Rối loạn căng thẳng sau sang chấn là gì? Dấu hiệu và phương pháp điều trị hiệu quả
22/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Không phải mọi vết thương đều nhìn thấy được bằng mắt thường. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn là một dạng tổn thương tâm lý nghiêm trọng, có thể âm thầm tàn phá sức khỏe tinh thần của người bệnh trong thời gian dài. Sau khi trải qua biến cố như tai nạn, bạo lực, mất mát hay thậm chí là căng thẳng kéo dài, nhiều người rơi vào trạng thái trầm uất, hoảng loạn và mất kiểm soát cảm xúc. Vậy rối loạn căng thẳng sau sang chấn là gì, tại sao nó nguy hiểm? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Trải qua một sự kiện gây sốc có thể để lại những hệ lụy nặng nề về tâm lý. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng như ác mộng, hồi tưởng, né tránh hoặc luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ sau một chấn thương, đó có thể là dấu hiệu của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về PTSD là gì, cách nhận biết các dấu hiệu và những phương pháp điều trị hiệu quả.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn là gì?
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post - Traumatic Stress Disorder - PTSD) là một rối loạn tâm thần có thể xảy ra sau khi một người trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện cực kỳ đau thương, đe dọa đến tính mạng hoặc gây chấn động tinh thần lớn như tai nạn giao thông nghiêm trọng, chiến tranh, bị tấn công thể xác hoặc tình dục, thiên tai bất ngờ, hay mất mát người thân một cách đột ngột. Những sự kiện này khiến não bộ rơi vào trạng thái cảnh giác liên tục, dù mối nguy hiểm đã qua từ lâu. Người mắc PTSD thường sống lại ký ức đau thương thông qua ác mộng, hồi tưởng hoặc những phản ứng cảm xúc mãnh liệt khi gặp các yếu tố gợi nhớ sang chấn. Với những người nhạy cảm, có nền tảng tâm lý yếu sẽ có nguy cơ phát triển rối loạn căng thẳng sau sang chấn sẽ cao hơn đáng kể.
Có những trường hợp không xuất hiện ngay sau sự kiện mà khởi phát sau nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Điều quan trọng là PTSD không phải dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là một rối loạn tâm thần có thật, có thể điều trị nếu được chẩn đoán kịp thời.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời
Dấu hiệu nhận biết rối loạn căng thẳng sau sang chấn
Không giống như các phản ứng buồn bã thông thường sau biến cố, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là một tình trạng rối loạn tâm thần kéo dài và phức tạp. Các triệu chứng thường không xuất hiện ngay lập tức sau sự kiện sang chấn, mà có thể xuất hiện sau nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Nhận diện sớm các dấu hiệu của PTSD là yếu tố then chốt giúp người bệnh được hỗ trợ kịp thời. Dưới đây là những biểu hiện điển hình:
Hồi tưởng và ác mộng kéo dài
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của PTSD là hồi tưởng sống động, người bệnh cảm giác như mình đang “trở lại” thời điểm xảy ra biến cố, dù thực tế đã trôi qua từ lâu. Họ có thể thường xuyên gặp ác mộng về sự kiện sang chấn, phản ứng mạnh khi nghe thấy âm thanh, nhìn thấy hình ảnh hoặc ngửi thấy mùi hương tương tự và cảm thấy mất kiểm soát, sợ hãi hoặc hoảng loạn khi ký ức trỗi dậy. Sự ám ảnh tâm lý này khiến người bệnh rơi vào vòng luẩn quẩn giữa quá khứ và hiện tại, khó tập trung cho cuộc sống bình thường.
Tránh né các tình huống liên quan
Để bảo vệ bản thân khỏi nỗi đau tái diễn, người mắc chứng PTSD có xu hướng tránh né những thứ gợi nhớ đến sự kiện đau thương, chẳng hạn như tránh đi qua những địa điểm từng xảy ra sang chấn, không muốn tiếp xúc với người liên quan đến biến cố và né tránh những câu chuyện, tin tức hoặc hoạt động có nội dung tương tự. Tuy nhiên, sự né tránh này lâu dần sẽ khiến họ thu mình, cô lập bản thân, mất kết nối với bạn bè, gia đình và giảm hẳn niềm vui trong cuộc sống.
Rối loạn cảm xúc và hành vi
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trạng và hành vi, với các biểu hiện như dễ nổi giận vô cớ, cảm giác tê liệt cảm xúc, không còn hứng thú với những điều từng yêu thích, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài và khó xây dựng hoặc duy trì các mối quan hệ cá nhân, gia đình và công việc. Đôi khi, người bệnh cảm thấy mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống hoặc sống với cảm giác tội lỗi kéo dài, đặc biệt là khi họ sống sót sau một sự kiện khiến người khác không qua khỏi.
PTSD ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trạng người bệnh và cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống
Luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ
PTSD khiến não bộ hoạt động như đang ở trong “chế độ sinh tồn”, luôn sẵn sàng phản ứng với nguy hiểm dù không có mối đe dọa thực sự. Người bệnh có thể gặp những hệ quả như dễ giật mình bởi âm thanh nhỏ, ánh sáng mạnh hoặc các kích thích bất ngờ, khó ngủ, mất ngủ kéo dài, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm, cảm thấy bồn chồn, lúc nào cũng cảnh giác như thể điều xấu sắp xảy ra và trạng thái này khiến người bệnh kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần, giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và làm việc hiệu quả.
Các phương pháp điều trị hiện nay
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là một tình trạng phức tạp, đòi hỏi quá trình điều trị toàn diện, kiên trì và được cá nhân hóa cho từng người bệnh. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, các biểu hiện cụ thể và nền tảng tâm lý cá nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay:
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu được xem là phương pháp điều trị có hiệu quả lâu dài nhất đối với rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Việc phối hợp và làm việc với chuyên gia tâm lý giúp người bệnh hiểu rõ bản chất của sang chấn, kiểm soát phản ứng cảm xúc và từng bước phục hồi.
Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT): Là một trong những liệu pháp tâm lý được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi nhất. Phương pháp này giúp người bệnh xác định và điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực, từ đó thay đổi cách phản ứng với các kích thích liên quan đến sang chấn.
Liệu pháp phơi nhiễm (Exposure Therapy): Phương pháp này giúp người bệnh đối mặt dần dần với ký ức đau thương trong môi trường kiểm soát và an toàn. Qua nhiều lần tiếp xúc có hướng dẫn, mức độ căng thẳng và phản ứng sợ hãi của người bệnh sẽ giảm dần, giúp họ lấy lại cảm giác làm chủ cuộc sống.
Liệu pháp EMDR: Là một kỹ thuật tâm lý sử dụng chuyển động mắt có kiểm soát đồng thời với việc người bệnh hồi tưởng lại ký ức sang chấn. Phương pháp này giúp giảm sức nặng cảm xúc của ký ức đau buồn, từ đó cải thiện đáng kể tình trạng lo âu và rối loạn cảm xúc.
Tâm lý trị liệu được xem là phương pháp điều trị có hiệu quả lâu dài nhất đối với PTSD
Sử dụng thuốc
Trong nhiều trường hợp, thuốc được sử dụng để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng như lo âu, mất ngủ, trầm cảm hay phản ứng hoảng loạn. Việc kê đơn phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc chống trầm cảm: Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) như sertraline, paroxetine hoặc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) thường được sử dụng để cải thiện tâm trạng, giảm lo âu và giúp ngủ ngon hơn.
Thuốc an thần và thuốc chống lo âu: Trong trường hợp người bệnh gặp hoảng loạn, lo âu nghiêm trọng hoặc mất ngủ kéo dài, bác sĩ có thể kê thuốc an thần liều thấp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, những loại thuốc này cần được kiểm soát nghiêm ngặt để tránh phụ thuộc và các tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc điều hòa khí sắc: Nếu người bệnh có biểu hiện rối loạn lưỡng cực hoặc cảm xúc thay đổi thất thường, thuốc điều chỉnh khí sắc sẽ được xem xét để ổn định tinh thần và tránh hành vi bốc đồng.
Lưu ý: Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Việc điều chỉnh liều, thay đổi thuốc cần được thực hiện dưới sự giám sát chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Hệ quả của rối loạn căng thẳng sau sang chấn nếu không điều trị
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) không chỉ gây ảnh hưởng tức thời mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về lâu dài nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Dưới đây là những hệ lụy phổ biến và nguy hiểm của PTSD:
Rối loạn giấc ngủ: Người mắc PTSD thường xuyên bị mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn hoặc thức giấc giữa đêm do ác mộng. Tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường...
Trầm cảm nặng: PTSD và trầm cảm thường song hành với nhau. Người bệnh có xu hướng tự cô lập, mất hứng thú với cuộc sống, cảm thấy tội lỗi hoặc vô dụng. Khi cảm xúc tiêu cực không được giải tỏa, họ có thể nghĩ đến việc tự làm hại bản thân hoặc thậm chí tự tử.
Lạm dụng chất kích thích: Không ít người tìm đến rượu,thuốc an thần hoặc hút thuốc lá như một cách “trốn chạy” tạm thời khỏi những ký ức ám ảnh. Tuy nhiên, đây là một vòng luẩn quẩn nguy hiểm lạm dụng chất kích thích khiến triệu chứng nghiêm trọng hơn, đồng thời gây ra các bệnh lý gan, thận và thần kinh.
Gây rạn nứt các mối quan hệ: PTSD ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng giao tiếp và duy trì các mối quan hệ. Người bệnh có xu hướng khép mình, dễ nổi giận, mất niềm tin vào người khác, thậm chí phản ứng thái quá với những va chạm nhỏ.
Người mắc PTSD thường xuyên bị mất ngủ kéo dài tình trạng này sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) cũng như các dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải những biểu hiện nghi ngờ liên quan đến PTSD, đừng chần chừ. Hãy chủ động đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.