Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Salmonella trong thực phẩm nguy hiểm như thế nào? Nên xử trí ra sao?

Ngày 23/11/2022
Kích thước chữ

Salmonella trong thực phẩm là nguyên nhân chính khiến nhiều người nhập viện trong thời gian gần đây. Những người bị vi khuẩn này tấn công có các dấu hiệu từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây tử vong.

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella là một trong những nỗi lo sợ hàng đầu của tất cả mọi người, nhất là với các bậc phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi đi học. Tình trạng này càng thêm đáng ngại khi mới đây đã có hơn 600 trẻ bị ngộ độc do vi khuẩn này. Vậy Salmonella trong thực phẩm nguy hiểm như thế nào và nên xử trí ra sao khi bị Salmonella tấn công? Lời giải đáp sẽ có trong bài viết dưới đây.

Salmonella trong thực phẩm – Mối đe dọa ngộ độc hàng đầu thế giới

Có thể bạn chưa biết, Salmonella là loại vi khuẩn khu trú ở đường ruột người và nhiều loại động vật khác. Chúng khá nhạy cảm với nhiệt độ và có thể tiêu diệt ở nhiệt độ 60 độ C nếu được đun trong vòng 45 phút và sẽ bị tiêu diệt chỉ với 1 giây ở nhiệt độ 85 độ C. Chúng có thể sống trong các thực phẩm khô như: Sữa bột, bánh,… và có thể tồn tại ngay cả ở điều kiện đóng băng trong các loại thịt động vật.

Salmonella trong thực phẩm nguy hiểm như thế nào? Nên xử trí ra sao? 1 Salmonella trong thực phẩm – nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, vi khuẩn này có thể tiêu diệt dễ dàng bởi các chất sát khuẩn thông thường. Chính vì vậy, tất cả những nơi có bệnh nhân Salmonella sinh sống cần được sát khuẩn liên tục để tránh lây nhiễm cộng đồng.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, Salmonella trong thực phẩm là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy. Báo cáo năm 2018 của cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu cũng đã khẳng định, 1/3 các vụ ngộ độc trên toàn Châu Âu là do khuẩn Salmonella gây ra. Cuối năm 2019 đã ghi nhận 10 người nhập viện và 1 người tử vong do ăn phải thịt bò có khuẩn Salmonella. Trước đó, cũng đã ghi nhận gần 300 người nhập viện do ăn dưa chuột có loại vi khuẩn này, trong số đó 1 bệnh nhân đã tử vong.

Tại Việt Nam, năm 2018 ghi nhận 200 trẻ bị ngộ độc thực phẩm tại Đông Anh (Hà Nội) do vi khuẩn này. Và mới đây, đã có hơn 600 học sinh và giáo viên trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Salmonella, trong số đó cho 1 trẻ đã tử vong. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm học đường lớn nhất từ trước đến nay.

Vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm lây nhiễm như thế nào?

Các chuyên gia cho biết, thực phẩm bị nhiễm khuẩn Salmonella thường không có mùi hay vị bị hư hỏng. Chính vì vậy, chúng ta rất khó có thể phân biệt được nguồn thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hay chưa.

Vi khuẩn Salmonella thường có trong các loại thực phẩm như: Thịt gà, thịt vịt, thịt bò, thịt lợn, trứng, các loại trái cây,… thậm chí cả những thực phẩm như: Bánh nướng, sữa bột…

Salmonella trong thực phẩm – Mối đe dọa ngộ độc hàng đầu thế giới 2 Thịt gia cầm là thực phẩm có nguy cơ cao chứa khuẩn Salmonella.

Chúng ta có thể bị nhiễm nếu ăn phải các loại thức ăn chưa nấu chín kĩ, sơ chế không đúng cách hoặc khi bạn để lẫn đồ sống và đồ chín và ăn phải. Hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm Salmonella là do ăn các loại thịt gia cầm chưa nấu chín, điển hình nhất là thịt gà. Ngoài ra, nguồn gây bệnh cũng có thể là các loại trái cây rửa không sạch, rau củ chưa nấu chín.

Đường lây nhiễm vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm cũng có thể bắt nguồn do bạn không có thói quen rửa tay trước khi ăn hay rửa tay sau khi đi vệ sinh. Bệnh cũng có thể do bạn tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt đã có bệnh nhân mắc Salmonella chạm vào.

Mọi người đều nguy cơ bị vi khuẩn Salmonella tấn công và gây bệnh, trong số đó những người có hệ miễn dịch yếu như: Trẻ sơ sinh, trẻ em, người già,… là những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm hơn cả. Và khi mắc, các triệu chứng của họ thường khá trầm trọng và dễ diễn tiến nguy hiểm.

Dấu hiệu nhiễm Salmonella trong thực phẩm

Những người bị nhiễm Salmonella có thể lây cho người khác ngay cả khi cơ thể hết triệu chứng, số ít người nhiễm bệnh không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào nhưng vẫn có khả năng lây lan sang người khác.

Sau khi bị ăn phải thực phẩm có chứa Salmonella, 12 – 72 giờ sau bạn thường sẽ tiêu chảy liên tục, sốt cao, đau quặn vùng bụng, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, đuối sức,…

Salmonella trong thực phẩm nguy hiểm như thế nào? Nên xử trí ra sao?  3 Ngộ độc thực phẩm do nhiễm Salmonella.

Những người trưởng thành khi mắc bệnh có thể kéo dài 5 – 7 ngày sau đó các triệu chứng sẽ thuyên giảm dần. Những người có sức đề kháng kém hơn sẽ cần nhập viện ngay lập tức để kịp thời theo dõi, tránh tình trạng bệnh biến chứng nặng như: Nhiễm trùng động mạch, viêm khớp,… hoặc mất nước sẽ gây tử vong.

Tốt hơn hết, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia ngay khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Nếu đối tượng là trẻ em hoặc người lớn tuổi thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và làm các xét nghiệm cần thiết, việc điều trị nên được tiến hành càng sớm càng tốt.

Hướng dẫn xử trí khi bị nhiễm khuẩn Salmonella

Tùy thuộc vào dấu hiệu bạn gặp phải là gì mà cần có biện pháp xử trí tương ứng. Thông thường, khi bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn này bạn cần thực hiện ngay việc bổ sung các chất điện giải để chống mất nước, hạ sốt và chú ý chế độ dinh dưỡng. Cần bổ sung các thực phẩm dễ tiêu hóa và tránh các thịt động vật, sữa và các chế phẩm khác từ sữa.

Với những người có dấu hiệu nôn, không thể ăn uống thì cần được truyền tĩnh mạch để bù lại lượng nước thiếu hụt do tiêu chảy. Bạn có thể được chỉ định một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

Trong trường hợp nặng, bạn sẽ được kê các loại thuốc kháng sinh đặc hiệu để tiêu diệt loại vi khuẩn này. Việc bạn cần làm đó là hãy liên hệ ngay với bác sĩ chuyên môn để được hỗ trợ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc và không chủ quan bởi đã có những trường hợp đáng tiếc tử vong do loại vi khuẩn nguy hiểm này.

Salmonella trong thực phẩm rất nguy hiểm. Vì vậy, bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ hôm nay, hãy ăn chín uống sôi và vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ phục vụ cho việc nấu nướng. Bên cạnh đó, hãy tăng cường sức đề kháng để bảo vệ bản thân tốt nhất nhé. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Lại Thảo

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin