Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản để điều trị đúng cách

Ngày 23/03/2021
Kích thước chữ

Làm thế nào để phân biệt viêm phổi và viêm phế quản để điều trị đúng cách ? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn so sánh sự khác nhau giữa viêm phổi và viêm phế quản, cùng tìm hiểu ngay nhé!

Hầu hết các vấn đề hay bệnh về đường hô hấp thường sẽ có những triệu chứng khá giống nhau nên rất khó để nhận biết. Việc phân biệt viêm phổi và viêm phế quản cũng không hề dễ dàng bởi cả hai bệnh lý này đều ảnh hưởng đến phổi và có nhiều triệu chứng tương đồng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt viêm phổi và viêm phế quản để điều trị đúng cách, cùng tìm hiểu ngay nhé!

Phân biệt  các triệu chứng của viêm phổi và viêm phế quản

Nhìn chung, bệnh viêm phổi và bệnh viêm phế quản đều có dấu hiệu và triệu chứng gần giống nhau như ho có đờm, sốt, mệt mỏi… Tuy nhiên, vẫn có những biểu hiện đặc trưng riêng để giúp bạn phân biệt 2 bệnh lý này. 

phan-biet-viem-phoi-va-viem-phe-quan-de-dieu-tri-dung-cach-3

Phân biệt  các triệu chứng của viêm phổi và viêm phế quản

1. Triệu chứng viêm phế quản

Viêm phế quản là bệnh xảy ra ở lớp niêm mạc bên trong phế quản, đây cũng là con đường mang không khí vào và ra phổi. Trong đó bệnh viêm phế quản cấp tính thường là do virus hay vi khuẩn gây ra. Còn bệnh viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài.

Tùy theo tình trạng là viêm phế quản cấp tính hay mãn tính mà người bệnh sẽ có những triệu chứng đặc trưng khác nhau. 

Đối với viêm phế quản cấp thường sẽ gây ra các triệu chứng gần giống với nhiễm trùng đường hô hấp trên như mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau đầu nhẹ… Khi ho sẽ thấy xuất hiện đờm màu vàng hoặc xanh lục. Thường các triệu chứng của bệnh viêm phế quản cấp sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày đến 1 tuần, nhưng ho sẽ có thể kéo dài lâu hơn. 

Đối với viêm phế quản mạn tính, triệu chứng thường là ho dai dẳng kéo dài ít nhất 3 tháng, người bệnh hay có những cơn ho theo từng đợt và sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Mỗi đợt ho xuất hiện và nặng hơn sẽ được gọi là đợt bùng phát. Tình trạng này còn là một phần của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên có thể đi kèm với một số triệu chứng như thở nông, dễ bị hụt hơi, thở khò khè, mệt mỏi, khó chịu ở ngực, tức ngực… 

2. Triệu chứng viêm phổi

Viêm phổi là bệnh lý xảy ra ở các túi khí (hay phế nang), đây là nơi sẽ giúp oxy được vận chuyển vào trong máu. Khi tình trạng viêm ở đây sẽ khiến cho các phế nang chứa đầy dịch hoặc mủ. Triệu chứng của bệnh viêm phổi cũng là ho, đôi khi còn đi kèm theo đờm có màu vàng hoặc xanh lục. Ngoài ra, còn có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt (có thể sốt cao đến 40ºC), ớn lạnh, run người, đau ngực, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn mửa hay tiêu chảy, thở nông, không tỉnh táo (hay thấy ở người cao tuổi), môi tái nhợt và xanh xao do thiếu oxy. 

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng tùy theo từng trường hợp. Nếu bạn có các biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp dưới đi kèm theo một số triệu chứng như sốt cao, ớn lạnh thì nhiều khả năng là bạn đang bị viêm phổi. Sau một tuần, nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé! 

Cách điều trị viêm phổi và viêm phế quản

Dù là bệnh lý nào thì để có phương pháp điều trị phù hợp cũng đều phải dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh. Đối với những người bị bệnh viêm phế quản, khả năng điều trị khỏi bệnh cao chỉ dành cho những trường hợp cấp tính. Bệnh viêm phế quản mạn tính vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mà chỉ tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng, hạn chế các đợt bùng phát và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Lúc này, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc steroid hoặc các loại thuốc hít để giúp làm giảm viêm và thông thoáng đường thở hơn.

phan-biet-viem-phoi-va-viem-phe-quan-de-dieu-tri-dung-cach-2

Cách điều trị viêm phổi và viêm phế quản

Việc xác định nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm phổi và viêm phế quản là do vi khuẩn hay virus sẽ do các bác sĩ thực hiện. Dựa trên kết quả đó sẽ đưa ra các loại thuốc điều trị phù hợp trên các tác nhân gây bệnh. Chẳng hạn như, nếu trường hợp viêm phổi và viêm phế quản cấp đều do vi khuẩn gây ra thì người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bị viêm phế quản cấp do virus gây ra thì việc uống thuốc kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ khuyến nghị người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước chờ cơ thể tự phục hồi.

Những trường hợp nghiêm trọng hơn như viêm phổi nặng, người bệnh nhiều khả năng sẽ phải sử dụng máy thở hoặc liệu pháp oxy để đảm bảo sự sống. 

Cách kiểm soát và cải thiện bệnh viêm phế quản và viêm phổi tại nhà

Ngoài việc điều trị theo đúng chỉ định, bạn cũng nên áp dụng thêm một số biện pháp tại nhà để quá trình chữa bệnh trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn: 

  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
  • Uống đủ và nhiều nước, điều này sẽ giúp làm loãng đờm và nhầy trong nước
  • Tránh sử dụng các loại thức uống gây mất nước như rượu, bia, caffeine
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm hay xông hơi để góp phần giúp làm loãng dịch nhầy trong phổi
  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những yếu tố có thể  gây kích ứng như khói thuốc, bụi, hóa chất…
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc trị ho nếu cơn ho khiến bạn mất ngủ

phan-biet-viem-phoi-va-viem-phe-quan-de-dieu-tri-dung-cach-1

Cách kiểm soát và cải thiện bệnh viêm phế quản và viêm phổi tại nhà

Hy vọng với những chia sẻ về việc phân biệt viêm phổi và viêm phế quản để điều trị đúng cách trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hai bệnh lý này nhé!

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin