Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rối loạn hành vi là như thế nào?

Ngày 15/09/2023
Kích thước chữ

Rối loạn hành vi là một trong những bệnh lý thần kinh chủ yếu ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành viên với các hành vi gây hấn, kích động, phá hoại tài sản,... sai lệch với những quy tắc của trẻ cùng tuổi. Trẻ mắc chứng rối loạn hành vi nên được phát hiện sớm để điều chỉnh tâm lý, nhận thức và hành vi kịp thời.

Nhận thức và hành vi của trẻ được hình thành và nuôi dưỡng từ rất sớm. Không ít trẻ em hiện nay mắc phải chứng rối loạn hành vi khiến trẻ không thể tự chủ được nhận thức và hành vi sai lệch của bản thân gây tác động xấu đến sức khoẻ tâm thần, thể chất, mối quan hệ xã hội và tài sản của người xung quanh với những hành vi phá hoại, hung hăng, mất lý trí.

Rối loạn hành vi là gì?

Rối loạn hành vi (Conduct Disorder – CD) là một dạng rối loạn tâm thần gặp chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Chứng bệnh này đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại và dai dẳng về những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người khác. Điển hình trẻ thường có các hành vi hung hăng, chống đối xã hội dẫn đến tình trạng tổn thương thể chất, tinh thần, tài sản của người khác như gây hấn, đánh nhau, trộm cắp, phá hủy tài sản,… Bản thân trẻ mắc chứng rối loạn hành vi gần như không có nỗi sợ hãi, không cảm thấy nỗi đau mà bản thân đã gây ra cho người khác. Vì vậy, trẻ hoàn toàn không biết cảm thông và hối hận với những hành vi mình đã gây ra.

roi-loan-hanh-vi-la-nhu-the-nao-1
Trẻ hung hăng và chống đối người khác khi mắc chứng rối loạn hành vi

Đối tượng có nguy cơ bị rối loạn hành vi

Những đối tượng sau đây có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao hơn bao gồm:

  • Giới tính nam.
  • Sống ở thành phố.
  • Điều kiện sống khó khăn.
  • Gia đình có người bị rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần…
  • Bị các rối loạn tâm lý khác.
  • Có cha mẹ nghiện rượu, thuốc cấm.
  • Có môi trường gia đình không hạnh phúc, thiếu sự dạy bảo của cha mẹ.
  • Từng bị bỏ rơi hoặc lạm dụng, bạo lực gia đình.
  • Từng trải qua các sự kiện gây sang chấn tâm lý mạnh.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây rối loạn hành vi có thể kể đến như: 

  • Do gen, di truyền.
  • Tiền sử chấn thương não, co giật và những tổn thương khác tại hệ thần kinh.
  • Các yếu tố về môi trường như bị lam dụng từ khi còn nhỏ, gia đình không hạnh phúc, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
roi-loan-hanh-vi-la-nhu-the-nao-2
Trẻ có cha mẹ nghiện rượu và bạo lực dễ mắc chứng rối loạn hành vi

Biểu hiện rối loạn hành vi

Gây hấn, tấn công về thân thể hoặc đe dọa gây xâm hại đến cơ thể người khác và động vật

Thường xuyên gây gổ và đánh nhau với người khác (không bao gồm các thành viên trong gia đình) dùng vũ khí (có thể là dao, mảnh chai, bút viết, compa, gạch hoặc các vật nhọn) để tấn công và gây tổn thương thể chất của người khác.

Thậm chí, trẻ còn có những hành vi độc ác như cắt thịt, trói và thiêu cháy người khác.

Đối xử độc ác với động vật về mặt thể chất.

Trẻ vị thành niên có thể cưỡng ép người khác tham gia các hoạt động tình dục với bản thân.

Có những hành vi phá hủy tài sản của người khác với mục đích gây hư hại nghiêm trọng tài sản chung hoặc tài sản riêng của người khác (như cố ý phóng hỏa).

Vi phạm nghiêm trọng các quy định hoặc quy tắc phù hợp với trẻ cùng độ tuổi

Thường xuyên trốn học (bắt đầu trước năm 13 tuổi).

Trốn nhà qua đêm ít nhất 2 lần hoặc bỏ đi 1 lần trong một thời gian dài.

Đi ra ngoài vào ban đêm mặc dù không có sự cho phép của bố mẹ (bắt đầu trước năm 13 tuổi).

Cưỡng ép người khác thực hiện hành vi tình dục với bản thân.

Đột nhột vào tòa nhà, nhà riêng và sử dụng xe của người khác một cách bất hợp pháp.

Trộm cắp hoặc lừa dối

Có thói quen hứa lèo hoặc nói dối nhằm mục đích được quan tâm đặc biệt hơn, trốn tránh nghĩa vụ hoặc có được đồ vật mà trẻ muốn.

Trộm cắp vật có giá trị nhưng không đối mặt với nạn nhân (thường trong cửa hàng, siêu thị hoặc làm giả những đồ vật có giá trị và nhân cơ hội đánh tráo).

Thực hiện các hành vi phạm tội như trấn lột, tống tiền, móc túi…

Những biểu hiện của rối loạn hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, việc học và chức năng xã hội của trẻ. Những triệu chứng này phát triển sau 18 tuổi sẽ được chẩn đoán là chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Điều trị rối loạn hành vi

Thay đổi môi trường sống

Đảm bảo trẻ được giáo dục trong môi trường lành mạnh, không có các hành vi bạo lực và gây hấn vì môi trường sống ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ nên có thể giúp giảm hành vi hung hăng và chống đối xã hội. Môi trường sống của trẻ chính là gia đình, trường học và bạn bè. Cân nhắc chuyển đến môi trường giáo dục phù hợp hơn hoặc theo học tại các trung tâm giáo dục đặc biệt cho trẻ mắc chứng rối loạn hành vi. 

Những gia đình có bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn xung đột thì bố mẹ cũng cần tham gia trị liệu để điều chỉnh hành vi và cách ứng xử. Ngoài ra, gia đình cũng cần được hướng dẫn, giáo dục về cách dạy dỗ con cái để thay đồi hành vi và suy nghĩ méo mó, sai lệch ở con trẻ. Bố mẹ cần xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ, chia sẻ, học cách đồng cảm thay vì chỉ trích và đánh đập. Nếu môi trường xung quanh có nhiều tệ nạn xã hội, gia đình nên cân nhắc thay đổi chỗ ở.

Tâm lý trị liệu

Đây là phương pháp được đánh giá cao, có hiệu quả đáng kể trong điều trị các rối loạn hành vi ở trẻ em, trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, nhà trị liệu sẽ lựa chọn các phương pháp trị liệu phù hợp như: liệu pháp gia đình chức năng, trị liệu đa hệ thống.

Sử dụng thuốc

Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào được chấp thuận riêng cho điều trị rối loạn hành vi. Tuy nhiên, một số loại thuốc cũng có thể được sử dụng cho trẻ để giảm các hành vi hung hăng, gây hấn. Ngoài ra, sử dụng thuốc cũng được cân nhắc khi trẻ mắc đồng thời các bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý, động kinh, rối loạn lo âu và trầm cảm.

roi-loan-hanh-vi-la-nhu-the-nao-3
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc cho trẻ để giảm các hành vi hung hăng của trẻ mắc bệnh

  • Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn hành vi bao gồm: Quetiapin, Olanzapine, Haloperidol, Risperidon, Clonidin…
  • Các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc dùng trong điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm

Đối với trẻ có các bệnh lý thể chất, bác sĩ cũng sẽ chỉ định chế độ sinh hoạt đồng thời để trẻ có thể học tập và phát triển các kỹ năng sống cân thiết phục vụ cho cuộc sống.

Đặc biệt, sự quan tâm, chia sẻ và giáo dục của gia đình đóng vai trò rõ rệt trong phục hồi chức năng tâm lý của trẻ. Mặc dù quá trình điều trị tương đối phức tạp, kéo dài nhưng nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời, đa phần trẻ đều có đáp ứng tích cực và giảm thiểu đáng kể những hành vi chống đối xã hội.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.