Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Quả vải bao nhiêu calo? Vì sao không nên ăn nhiều vải?

Ngày 23/02/2023
Kích thước chữ

Giải đáp vải bao nhiêu calo trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết thêm thông tin về việc ăn vải có béo không. Vải cũng là trái cây tiềm ẩn mối nguy đối với sức khỏe nếu ăn quá nhiều.

Quả vải là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương và Bắc Giang. Mùa hè đến, vải được bày bán tràn ngập trên thị trường và có sức tiêu thụ rất lớn. Rất nhiều người thích ăn vải nhưng ít ai biết vải có những tác hại gì, ăn nhiều có tăng cân không. Để trả lời cho câu hỏi ăn vải có mập lên không, bạn cần tìm hiểu về hàm lượng calo và giá trị dinh dưỡng của quả vải.

Giải đáp 100g vải bao nhiêu calo?

Quả vải được phân chia thành nhiều loại nhưng thơm ngon và phổ biến nhất là vải thiều. Bạn có biết vải thiều bao nhiêu calo? Theo phân tích dinh dưỡng, 100g vải tươi cung cấp khoảng 66 calo. Đây là mức năng lượng bình quân của các loại quả vải, bao gồm cả vải thiều. Trong 100g vải tươi còn chứa các dưỡng chất thiết yếu như: 1,3g chất xơ; 16,5g carbs; 0,8g protein; 36mg vitamin C,...

vải bao nhiêu calo
Vải bao nhiêu calo? Trong 100g vải cung cấp 66 calo

Ăn vải có tăng cân không?

So với nhu cầu 2000 calo/ngày cho người trưởng thành, năng lượng 66 calo/100g của vải ở mức thấp và không có nguy cơ gây tăng cân. Tuy nhiên, không phải ai cũng dừng lại ở mức ăn 100 - 200g vải mỗi ngày. Nhiều người vì quá thích ăn mà không kiểm soát được liều lượng. Nếu ăn 1000g vải, cơ thể sẽ nạp 600 calo, kết hợp các bữa ăn trong ngày có thể dẫn tới tăng cân.

Thành phần gây tăng cân của vải không chỉ đến từ calo. Quả vải rất ngọt, hàm lượng đường cao lên tới 15,2g/100g. Đường cần thiết cho các hoạt động của cơ thể nhưng cũng là tác nhân thúc đẩy tăng sinh chất béo. Ăn nhiều vải sẽ làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Điều này cản trở quá trình giải phóng calo, tức là nó khiến calo bị dư thừa và tạo thành chất béo bám vào nội tạng.

Đang giảm cân có ăn được vải không? Bạn vẫn có thể ăn nhưng giới hạn 4 - 5 quả mỗi ngày. Ăn vải mang tới cảm giác thư giãn, giảm bớt cơn đói nhờ hàm lượng đường và các chất dinh dưỡng thiết yếu. Nếu thể trạng gầy và đang muốn tăng cân, bạn ăn được nhiều hơn là khoảng 10 quả vải mỗi ngày. Lưu ý không nên ăn cho thỏa thích vì quả vải cũng tiềm ẩn một số rủi ro đối với sức khỏe.

vải bao nhiêu calo 2
Bạn nên kiểm soát liều lượng khi ăn vải vì trái cây này có thể gây tăng cân

Vì sao không nên ăn nhiều vải?

Ăn nhiều vải không chỉ mang đến nỗi lo tăng cân thiếu kiểm soát. Dưới đây là những tác hại của việc ăn vải đã được cảnh báo bởi đội ngũ chuyên gia, bác sĩ.

Tăng đột biến lượng đường trong máu

Lượng đường trong vải rất nguy hiểm đối với người bị bệnh đái tháo đường. Nó có thể làm tăng đột ngột nồng độ glucose trong máu dẫn tới các biến chứng: Đau tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, tổn thương thần kinh,... Chỉ số đường huyết cao kéo dài cũng gây ra bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch, sa sút thị lực, suy thận.

Ngộ độc do nấm và chất độc trong quả vải

Trên núm của quả vải có thể xuất hiện nấm độc Candida tropicalis. Chúng thường trú ngụ ở những núm quả bị dập nát, ủng thối. Ăn phải nấm Candida tropicalis có nguy cơ ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, tăng huyết áp, khó thở. Một số trường hợp bị sốt, ớn lạnh, đi ngoài ra máu, đau nhức thắt lưng.

Ngộ độc vải còn đến từ độc tố hypoglycin A và methylenecyclopropyl-glycine (MCPG) nếu hàm lượng hấp thụ vượt quá sức chống đỡ của cơ thể. Trong đó, Hypoglycin A là một axit amin gây nôn mửa nặng, sốt cao, co giật. MCPG có tác hại làm hạ đột ngột đường huyết, bất tỉnh, hôn mê thậm chí tử vong.

vải bao nhiêu calo 3
Ngộ độc vải có thể gây tử vong nếu không cứu chữa kịp thời

Bị hạ nồng độ đường trong máu

Vải ngọt nên mọi người dễ lường trước được nguy cơ tăng lượng đường huyết trong máu. Ít ai biết rằng ăn nhiều vải cũng có thể làm hạ đường huyết. Nguyên nhân do cùi vải có hàm lượng cao đường glucoza. Khi ăn liền lúc quá nhiều vải (500g trở lên), glucoza sẽ hấp thụ vào máu và vượt quá khả năng chuyển hóa của gan. Để hạ nồng độ đường máu xuống, cơ thể buộc phải tăng tiết insulin gây nên phản ứng đường máu thấp.

Ngoài ra, chất hypoglycin A và MCPG trong quả vải cũng làm hạ nhanh lượng đường trong máu. Điều này dẫn tới các triệu chứng: Mệt mỏi, tim đập nhanh, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, toát mồ hôi,... Người dân ở vùng trồng vải thường gọi hiện tượng này là say vải. Để khắc phục triệu chứng, người bị say vải cần nhanh chóng uống một cốc nước lọc.

Ăn nhiều vải gây nóng trong, nổi mụn

Theo Đông y, vải có tính đại nhiệt tức là gây nóng trong người. Theo Tây y, khi lượng đường trong máu tăng cao thì cơ thể sẽ cảm thấy bức bối, nóng nực. Ăn nhiều vải làm tăng sinh nhiệt, nóng gan, dễ bị nhiệt miệng, nổi mụn trứng cá, rôm sảy, ngứa ngáy,… Vải lại là quả có vào mùa hè, kết hợp với thời tiết oi bức càng khiến cho cảm giác nóng trong người trở nên khó chịu hơn.

vải bao nhiêu calo 4
Thường xuyên ăn nhiều vải có thể bị nổi rôm sảy, mụn trứng cá

Hướng dẫn cách ăn vải thiều an toàn

Quả vải giàu vitamin C và chất chống oxy hóa. Ăn vạ có tác dụng tăng cường miễn dịch, đẩy lùi nguy cơ ung thư và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Để ăn vải mang tới nhiều lợi ích cho sức khỏe, bạn lưu ý những điều dưới đây:

  • Chọn ăn những quả vải tươi, lành lặn, không thối, không dập nát để tránh bị nhiễm nấm độc.
  • Ngâm rửa vải với nước muối loãng hoặc sản phẩm dùng để rửa rau củ quả. Cách này sẽ loại bỏ nấm độc Candida và vi khuẩn, bụi bẩn.
  • Nên ăn cả lớp màng trắng bao bọc xung quanh cùi vải. Mặc dù nó có vị hơi chát nhưng sẽ dễ ăn cùng với cùi vải ngọt. Lớp màng trắng có tác dụng trung hòa nhiệt sẽ giảm cảm giác nóng trong người khi ăn vải.
  • Không ăn vải khi đói vì hiện tượng hạ đường huyết đột ngột sẽ dễ xảy ra hơn. 
  • Người bị thủy đậu, rôm sảy, mụn nhọt, tiểu đường nên hạn chế ăn vải.

Qua bài viết, bạn đã biết vải bao nhiêu calo, ăn vải có tăng cân không. Dù yêu thích quả vải nhiều như thế nào, bạn cũng chỉ nên ăn có chừng mực thôi nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Meta.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Dinh dưỡngCalo