Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phân biệt nhanh hạ đường huyết và tụt huyết áp

Ngày 03/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người thường hay nhầm lẫn giữa hạ đường huyết và tụt huyết áp, cho rằng 2 tình trạng này là như nhau. Tuy nhiên thực tế lại ngược lại, hạ đường huyết và tụt huyết áp hoàn toàn khác nhau đấy.

Hạ đường huyết và tụt huyết áp có cùng một số triệu chứng nên thường bị nhầm lẫn là giống nhau. Để phân biệt rõ hơn 2 tình trạng sức khỏe này, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây. 

Hạ đường huyết và tụt huyết áp liệu có giống nhau? 

Để phân biệt hạ đường huyết và tụt huyết áp, trước hết bạn cần hiểu rõ khái niệm cũng như nguyên nhân dẫn đến 2 tình trạng trên. Nhìn nhận một cách tổng quan về 2 bệnh lý này sẽ giúp bạn nhận biết và phân biệt dễ dàng hơn, tránh những nhầm lẫn không cần thiết. 

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm nhanh, giảm đột ngột xuống dưới mức an toàn (thấp hơn 70mg/dL) và tình trạng trở nên vô cùng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu lượng đường huyết giảm xuống thấp hơn mức 55mg/dL.

Phân biệt nhanh hạ đường huyết và tụt huyết áp 1
Hạ đường huyết là khi chỉ số đường trong máu thấp hơn 70mg/dL

Tụt huyết áp là hiện tượng xảy ra khi chỉ số huyết áp tâm thu giảm xuống dưới mức 90mmHg hoặc chỉ số huyết áp tâm trương giảm dưới 60mmHg. Tụt huyết áp còn có tên gọi khác là huyết áp thấp, thường phổ biến hơn hạ đường huyết và mọi đối tượng, mọi độ tuổi khác nhau đều có thể gặp phải tình trạng này, đặc biệt thường xuyên bắt gặp ở phụ nữ mang thai hoặc người lớn tuổi, người ốm nặng.

Vậy hạ đường huyết và tụt huyết áp có giống nhau không? Về bản chất, 2 bệnh lý này không giống nhau, bản chất bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh cũng có sự khác biệt rõ rệt nên không thể đánh đồng 2 hiện tượng này là giống nhau. Thêm vào đó, tụt huyết áp là tình trạng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể còn hạ đường huyết lại là bệnh lý có liên quan đến bệnh tim mạch và một số vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường,...

Phân biệt triệu chứng hạ đường huyết và tụt huyết áp

Nhận biết và phân biệt hạ đường huyết và tụt huyết áp ngay từ những triệu chứng đầu tiên giúp ích cho bạn rất nhiều trong cách xử lý tiếp theo. Dưới đây là một số triệu chứng đặc trưng của bệnh giúp bạn phân biệt rõ hơn 2 hiện tượng trên.

Triệu chứng hạ đường huyết

Hạ đường huyết khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đôi khi những biểu hiện của bệnh khá giống với tụt huyết áp khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Một số biểu hiện đặc trưng của bệnh có thể kể đến như: 

  • Bụng đói;
  • Tay chân run; 
  • Nhịp tim tăng cao, tim đập nhanh; 
  • Dễ bị kích thích từ các yếu tố bên ngoài; 
  • Dễ cáu gắt, gắt gỏng; 
  • Mau nước mắt; 
  • Lo lắng; 
  • Mệt mỏi;
  • Trường hợp hạ đường huyết nặng thường có biểu hiện co giật, ngất xỉu, hôn mê sâu, thậm chí là tử vong nếu không xử lý kịp thời.

Hạ đường huyết không chỉ xảy ra ban ngày, khi người bệnh tỉnh táo mà còn xuất hiện vào ban đêm, lúc bệnh nhân đang ngủ say. Triệu chứng của bệnh khi này là khiến người bệnh tỉnh giấc giữa đêm, đau đầu, mệt mỏi, vã mồ hôi, gặp ác mộng,... Bên cạnh đó, người bị bệnh tiểu đường cũng rất dễ bị hạ đường huyết. Hạ đường huyết ở người bình thường xảy ra do những nguyên nhân như: 

  • Ăn uống không đủ bữa, nhịn ăn trên 8 tiếng; 
  • Uống nhiều bia rượu; 
  • Bị nhiễm trùng; 
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày; 
  • Tác dụng phụ của thuốc,...
Phân biệt nhanh hạ đường huyết và tụt huyết áp 2
Uống nhiều bia, rượu là tác nhân làm tăng tỷ lệ hạ đường huyết

Triệu chứng khi bị tụt huyết áp

Tụt huyết áp là tình trạng sức khỏe thường gặp hơn so với hạ đường huyết và có những biểu hiện đặc trưng như: 

  • Mệt mỏi, cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng; 
  • Hoa mắt, nhìn mờ;
  • Buồn nôn, nôn ói; 
  • Da lạnh và đổ nhiều mồ hôi; 
  • Khó tập trung; 
  • Thở nhanh, nhịp thở dồn dập, thở nông; 
  • Trường hợp tụt huyết áp nặng có thể xuất hiện triệu chứng ngất xỉu, té ngã,...

Phân biệt hạ đường huyết và tụt huyết áp không khó như bạn nghĩ. Với những triệu chứng nêu trên, bạn có thể nhận biết tụt huyết áp một cách nhanh chóng, đơn giản, từ đó có phương án xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. 

Tình trạng tụt huyết áp có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, kể cả người già và trẻ nhỏ nhưng có một số trường hợp dễ bị tụt huyết áp nhất phải kể đến như:

  • Người đang sử dụng thuốc gây tụt huyết áp; 
  • Người đang uống thuốc trị bệnh trầm cảm; 
  • Người bị bệnh Parkinson
  • Người bị rối loạn cương dương; 
  • Phụ nữ mất cân bằng nội tiết tố nữ; 
  • Người có bệnh tim mạch hoặc bệnh lý về gan, thận,...

Cách phòng ngừa hạ đường huyết và tụt huyết áp

Tuy có nhiều điểm khác biệt về nguyên nhân gây bệnh cũng như biểu hiện đặc trưng nhưng cách phòng bệnh của hạ đường huyết và tụt huyết áp lại có điểm tương đồng. Sau khi phân biệt tình trạng hạ đường huyết và tụt huyết áp thông qua nguyên nhân và biểu hiện của bệnh, bạn cũng nên áp dụng những cách sau để tránh gặp tình trạng trên. 

  • Không bỏ bữa, ăn đủ bữa trong ngày và nên chia nhỏ bữa ăn, ăn các bữa cách nhau mỗi 3 - 4 tiếng nếu bạn là người dễ bị tụt huyết áp. 
  • Ăn đúng giờ, lưu ý bổ sung nhiều hơn những thực phẩm giàu năng lượng, vitamin và khoáng chất như hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt,...
  • Không uống quá nhiều rượu bia hoặc đồ uống có cồn khác. 
  • Nên tập luyện thể dục thể thao vừa sức và không tập khi bụng đói. 
  • Nên ăn nhẹ trước khi tập, uống đủ nước trong và sau khi tập để bù nước cho cơ thể. 
  • Thường xuyên khám sức khỏe tổng quát, theo dõi các chỉ số sức khỏe, bao gồm cả chỉ số đường huyết và huyết áp. 
Phân biệt nhanh hạ đường huyết và tụt huyết áp 3
Bữa phụ trước khi tập giúp ngăn ngừa hạ đường huyết và tụt huyết áp

Bên cạnh những cách chung để phòng bệnh, bạn cũng nên lưu ý những điều sau: 

Đối với người dễ bị hạ đường huyết: Bệnh nhân tiểu đường cần chú ý luôn mang theo bên mình món ăn nhẹ hoặc kẹo, bánh để bổ sung đường nhanh chóng cho cơ thể. Tình trạng bệnh nhân nặng nên mang theo bộ dụng cụ tiêm glucagon. 

Đối với người dễ bị tụt huyết áp: Cần chú ý uống nhiều nước, đảm bảo 2.5 - 3 lít nước/ngày và thay đổi tư thế từ từ, tránh đứng lên ngồi xuống quá nhanh dẫn đến hiện tượng chóng mặt, hoa mắt. Tập luyện thể dục cũng kiểm soát điều độ, tránh tập quá sức. 

Mong rằng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu hơn cũng như phân biệt được hạ đường huyết và tụt huyết áp. Nếu thường xuyên bị hạ đường huyết hoặc tụt huyết áp, bạn cần liên hệ bác sĩ và kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các chỉ số và thực hiện điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm