Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phình đĩa đệm là gì? Các phương pháp điều trị tình trạng phình đĩa đệm

Ngày 11/05/2024
Kích thước chữ

“Phình đĩa đệm là gì?” là câu hỏi thắc mắc của nhiều người. Đây là một tình trạng phổ biến trong hệ thống cột sống, có thể gây ra đau và tê ở các tứ chi. Ở giai đoạn ban đầu, bệnh không có những biểu hiện bên ngoài rõ ràng làm cho việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn đối với người bệnh.

Các triệu chứng ban đầu của phình đĩa đệm thường dễ gây nhầm lẫn với đau nhức thông thường. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển thành thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng đến khả năng vận động sau này. Vậy phình đĩa đệm là gì?

Phình đĩa đệm là gì?

Phình đĩa đệm là tình trạng mà đĩa đệm (phần nằm giữa hai đốt sống) bị phồng lên và biến dạng. Đĩa đệm thường có hình dạng tròn và dẹt, bao gồm một lớp vỏ bao xơ bên ngoài và một phần nhân nhầy dạng gel bên trong. Chức năng chính của đĩa đệm là hấp thụ xung động, giúp tránh ma sát giữa các đốt sống khi chúng di chuyển và đồng thời giúp bảo vệ cột sống.

Mặc dù nhân nhầy của đĩa vẫn nằm trong bao xơ nhưng khi đĩa đệm bị phình lên, nó có thể tạo ra áp lực lên các rễ thần kinh xung quanh. Điều này có thể gây ra các cảm giác đau nhức và không thoải mái cho người bệnh.

Phình đĩa đệm là gì 1
"Phình đĩa đệm là gì?" là thắc mắc của nhiều người

Phình đĩa đệm có nguy hiểm không?

Với những thông tin được chia sẻ ở trên, có lẽ bạn đã hiểu phình đĩa đệm là gì. Vậy phình đĩa đệm có nguy hiểm không? Phình đĩa đệm có thể được nhận biết tùy theo giai đoạn của bệnh và nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, thường không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài, nó có thể gây ra các biến chứng không mong muốn, bao gồm:

  • Cơ bắp suy yếu: Một đĩa đệm phình lên có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh nuôi dưỡng cơ, dẫn đến việc cơ không nhận đủ dưỡng chất. Dần dần, điều này có thể dẫn đến teo cơ, thường xảy ra ở các cơ của cánh tay và chân.
  • Rối loạn cảm giác: Khu vực bị chèn ép bởi đĩa đệm phình lên thường gây ra cảm giác tê bì. Điều này có thể khiến người bệnh nhầm lẫn giữa cảm giác đau và cảm giác nóng lạnh. Đây là một biến chứng nguy hiểm và người bệnh nên điều trị kịp thời khi có các triệu chứng này.
  • Giảm chức năng của ruột và bàng quang: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của phình đĩa đệm, đặc biệt là ở cột sống thắt lưng. Khi đĩa đệm phình lên ở vùng này, có thể gây ra áp lực lên các dây thần kinh liên quan đến chức năng của bàng quang và ruột. Kết quả là chức năng của bàng quang hoặc ruột có thể bị suy giảm, làm cho người bệnh không thể kiểm soát việc đi tiểu và đại tiện. Triệu chứng này là một dấu hiệu cho thấy bệnh đã diễn biến sang giai đoạn nghiêm trọng và yêu cầu điều trị ngay lập tức.
Phình đĩa đệm là gì 2
Phình đĩa đệm có thể làm cơ bắp chân bị suy yếu

Các phương pháp điều trị tình trạng phình đĩa đệm

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị phình đĩa đệm khác nhau. Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường ở vùng lưng, cổ hoặc ngực, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám chính xác về tình trạng sức khỏe. Sau đó, dựa vào mức độ và tình trạng bệnh của bạn, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp nhất. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến cho phình đĩa đệm:

  • Sử dụng nhiệt nóng hoặc lạnh: Chườm túi lạnh lên vùng đau trong vài ngày đầu tiên. Sau đó sử dụng nhiệt để giúp giảm viêm và làm giảm đau. Quy trình này giúp nhóm cơ được nới lỏng và thư giãn.
  • Tập các bài tập nhẹ nhàng: Việc tập các bài tập nhẹ nhàng giúp tăng cường sự dẻo dai của hệ xương khớp và cải thiện cường độ của cơ bắp. Điều này có thể giúp giảm đau và tăng khả năng phục hồi tự nhiên của cơ thể.
  • Uống thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau như thuốc chống co giật, thuốc giãn cơ hoặc thuốc chống viêm có chứa corticoid để giảm triệu chứng đau và viêm.
  • Bài tập vật lý trị liệu: Đây được coi là một phương pháp hiệu quả trong việc điều trị phình đĩa đệm. Các bài tập này thường được thiết kế để làm thẳng các đốt sống, giúp khôi phục cấu trúc tự nhiên ban đầu của đĩa đệm và cột sống, đồng thời giảm đau mà không cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
  • Phẫu thuật: Trong những trường hợp mà phình đĩa đệm gây đau, yếu và hạn chế vận động, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ đĩa đệm bị phồng để giảm áp lực lên tủy sống hoặc dây thần kinh cột sống.

Hướng dẫn cách ngăn ngừa phình đĩa đệm

Bên cạnh thắc mắc “phình đĩa đệm là gì?”, nhiều người còn quan tâm đến cách ngăn ngừa tình trạng phình đĩa đệm. Bệnh phình đĩa đệm thường khó phòng ngừa do phần gel trong đĩa đệm có thể dần bị khô cứng theo thời gian. Tuy nhiên, để hạn chế và ngăn chặn tình trạng này trở nên nghiêm trọng, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Duy trì trọng lượng hợp lý: Điều này giúp giảm áp lực lên cột sống, giảm nguy cơ phồng đĩa đệm.
  • Tập thể dục đều đặn và vừa phải: Tập thể dục giúp tăng cường các cơ xung quanh cột sống, làm giảm áp lực lên đĩa đệm. Tuy nhiên, cần phải lưu ý về việc chọn những bài tập phù hợp và tránh những động tác quá nặng.
  • Thực hành tư thế tốt: Đảm bảo bạn ngồi, đứng và nằm đúng tư thế để giảm áp lực lên cột sống. Hãy chọn ghế và giường phù hợp để hỗ trợ cột sống và giữ cho tư thế của bạn luôn chuẩn.
Phình đĩa đệm là gì 3
Tập thể dục giúp tăng cường các cơ xung quanh cột sống, làm giảm áp lực lên đĩa đệm

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn giải đáp được phình đĩa đệm là gì. Phình đĩa đệm có thể xảy ra với tất cả mọi người và tiến triển thành thoát vị đĩa đệm. Vì vậy, cần tiến hành kiểm tra và điều trị nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh nhé!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin