Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rối loạn tuyến lệ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh hiệu quả

Ngày 19/03/2024
Kích thước chữ

Rối loạn tuyến lệ là một bệnh lý về mắt phổ biến, gây ra nhiều dấu hiệu khó chịu như đau mắt, suy giảm về khả năng nhìn rõ và mất cân bằng về lượng nước mắt, khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Bệnh cần được can thiệp kịp thời, nếu không có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về mắt khác. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng rối loạn tuyến lệ ngay sau đây.

Tuyến lệ là một phần quan trọng của hệ thống mắt, có vai trò không thể phủ nhận trong việc bảo vệ và duy trì sự thoải mái cho đôi mắt. Tuy nhiên, tuyến lệ rất dễ gặp phải vấn đề, đặc biệt là tình trạng rối loạn tuyến lệ. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, các bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá những thông tin chi tiết về rối loạn tuyến lệ, viêm tuyến lệ trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu những thông tin cần biết về tuyến lệ

Tuyến lệ là một phần quan trọng của hệ thống bảo vệ mắt, được hình thành sâu trong hệ xương mắt. Chúng bắt đầu từ rãnh mũi, nằm giữa mầm mũi ngoài và mầm hàm trên.

Về cấu trúc và chức năng của tuyến lệ, nó bao gồm hai loại chính là tuyến lệ chính và tuyến lệ phụ. Mỗi loại đóng vai trò khác nhau.

  • Tuyến lệ chính nằm ở giữa hố lệ của thành xương mắt và hốc mắt, bao gồm hai phần là tuyến lệ hốc và tuyến lệ mi. Khi mắt bị kích thích, tuyến lệ sẽ tiết ra nước mắt để rửa sạch và bảo vệ bề mặt mắt. Trong trường hợp kích thích mạnh hoặc tổn thương, sự tiết nước mắt nhiều hơn có thể dẫn đến chảy nước mắt.
  • Tuyến lệ phụ bao gồm các tuyến nhỏ nằm dưới kết mạc, giúp rửa sạch phần trước mắt và dẫn nước mắt xuống ống lệ. Dịch tiết này giữ cho bề mặt mắt ẩm và có chứa một lượng nhỏ chất diệt khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Việc bảo vệ và giữ gìn sức khỏe của tuyến lệ và mắt là rất quan trọng, vì chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì sự thoải mái của mắt trong mọi hoàn cảnh.

Rối loạn tuyến lệ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh hiệu quả 1
Tuyến lệ có chức năng vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự thoải mái cho mắt

Rối loạn tuyến lệ là bệnh gì?

Rối loạn tuyến lệ xảy ra khi ống dẫn nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong hệ thống thoát nước mắt. Tình trạng này có thể gây ra hiện tượng chảy nước mắt quá mức hoặc khô mắt không bình thường.

Hiện tượng rối loạn tuyến lệ có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến sức khỏe. Rối loạn tuyến lệ thường dẫn đến tình trạng khô mắt nghiêm trọng, chảy nước mắt không kiểm soát hoặc tổn thương giác mạc. Mức độ tác động có thể thay đổi, phụ thuộc vào mức độ tổn thương của tuyến lệ ở từng cá nhân.

Rối loạn tuyến lệ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh hiệu quả 2
Rối loạn tuyến lệ gây ra rất nhiều khó chịu cho bệnh nhân

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tuyến lệ

Các nguyên nhân gây rối loạn tuyến lệ khá đa dạng và có thể xảy ra ở mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ sơ sinh và người lớn tuổi. Ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân thường là do các vấn đề bẩm sinh ở lệ đạo như tắc lệ đạo hoặc hẹp lệ đạo.

Ở người trưởng thành, nguyên nhân gây rối loạn tuyến lệ thường phức tạp hơn và có thể bao gồm viêm xoang, áp xe mũi, chấn thương ở mắt hoặc mũi, sự hiện diện của khối u trong xoang hoặc đường mũi hay dị vật trong lệ đạo.

Nhiễm trùng vi khuẩn cũng là một nguyên nhân phổ biến gây rối loạn tuyến lệ, thường dẫn đến nhiễm trùng nặng nề và kéo dài nếu không được điều trị kịp thời.

Các yếu tố nguy cơ cao làm tăng khả năng mắc bệnh có thể bao gồm viêm niêm mạc mũi, lệch vách ngăn mũi, lịch sử phẫu thuật xoang hoặc mũi, sưng cấu trúc xương bên trong mũi, bệnh ung thư và suy giảm miễn dịch.

Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây rối loạn tuyến lệ không được xác định rõ ràng và việc chẩn đoán cụ thể từ bác sĩ là cần thiết để đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.

Triệu chứng nhận biết rối loạn tuyến lệ

Các dấu hiệu của rối loạn tuyến lệ có thể thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, một số đặc điểm chung của bệnh bao gồm:

  • Chảy nước mắt kèm theo dịch mủ hoặc không: Do dịch lệ tích tụ trong túi lệ thay vì dẫn lưu xuống mũi, khi túi lệ tràn đầy, nước mắt này sẽ tự đổ ra bên ngoài. Bệnh nhân thường trải qua tình trạng chảy nước mắt liên tục, đôi khi có cảm giác như đang khóc mặc dù không thể kiểm soát được.
  • Sốt: Rối loạn tuyến lệ có thể gây ra sốt nhẹ đến vừa, đây là một dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng.
  • Triệu chứng đau, sưng đỏ, nóng, khó chịu ở túi lệ: Cảm giác đau và khó chịu ở vùng túi lệ thường tăng dần theo sự phát triển của viêm. Cơn đau sẽ tăng lên khi di chuyển tròng mắt.
  • Các trường hợp rối loạn tuyến lệ nặng có thể gây ra các triệu chứng như rò dịch mủ ra ngoài da, áp xe túi lệ hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác gây ra từ tổn thương mắt.
Rối loạn tuyến lệ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh hiệu quả 3
Bệnh nhân bị rối loạn tuyến lệ hay bị chảy nước mắt, đau, khó chịu ở túi lệ

Bị rối loạn tuyến lệ khi nào cần gặp bác sĩ?

Các vấn đề liên quan đến rối loạn tuyến lệ hay viêm túi lệ cần được chẩn đoán sớm bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, thông qua các phương pháp kiểm tra và đánh giá như sử dụng đèn khe (kính hiển vi đặc biệt). Thăm khám thường bao gồm việc dùng ống thông nhỏ và dung dịch muối để thăm dò và rửa sạch ống lệ.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc thăm khám nội soi cũng có thể được đề xuất để đánh giá tình trạng của tuyến lệ, đặc biệt là khi nghi ngờ về các vấn đề liên quan đến các hốc mũi. Các xét nghiệm hình ảnh như CT hoặc MRI cũng như các xét nghiệm phân tích, cũng có thể cần thiết để đưa ra đánh giá chính xác và điều trị hiệu quả.

Cách điều trị tình trạng rối loạn tuyến lệ

Trong thời gian gần đây, phương pháp điều trị rối loạn tuyến lệ đã thay đổi từ việc tập trung vào việc bôi trơn và dưỡng ẩm bề mặt mắt để giảm triệu chứng khó chịu chuyển sang biện pháp tự nhiên cải thiện sản xuất nước mắt.

Hiện nay, một số phương pháp điều trị rối loạn tuyến lệ bao gồm việc sử dụng các loại thuốc có tác dụng toàn thân như thuốc kích thích tiết nước mắt, thuốc chống viêm (chứa axit béo omega-3), thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporin) và hormone giới tính (androgen, estrogen). Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng phụ nữ tiêu thụ nhiều axit béo omega-3 có thể giảm nguy cơ mắc hội chứng khô mắt do rối loạn tuyến lệ.

Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không đem lại kết quả, bác sĩ có thể xem xét các phương pháp phẫu thuật tuyến lệ. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến bao gồm mở lỗ lệ đạo và phẫu thuật mở túi lệ trong các trường hợp tắc nghẽn phía dưới. Phẫu thuật mở túi lệ có thể được thực hiện bên ngoài, thông qua nội soi hoặc sử dụng tia laser, phụ thuộc vào tình trạng cụ thể và sự lựa chọn của bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật.

Rối loạn tuyến lệ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh hiệu quả 4
Bệnh nhân cần điều trị rối loạn tuyến lệ theo đúng chỉ định của bác sĩ

Như vậy, Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ những thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng nhận biết bệnh rối loạn tuyến lệ và các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Hy vọng rằng thông tin của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và tìm được giải pháp phù hợp để cải thiện sức khỏe của mình.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin