Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Đĩa đệm là gì? Các bệnh thường gặp ở đĩa đệm

Ngày 21/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rất ít người biết đĩa đệm là gì và có các bệnh lý nào thường gặp ở đĩa đệm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về cấu tạo, chức năng của địa đệm. Đồng thời giúp bạn nhận biết những dấu hiệu bệnh lý phổ biến ở địa đệm.

Địa đệm là một cấu trúc của xương cột sống. Nó có vai trò quan trọng để duy trì sự dẻo dai, khỏe mạnh của xương. Khi địa đệm gặp vấn đề bất thường sẽ gây ra những tác hại nhất định đến xương khớp và hệ thần kinh. Hiểu được tầm quan trọng của địa đệm sẽ giúp bạn chú ý hơn trong cách chăm sóc sức khỏe. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về cấu trúc, chức năng và các bệnh đĩa đệm thường gặp nhé!

Tìm hiểu đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm là miếng lót hay còn gọi là đệm cao su nằm ở giữa các đốt xương cột sống. Chúng có hình tròn, đường kính 1.5 - 6cm, dày 2 - 10mm tùy từng vị trí. Địa đệm có cấu trúc dạng thớ sợi, xung quanh là lớp vỏ, ở giữa chứa nhân keo gelatin. Nếu không gặp bất thường về xương cột sống thì một người trưởng thành có 23 - 26 đĩa đệm. Theo thời gian, kích thước của đĩa đệm sẽ giảm dần.

Đĩa đệm là gì? Các bệnh thường gặp ở đĩa đệm 1
Không phải ai cũng biết đĩa đệm là gì và có chức năng quan trọng như thế nào

Cấu trúc của đĩa đệm chứa 3 thành phần như sau:

  • Nhân keo: Là hoạt dịch trong suốt, không màu và hơi nhầy. Nó chứa các Proteoglycans là một chất căn bản của sụn khớp. Nhân keo có tính ngậm nước cao. Ở trẻ em, hàm lượng nước trong nhân keo là khoảng 80%. Càng về già, nước trong nhân keo càng giảm dần về khoảng 60%.
  • Bao xơ: Là vỏ bọc bên ngoài có chức năng bảo vệ nhân keo. Bao xơ chứa các sợi collagen ôm lấy nhau tạo thành hình elip. Chúng có đặc tính dẻo, đàn hồi tốt để chống lại các lực vặn xoắn hoặc lực căng hướng ngang. Từ đó, bao xơ sẽ giúp duy trì sự cân bằng của cột sống.
  • Tấm sụn tận cùng: Là phần nằm ở giữa thân đốt sống và lớp bên ngoài của bao xơ. Cấu tạo của tấm sụn tận cùng gồm: Proteoglycans, nước, collagen, canxi. Nó có vai trò bảo vệ sụn, bảo vệ xương cột sống và ngăn ngừa nhiễm khuẩn đĩa đệm.

Chức năng của đĩa đệm là gì?

Mặc dù không chiếm nhiều thể tích và trọng lượng, đĩa đệm vẫn đóng góp chức năng quan trọng để duy trì hoạt động của cột sống.

Kết nối các đốt sống

Đĩa đệm cùng với dây chằng, gân cơ sẽ liên kết các đốt xương thành một khối vững chắc. Phần nhân keo của đĩa đệm giúp cột sống xoay chuyển linh hoạt để phục vụ các hoạt động thể chất hàng ngày. Cơ thể con người dễ dàng uốn cong, cúi xuống, nghiêng sang bên hoặc ngả ra sau,…

Đĩa đệm là gì? Các bệnh thường gặp ở đĩa đệm 2
Đĩa đệm giúp cột sống xoay chuyển linh hoạt theo các hoạt động thể chất của con người

Giảm chấn và chịu lực

Cơ thể vận động sẽ tạo áp lực lên cột sống, bao gồm lực nén và lực xoắn. Trong các trường hợp này, đĩa đệm có vai trò chịu lực và phân tán áp lực tác động đến cột sống. Nhờ vậy mà cột sống sẽ giảm được nguy cơ xói mòn, tổn thương đồng thời duy trì sự ổn định và sức mạnh của cột sống.

Hỗ trợ trao đổi chất

Đĩa đệm có khả năng khuếch tán chất dinh dưỡng thông qua các màng của vòng sợi. Thành phần Proteoglycans trong nhân keo và tấm sụn tận cùng có tác dụng ngăn ngừa hình thành oxy hóa ở mô sụn. Chúng còn ức chế enzyme Elastase là chất trung gian gây thoái hóa sụn khớp, từ đó giúp kéo dài độ bền của sụn khớp.

Các bệnh thường gặp ở đĩa đệm

Với những chức năng quan trọng kể trên, các bất thường ở đĩa đệm sẽ kéo theo nhiều vấn đề về cột sống. Dưới đây là một số bệnh về xương khớp dễ gặp ở đĩa đệm.

Bệnh xẹp đĩa đệm

Xẹp đĩa đệm đĩa đệm cột sống là tình trạng đĩa đệm bị chèn ép, mỏng đi và mất độ đàn hồi vốn có. Ở giai đoạn đầu của bệnh, đĩa đệm bắt đầu lỏng lẻo, các đốt xương như bị dồn lực kéo sát lại với nhau. Hầu hết người bệnh ở giai đoạn này chưa thấy dấu hiệu rõ rệt, nếu có thì chỉ thấy vài cơn đau âm ỉ nhẹ rồi tự hết.

Đến giai đoạn hai, đĩa đệm co rút lại và các đốt xương nối liền nhau. Người bệnh xuất hiện triệu chứng đau nhức ở vùng cổ, thắt lưng khi vận động mạnh. Bước sang giai đoạn cuối, các đốt xương đã dính liền thành một khối. Các triệu chứng đau nhức cũng xuất hiện nhiều hơn. Cơn đau tăng dần khi di chuyển mạnh, đột ngột thay đổi tư thế và có thể lan ra vai, tay.

Đĩa đệm là gì? Các bệnh thường gặp ở đĩa đệm 3
Xẹp đĩa đệm gây đau nhức vùng thắt lưng

Phồng lồi đĩa đệm

Phồng lồi đĩa đệm là gì? Đây là tình trạng đĩa đệm bị phồng hoặc lồi ra sau, làm tăng áp lực đến các rễ thần kinh ở xung quanh. Bệnh phồng đĩa đệm là thể nhẹ của thoát vị đĩa đệm. Lúc này, nhân keo vẫn nằm trong bao xơ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do quá trình lão hóa của đĩa đệm. Ngoài ra còn có thể do di chứng của chấn thương, bê đồ nặng sai tư thế, ngồi cong vẹo cột sống,…

Triệu chứng của bệnh tùy vào vị trí phồng và mức độ phồng. Một số dấu hiệu mà người bệnh có thể gặp là:

  • Đau mỏi lưng, chủ yếu xuất hiện ở vùng thắt lưng;
  • Cảm giác tê bì, ngứa ran ở vùng cổ lan xuống tay;
  • Ngứa ran bàn chân, ngón chân;
  • Cơn đau lan đến phía trên đùi hoặc trong đùi.

Thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm là tình trạng nặng hơn của phồng lồi đĩa đệm. Lúc này, nhân keo bên trong bao xơ đã bị thoát ra khỏi vị trí bình thường. Nó xuyên qua dây chằng, chèn ép vào các rễ thần kinh gây đau nhức. Bệnh này rất phổ biến, chủ yếu do quá trình lão hóa, mất nước và xơ cứng ở đĩa đệm gây ra. Một số nguyên nhân khác do bệnh lý bẩm sinh, chấn thương vùng lưng, vác nặng sai tư thế…

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào của cột sống, phổ biến nhất là ở vùng cổ và thắt lưng. Ở mỗi khu vực bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh sẽ có những dấu hiệu điển hình khác nhau.

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ:

  • Người bệnh bị nhức mỏi, đau hoặc cứng ở vùng cổ, vai gáy;
  • Cơn đau xuất hiện liên tục hoặc ngắt quãng. Người bệnh bị đau nhiều hơn khi nằm nghiêng, cúi, xoay người;
  • Cảm giác đau lan đến hai bả vai, tê bì hoặc đau nhức ở cổ tay và ngón tay cái. Do bị suy nhược cơ bắp tay nên người bệnh khó cầm nắm;
  • Một số trường hợp bị đau đầu, chóng mặt.
Đĩa đệm là gì? Các bệnh thường gặp ở đĩa đệm 4
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây ra các cơn đau nhức ở vùng cổ, vai gáy

Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:

  • Vùng thắt lưng xuất hiện các cơn đau đột ngột, dữ dội hoặc đau âm ỉ, đau buốt từng cơn.
  • Cơn đau lan ra phía trước ngực, dọc khoang liên sườn kèm theo đau thần kinh tọa. Đây là hội chứng đau dọc theo dây thần kinh tọa. Cảm giác đau tăng dần khi hắt hơi, ho hoặc thay đổi tư thế, gắng sức.
  • Người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện các cử động uốn lưng, cúi thấp.
  • Hai chân bị tê bì hoặc yếu, cảm giác rõ nhất là ở mu bàn chân. Ngón chân cái cũng khó gập lại và duỗi ra.

Thoái hóa đĩa đệm

Thoái hóa là quy luật tự nhiên theo tuổi tác. Càng lớn tuổi thì cấu trúc của đĩa đệm càng bị lão hóa. Điều này dẫn tới các tổn thương như là mất nước, rạn nứt, rách và chèn ép vào các dây thần kinh cột sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thoái hóa đĩa đệm khi về già. Người có nguy cơ cao mắc bệnh là người béo phì, thường xuyên mang vác nặng, làm việc sai tư thế, chấn thương cột sống…

Bệnh có những triệu chứng điển hình như sau:

  • Người bệnh xuất hiện các cơn đau lưng ở mức độ nhẹ, liên tục ở vùng cột sống bị thoái hóa.
  • Cơn đau tăng dần khi mang vác đồ nặng, cử động trong tư thế vặn cột sống, uốn cong.
  • Vùng thắt lưng, hông, mông và tứ chi có cảm giác tê bì, đau nhức, ngứa ran.
  • Cảm giác đau kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Một số trường hợp đau dữ dội ở lưng hoặc cổ.

Bệnh ở đĩa đệm không chỉ cản trở các hoạt động hàng ngày mà còn tiềm ẩn biến chứng bị liệt. Mong rằng bạn đã hiểu được tầm quan trọng của đĩa đệm là gì. Từ đó, bạn sẽ biết cách điều chỉnh tư thế làm việc, vận động tốt cho cột sống và duy trì các thói quen tập luyện để tăng sự dẻo dai cho đĩa đệm. Bạn tham khảo bổ sung thực phẩm chức năng xương khớp để kéo dài sức bền của cột sống nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin