát mạnh khiến hiện tượng chảy máu cam tái phát trở lại.

Sử dụng thuốc đặc hiệu

Thuốc chống xung huyết mũi có chứa hoạt chất làm co thắt chặt thành mạch máu ở vùng niêm mạc mũi. Bên cạnh tác dụng giảm tắc nghẽn, tiêu viêm thì chúng cũng giúp kiểm soát tình trạng chảy máu cam.

Lưu ý: Khi chảy máu cam, tuyệt đối không nhét bông hoặc khăn giấy vào mũi. Trong trường hợp này, niêm mạc ở hốc mũi đang bị tổn thương, tương đối nhạy cảm và những kích thích mạnh nói trên có thể khiến máu chảy mạnh hơn. Thay vào đó, chúng ta nên đặt bông ngay bên ngoài lỗ mũi để thấm sạch máu chảy ra từ bộ phận này.

Nóng trong chảy máu cam: Nguyên nhân, cách ngăn ngừa và xử trí 4
Khi bị chảy máu cam, chúng ta nên cúi người về phía trước thay vì ngửa cổ

Giải pháp ngăn ngừa

Giải pháp ngăn ngừa được xây dựng dựa trên các nguyên nhân chính làm phát sinh hiện tượng nóng trong chảy máu cam. Cụ thể như sau:

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Đảm bảo uống tối thiểu 1,5l nước mỗi ngày (đối với người trưởng thành) và tăng lên 20 - 30% trong những ngày khô hanh. Ngoài việc uống nước, có thể thay thế bằng việc bổ sung rau quả tươi.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh: Hạn chế tối đa việc sử dụng các thực phẩm cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, chất ngọt,… Nói không với bia, rượu, thuốc lá và những chất gây nghiện khác. Ưu tiên những thực phẩm/đồ uống có khả năng hạ nhiệt, thanh lọc cơ thể như trái cây, rau má, atiso, diếp cá, mướp đắng,… Đặc biệt là trong thời gian sử dụng nhiều thuốc tây. 
  • Bổ sung đầy đủ vi chất và vitamin thiết yếu: Có thể thực hiện qua đường ăn uống hoặc dùng viên tổng hợp.
  • Duy trì độ ẩm lý tưởng cho niêm mạc mũi: Nếu niêm mạc mũi quá khô, khả năng đàn hồi của chúng sẽ kém đi. Khi đó chỉ cần một chút tác động lực cũng có thể gây chảy máu. Bởi vậy chúng ta nên xịt dung dịch NaCl 0,9% ngày 2 - 3 lần để cải thiện tình hình. Ngoài ra nếu sử dụng điều hòa hoặc khi độ ẩm ngoài trời quá thấp, hãy sắm thêm máy tạo độ ẩm để ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam.
  • Làm mát không khí trong những ngày nắng nóng: Để hạ nhiệt cơ thể, chúng ta nên dùng thêm quạt máy, điều hòa trong những ngày oi nực, khi nhiệt độ ngoài trời quá cao.
Nóng trong chảy máu cam: Nguyên nhân, cách ngăn ngừa và xử trí 5
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng nóng trong chảy máu cam

Nóng trong chảy máu cam và dấu hiệu bất thường

Hầu hết các trường hợp chảy máu cam do nóng trong không quá nguy hiểm, có thể xử trí nhanh và ngăn ngừa hiệu quả khi thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên nếu hiện tượng này xuất hiện ở bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn đông máu hoặc đi kèm những dấu hiệu bất thường dưới đây thì bạn cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất:

  • Chảy máu quá nhiều;
  • Liên tục nôn ra máu;
  • Sốt cao không hạ;
  • Chấn thương vùng đầu, có triệu chứng đau đớn hoặc mất tri giác;
  • Khó thở, rối loạn nhịp tim.

Những nội dung cơ bản nhất về hiện tượng nóng trong chảy máu cam đã được cung cấp chi tiết trong bài viết này. Nếu có thắc mắc gì về vấn đề sức khỏe trên, bạn hãy liên hệ với Nhà thuốc Long Châu để được tư vấn chi tiết thêm. 

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm