Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sinus tachycardia là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 08/04/2024
Kích thước chữ

Nhịp tim nhanh là tình trạng thường gặp ở hệ tim mạch, trong đó tình trạng nhịp nhanh xoang (sinus tachycardia) có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Vậy nhịp nhanh xoang sinus tachycardia là gì? Nhịp nhanh xoang nguy hiểm như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Ở những người khỏe mạnh, nhịp tim luôn duy trì ở trạng thái ổn định theo độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhịp tim thay đổi cao bất thường hay tim đập nhanh thì đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh tim mạch.

Sinus tachycardia là gì?

Đầu tiên chúng ta cần làm rõ khái niệm nhịp tim (nhịp xoang), đây chính là số lần tim đập trong thời gian một phút. Khi tim đập, máu chứa oxy sẽ được vận chuyển đi nuôi dưỡng các bộ phận khắp cơ thể, đồng thời đưa máu nghèo oxy về phổi. Ở trạng thái bình thường, cơ thể sẽ tự động kiểm soát nhịp tim phù hợp. Do đó, khi cơ thể hoạt động mạnh, phấn khích, sợ hãi hay đang có vấn đề bất thường ở tim,... thì nhịp tim thường có xu hướng tăng cao.

Sinus tachycardia là gì? Có nguy hiểm không? 1
Nhịp nhanh xoang sinus tachycardia là tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau

Theo đó, nhịp tim nhanh xảy ra khi tim đập quá nhanh so với bình thường (trên 100 lần/phút). Cơn nhịp tim nhanh có thể kéo dài từ vài giây cho đến vài giờ. Đây có thể là phản ứng sinh lý bình thường hoặc có thể là dấu hiệu sớm của một bệnh lý nguy hiểm nào đó nếu tim đập nhanh ngay cả khi nghỉ ngơi.

Vậy sinus tachycardia là gì? Đây là một trong những phân loại của nhịp tim nhanh bao gồm nhịp nhanh xoang (sinus tachycardia), nhịp nhanh thất và nhịp nhanh trên thất. Nhịp nhanh xoang sinus tachycardia xảy ra khi nút xoang hoạt động quá mức kể cả lúc cơ thể nghỉ ngơi. Nút xoang đóng vai trò rất quan trọng ở tim, nó phát ra các tín hiệu điện đến các phần còn lại của tim nhằm giữ nhịp tim đập đều đặn và thay đổi theo nhu cầu cơ thể. Tình trạng nút xoang hoạt động quá mức thường xảy ra như căng thẳng, phấn khích, hoạt động thể chất mạnh, cơ thể có bệnh lý tiềm ẩn, rối loạn tại nút xoang,...

Hiểu một cách đơn giản, nhịp xoang chính là nhịp tim bình thường. Còn nhịp nhanh xoang là tình trạng do nút xoang bị kích thích bất thường khiến tim đập nhanh, gây ra các triệu chứng hồi hộp, khó thở, đánh trống ngực,…

Phân loại nhịp nhanh xoang sinus tachycardia

Dựa vào nguyên nhân, nhịp nhanh xoang trên lâm sàng có thể chia làm 2 dạng là nhịp nhanh xoang bình thường (nhịp nhanh xoang sinh lý) và nhịp nhanh xoang bất thường (nhịp nhanh xoang bệnh lý).

Nhịp nhanh xoang sinh lý

Tình trạng này xảy ra khi cơ thể vận động mạnh hoặc trải qua cảm xúc hạnh phúc, giận dữ, căng thẳng, lo âu,... Bên cạnh đó, một số trường hợp cơ thể thay đổi trạng thái như sốt, tác dụng phụ của thuốc, dùng quá nhiều chất kích thích,... cũng có thể khiến nhịp tim tăng nhanh đột ngột. Tuy nhiên, nhịp tim sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường khi cơ thể được nghỉ ngơi, ổn định cảm xúc mà không cần can thiệp điều trị. Đó chính là nhịp nhanh xoang sinh lý.

Sinus tachycardia là gì? Có nguy hiểm không? 2
Tập thể dục quá sức cũng là một trong các nguyên nhân gây nhịp nhanh xoang sinh lý

Nhịp nhanh xoang bệnh lý

Trường hợp nhịp tim nhanh bất thường nhưng không trở lại bình thường dù đã được nghỉ ngơi thì đó được gọi là nhịp nhanh xoang bệnh lý. Một số triệu chứng của nhịp nhanh xoang bệnh lý như đau ngực, đau đầu, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, cảm giác bồn chồn, lo lắng,... Một số trường hợp nặng hơn không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, đột quỵ, tim ngừng đập. Tình trạng nhịp nhanh xoang bệnh lý có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Bất thường nút xoang;
  • Tổn thương dây thần kinh tim;
  • Tăng huyết áp;
  • Bệnh lý mạch vành;
  • Hẹp hở van tim;
  • Sẹo tim bẩm sinh.

Mức độ nguy hiểm và cách cải thiện nhịp nhanh xoang

Như đã đề cập ở trên về khái niệm sinus tachycardia là gì và các phân loại thì chúng ta đều biết những trường hợp gây nguy hiểm là nhịp nhanh xoang bệnh lý. Nhịp nhanh xoang sinus tachycardia nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm sau:

  • Hạ huyết áp, choáng do lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể bị giảm.
  • Hình thành huyết khối: Các cục máu đông xuất hiện trong mạch máu có thể khiến gián đoạn lưu thông máu. Người bệnh có thể gặp nguy cơ bị rối loạn chức năng tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não,...
  • Nhồi máu cơ tim do tắc nghẽn mạch máu khiến tim không nhận đủ lượng máu cần thiết.
  • Suy tim do lượng máu không đủ đáp ứng nhu cầu toàn bộ cơ thể, nguyên nhân là do khả năng bơm máu thất thường của tim.
  • Tăng nguy cơ đột quỵ do rối loạn nhịp tim.
  • Một số vấn đề khác như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm.
Sinus tachycardia là gì? Có nguy hiểm không? 4

Ngoài việc tìm hiểu sinus tachycardia là gì thì bạn có thể đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán cụ thể. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ ECG hoặc EKG, chụp x-quang ngực, đo độ bão hòa SpO2, khí máu, CT ngực, theo dõi Holter,... Dựa vào kết quả thăm khám bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Đối với trường hợp nhịp nhanh xoang sinh lý, người bệnh có thể cải thiện và kiểm soát tình trạng này bằng cách thay đổi lối sống, giảm căng thẳng, hạn chế sử dụng chất kích thích và duy trì chế độ ăn uống, vận động khoa học.

Trường hợp nhịp nhanh xoang bệnh lý có thể được chỉ định dùng các loại thuốc chống loạn nhịp tim như nhóm thuốc chẹn Calci, Ivabradine, Amiodarone và nhóm thuốc chẹn Beta. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau 1 phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp đốt điện tim và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng nhịp nhanh xoang thường gặp. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm sinus tachycardia là gì và nhận thức được mức độ nguy hiểm của tình trạng này. Từ đó biết cách phòng ngừa và hướng xử trí đúng cách khi bị nhịp xoang nhanh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin