Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phẫu thuật lấy nhân đệm điều trị thoát vị đĩa đệm và những điều cần biết

Ngày 21/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mổ thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng nhằm mục đích loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và phục hồi đĩa đệm bị tổn thương. Với sự tiến bộ của y học hiện đại ngày nay, người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể được phẫu thuật dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện chi trả và tình trạng của từng bệnh nhân. Trong đó, không thể không nhắc đến phương pháp phẫu thuật lấy nhân đệm chữa thoát vị đĩa đệm.

Đa số các trường hợp thoát vị đĩa đệm có thể được cải thiện trong 6 tuần mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên với những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nặng đã được điều trị bằng các phương pháp khác nhưng không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy nhân đệm.

Tổng quan về thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị lệch, trượt ra khỏi vị trí do thoái hóa, tai nạn hay chấn thương… Điều này khiến cho phần nhân đệm nhầy bên trong thoát ra ngoài, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh cũng như tủy sống tại khu vực lân cận. Những bất thường này thường liên quan tới một hoặc nhiều đĩa đệm giữa các đốt sống trên cột sống của bệnh nhân. Trong đó, thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Phẫu thuật lấy nhân đệm điều trị thoát vị đĩa đệm và những điều cần biết
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị lệch gây ảnh hưởng đến dây thần kinh và tủy sống

Nguyên nhân chính của thoát vị đĩa đệm thường là do lão hóa (thoái hóa đĩa đệm), hoạt động sinh hoạt hàng ngày thiếu khoa học, chấn thương, tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay chấn thương thể thao… Bên cạnh đó các yếu tố như: Béo phì, đặc thù nghề nghiệp yêu cầu cúi gập nhiều hoặc mang vác nặng, di truyền hay hút thuốc lá… cũng có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm thường không gây chèn ép lên toàn bộ ống sống mà có tác động chủ yếu đến một số khu vực bị tổn thương trên cơ thể. Biểu hiện của bệnh phụ thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng, thường người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, tê hoặc ngứa, bỏng rát, yếu cơ dẫn đến khó khăn trong việc cầm nắm đồ đạc, mất khả năng di chuyển và nặng nhất có thể gây tàn phế. Một số trường hợp lại không có triệu chứng rõ ràng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị.

Điều trị thoát vị đĩa đệm theo nguyên tắc nào?

Mỗi trường hợp thoát vị đĩa đệm cụ thể sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường, điều trị nội khoa và phục hồi chức năng bảo tồn nên được tiến hành càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi còn ở giai đoạn bao xơ đĩa đệm chưa bị rách. Nếu được thực hiện đúng cách và kịp thời, tỷ lệ điều trị thành công trong giai đoạn này có thể lên đến 90%. Thời gian điều trị tối thiểu là từ 5-8 tuần và nếu bệnh nhân đáp ứng trên 50% thì phương pháp này có thể tiếp tục được áp dụng. Ngược lại, người bệnh có thể cần can thiệp ngoại khoa.

Với người bệnh có vòng xơ đã bị vỡ, nhân đệm thông qua khe hở của dây chằng dọc sau vào trong lỗ thần kinh hoặc ống sống gây chèn ép nặng lên rễ và chùm đuôi ngựa, thường được thấy rõ trên hình ảnh MRI thì việc can thiệp ngoại khoa sớm là cần thiết.

Phẫu thuật lấy nhân đệm điều trị thoát vị đĩa đệm và những điều cần biết 1
Mỗi trường hợp thoát vị đĩa đệm sẽ có phương pháp và lộ trình điều trị khác nhau

Chỉ định phẫu thuật cần dựa vào hai yếu tố chính: Triệu chứng lâm sàng có dấu hiệu đau rễ và kết quả của hình ảnh MRI. Các chỉ định phẫu thuật cột sống thắt lưng bao gồm:

  • Không có sự cải thiện sau 5-8 tuần điều trị nội khoa và phục hồi chức năng.
  • Nhân đệm đã nằm trong ống sống.
  • Thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm theo đau rễ điển hình (đau ở một hoặc hai chân).
  • Hẹp rất nặng ở lỗ thần kinh thể hiện rõ trên MRI kèm theo đau rễ điển hình.
  • Thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm teo cơ cẳng chân và tê ở bàn chân hoặc ngón chân.

Phương pháp phẫu thuật lấy nhân đệm chữa thoát vị đĩa đệm

Để đạt hiệu quả trong việc điều trị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, việc lựa chọn phương pháp phù hợp là vô cùng quan trọng. Hiện nay, có hai phương pháp ngoại khoa phổ biến được áp dụng để điều trị thoát vị cột sống đĩa đệm thắt lưng gồm:

Vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm (Microdiscectomy)

Được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng ngoại khoa nên phương pháp vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm được áp dụng khá rộng rãi và mang lại hiệu quả tốt. Các bác sĩ sẽ sử dụng kính vi phẫu thuật nhằm loại bỏ nhân đệm và giải phóng rễ thần kinh. Phương pháp này giúp phẫu thuật viên thấy rất rõ tủy sống, nhân đệm, các tĩnh mạch quanh màng cứng, các rễ thần kinh nên hạn chế thấp nhất tai biến cho người bệnh.

Hiện nay các bác sĩ còn sử dụng hệ thống ống nong kết hợp với kính vi phẫu (tubular microdiscectomy) nhằm giảm thiểu tổn thương cho bệnh nhân. Với thời gian mổ ngắn, bệnh nhân có thể đứng dậy đi lại bình thường sau 24 giờ mổ và xuất viện 3-4 ngày sau đó.

Phẫu thuật lấy nhân đệm điều trị thoát vị đĩa đệm và những điều cần biết 2
Lấy nhân đệm qua nội soi là một trong những phương pháp giúp chữa thoát vị đĩa đệm

Lấy nhân đệm qua nội soi (Neuroendoscopic discectomy)

Phẫu thuật nội soi để lấy nhân đệm cũng là một trong những phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng phổ biến hiện nay. Dù kết quả điều trị của phương pháp nội soi và vi phẫu để loại bỏ nhân đệm hoàn toàn tương đương, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế khi sử dụng nội soi để lấy nhân đệm. Đặc biệt, phương pháp này không thể được áp dụng trong một số trường hợp sau,:

  • Thoát vị đĩa đệm tái phát và xơ hóa;
  • Hẹp ống sống kèm theo;
  • Bệnh nhân đã từng phẫu thuật cột sống thắt lưng trước đây;
  • Hẹp lỗ liên hợp;
  • Hẹp ngách bên;
  • Mất vững cột sống;
  • Thoát vị đĩa đệm nhiều tầng;
  • Thoát vị trung tâm;
  • Hẹp khoang đĩa đệm;
  • Hẹp lỗ liên hợp.
Phẫu thuật lấy nhân đệm điều trị thoát vị đĩa đệm và những điều cần biết 3
Chú ý tư thế ngồi là cách đơn giản giúp phòng thoát vị đĩa đệm

Phòng ngừa tái phát sau điều trị thoát vị đĩa đệm

Hầu hết các vấn đề liên quan đến thoát vị đĩa đệm có thể tự khỏi hoặc cải thiện đáng kể sau khi điều trị những vẫn có một số trường hợp tái phát. Để bảo vệ cột sống và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát, bạn cần chú ý:

  • Chú ý giữ tư thế ngồi chuẩn, đứng thẳng.
  • Nếu phải đứng lâu, để giảm áp lực lên lưng hãy gác một chân lên một vật nào đó.
  • Tránh nâng vật nặng quá 2,5 kg.
  • Khi nâng vật nặng, hãy ngồi xổm và từ từ nâng lên, tránh uốn cong vùng thắt lưng.
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định nhằm giảm áp lực lên cột sống.
  • Tránh hút thuốc lá vì thuốc lá có thể gây xơ cứng động mạch, làm hỏng các đĩa đệm.
  • Tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý và bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D và tốt cho xương.
  • Thực hiện các bài tập vận động đều đặn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên gia.

Trên đây là những thông tin về phương pháp phẫu thuật lấy nhân đệm điều trị thoát vị đĩa đệm nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn. Điều trị thoát vị đĩa đệm có thể có kết quả khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và phương pháp được áp dụng. Tốt nhất, mỗi người cần chủ động thăm khám khi có các dấu hiệu bất thường và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm