Pufa là gì? Những vai trò của Pufa đối với sức khỏe
Ngày 27/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Pufa được coi là một chất béo có lợi, là một chất thiết yếu giúp ngăn ngừa các loại bệnh về tim mạch. Vậy cụ thể Pufa là gì và Pufa có vai trò gì đối với sức khỏe con người? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Pufa là một chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy vậy, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc Pufa là gì cũng như những lợi ích nó mang lại cho cơ thể ra sao. Bạn hãy tham khảo thông tin qua bài viết sau để hiểu hơn về loại chất béo này nhé!
Pufa là gì?
Để trả lời câu hỏi Pufa là gì, đây là tổng hợp các loại axit béo không thể thay thế đối với cơ thể con người. Pufa là tên viết tắt của Polyunsaturated Fatty Acids, dịch ra tiếng Việt là axit béo không bão hòa đa nối đôi. Pufa bao gồm các axit béo mà cơ thể con người không thể tự tổng hợp được, chẳng hạn như omega-3, omega-6. Do đó, bạn cần phải hấp thụ Pufa thông qua các thực phẩm tiêu thụ hàng ngày.
Phân loại các nhóm Pufa
Khác với các chất béo không bão hòa đơn thể, chất béo đa thể có đặc điểm là dễ bị oxy hóa và ít ổn định hơn. Trong đó, các axit béo quan trọng nhất chủ yếu nằm trong họ omega-3 và omega-6. Các axit béo này có nhiều trong dầu thực vật chiết xuất từ các loại hạt như hạnh nhân, hướng dương,... Ngoài ra, một số sản phẩm từ động vật như cá hồi, cá ngừ cũng có thể giúp cơ thể hấp thụ Pufa dễ dàng hơn.
Những nhóm omega-3 thường thấy
Omega-3 có 3 nhóm quan trọng là axit α-linolenic (ALA), axit docosahexaenoic (DHA), axit eicosapentaenoic (EPA). Đây là những Pufa có nhiều ảnh hưởng tích cực lên sức khỏe con người và động vật, được các chuyên gia quan tâm và nghiên cứu nhiều nhất.
Những nhóm omega-6 thường thấy
Arachidonic axit (AA hoặc ARA), linoleic axit (LA) là những axit béo có ảnh hưởng tích cực đối với sức khỏe con người.
Những vai trò của Pufa đối với sức khỏe
Bạn không cần lo lắng khi không biết Pufa là gì và liệu nó có hại hay không bởi Pufa đóng vai trò rất lớn đối với sức khỏe con người. Bạn có thể tham khảo một số vai trò của Pufa như sau:
Tham gia điều hòa quá trình trao đổi lipid, vận chuyển lipid và hướng tới các mô.
Tham gia vào thành phần cấu tạo nên thành tế bào. Pufa có trong các thành phần phospholipid, giúp tạo nên tính linh động của màng tế bào, giúp ích trong việc điều chỉnh hoạt động của các protein màng.
Màng phospholipid là nguồn của những phân tử chịu trách nhiệm cho các hoạt động phát tín hiệu của màng đến vùng nguyên sinh chất và nhân để điều chỉnh các phản ứng đáp lại - các phân tử thông tin thứ 2. Ngoài ra, màng phospholipid cũng là nguồn các phân tử tín hiệu ngoại bào như các yếu tố hoạt hóa tiểu cầu.
Giúp ngăn ngừa và điều trị các bệnh lý về tim mạch.
Hạn chế và giảm nguy cơ hình thành khối u tuyến tiền liệt, khối u này có nguy cơ dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như đột quỵ, đau tim.
Cắt giảm lượng chất béo trung tính và mức độ lipoprotein còn lại.
Phòng chống bệnh xơ vữa động mạch.
Củng cố và cải thiện các chức năng nội mô.
Giúp hạ đường huyết (nhẹ) và giảm các phản ứng viêm.
Góp phần hình thành cấu tạo tế bào não, đặc biệt là đối với trẻ em. Cơ thể của trẻ thường không thể tự tổng hợp DHA đủ nhanh để đáp ứng sự phát triển của não và võng mạc, do đó thực đơn ăn uống hàng ngày của trẻ cần chứa nhiều Pufa để đáp ứng sự phát triển toàn diện.
Các loại thực phẩm chứa Pufa
Pufa thường có trong những loại thực phẩm sau đây:
Thực phẩm chứa omega-3
Các loại thực phẩm như cá, tôm, sò, các loại thuỷ sản và mỡ cá trắng (cá bơn, cá trích, cá ngừ trắng, cá thu,...) chứa nhiều omega-3. Mặt khác, omega-3 cũng có trong dầu đậu nành, hạt óc chó, hạt lanh và chiết xuất dầu hạt lanh,... hoặc các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa hạt,...
Thực phẩm chứa omega-6
Các loại dầu thực vật lành tính như dầu mè, dầu bắp, dầu hạt lanh, dầu đậu nành,... có chứa nhiều omega-6. Omega-6 cũng xuất hiện trong các loại thực phẩm hàng ngày như trứng gà, cá, sữa và mỡ.
Một số lưu ý khi tiêu thụ Pufa
Dù Pufa là một chất thiết yếu đối với cơ thể, việc tiêu thụ bừa bãi và lạm dụng Pufa cũng có thể dẫn đến những tác dụng phụ không đáng có đối với sức khỏe. Do đó, bạn nên lưu ý một vài điều sau khi tiêu thụ Pufa:
Người lớn tuổi và người có tiền sử bị bệnh tim mạch chỉ nên ăn cá béo 2 lần/tuần và có thể bổ sung thêm các loại hạt để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, người có tiền sử mắc bệnh về tim mạch nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi bổ sung các thực phẩm giàu chất béo.
Lượng omega-3 mà bạn nên bổ sung trong 1 ngày là 3gr, bạn không nên bổ sung quá nhiều omega-3 mỗi ngày vì điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như huyết áp thấp, chảy máu, tiêu chảy,...
Axit béo omega-3 rất dễ bị oxy hóa, do đó bạn không nên để chúng dưới nhiệt độ cao hoặc ánh mặt trời quá lâu vì chúng có khả năng trở nên độc hại. Để đảm bảo độ an toàn, bạn nên sử dụng hết các loại dầu chứa omega-3 trong vài tuần sau khi mua.
Không nên bổ sung quá nhiều omega-6 vì điều này sẽ làm tăng sự giữ nước trong cơ thể, làm tăng áp suất máu và tăng nguy cơ máu đóng cục trong mạch máu.
Bạn cũng cần lưu ý tỷ lệ omega-3 và omega-6 khi bổ sung Pufa. Nếu bạn hấp thụ nhiều omega-3 hơn có thể dẫn đến hiện tượng viêm khớp, suyễn, khiến cơ thể trở nên đau nhức. Ngược lại, hấp thụ nhiều omega-6 sẽ chiếm hết các vitamin và enzyme, cản trở omega-3 hoạt động.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn nắm được Pufa là gì và nó đóng vai trò gì đối với sức khỏe con người. Việc nắm rõ thông tin về những dưỡng chất thiết yếu đối với cơ thể sẽ giúp bạn cải thiện thực đơn hàng ngày của mình, phát triển cơ thể khỏe mạnh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.