Sốt phát ban dạng sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra. Mặc dù có thể phòng được thông qua vắc-xin, tuy nhiên nó vẫn là bệnh đe dọa đến sức khỏe cộng đồng đối với những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bài viết này sẽ trả lời cho câu hỏi “sốt phát ban dạng sởi có nguy hiểm không?”.
Sốt phát ban dạng sởi đang là một bệnh khá phổ biến trong những năm gần đây. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có nguy cơ lây lan và bùng phát thành dịch bệnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn kém thì việc mắc bệnh càng dễ dàng hơn và để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Thế nào là sốt phát ban dạng sởi?
Sốt phát ban dạng sởi là bệnh do virus sởi gây ra. Bệnh có dấu hiệu phổ biến là sốt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa, phát ban có thứ tự, viêm kết mạc mắt.
Bệnh này rất thường gặp ở trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi. Tuy vậy, vẫn có trường hợp sốt phát ban dạng sởi ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng quá thời gian hiệu lực của vắc xin.
Bệnh sẽ lây theo đường hô hấp khi hít thở chung nguồn oxy với những người mắc bệnh. Virus sởi sẽ theo đường không khí xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp (điển hình là khi hắt hơi). Vì thế, bệnh này có thể lây lan rất nhanh chóng trong cộng đồng, ngoài ra nếu không kiểm soát tốt có thể tạo thành dịch bệnh.
Dấu hiệu nhận biết sốt phát ban dạng sởi
Những triệu chứng của loại sốt này rất dễ nhầm với Rubella. Ngoài ra, các nốt ban của sởi cũng rất dễ nhầm với phát ban dị ứng, vì thế mọi người thường rất chủ quan với bệnh.
Dưới đây là một số dấu hiệu của sốt phát ban dạng sởi qua từng giai đoạn.
Giai đoạn ủ bệnh:
Trước đó bệnh sẽ có thời gian ủ từ 8 - 11 ngày.
Trong giai đoạn này người bệnh sẽ không có biểu hiện rõ ràng. Nếu đối tượng là trẻ sơ sinh, giai đoạn này sẽ kéo dài từ 14 - 15 ngày.
Giai đoạn khởi phát:
Thời gian bệnh khởi phát khoảng 3 - 4 ngày.
Ban đầu người bệnh sẽ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc vừa, sau đó là sốt cao. Lúc này, bệnh nhân có thể xuất hiện một số biểu hiện khác như viêm xuất tiết ở họng và mũi, chảy nước mắt và mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, sưng nề mi mắt,... các triệu chứng này có thể kéo theo viêm thanh quản nếu kéo dài.
Giai đoạn toàn phát:
Các nốt ban có thể bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 4 - 6 của bệnh. Khi mọc người bệnh sẽ trong tình trạng sốt cao, cơ thể mệt mỏi. Khi ban lan đến chân, nhiệt độ sẽ dần hạ và hết. Thông thường ở ngày thứ 6 - 7 ban đã dần hết và để lại các vết thâm có bong tróc, mỏng, mịn. Đồng thời toàn thân bệnh nhân hồi phục dần nếu không biến chứng và bội nhiễm.
Đây là dạng ban dát sẩn, nổi gờ trên bề mặt da, đan xen là các ban dát màu hồng. Ban sẽ mọc rải rác, lan rộng, có thể dính liền với nhau thành các mảng tròn.
Ban lan theo thứ tự, ngày đầu mọc từ sau tai ra đến mặt. Ngày thứ 2 lan dần xuống ngực và tay, ngày thứ 3 lan đến lưng và chân. Thời gian nổi ban có thể kéo dài 6 ngày rồi dần lặng xuống theo thứ tự nó đã mọc.
Trong giai đoạn này có thể kéo theo triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đi cầu lỏng, đồng thời ở phổi gây viêm phế quản và ho.
Biến chứng của sốt phát ban dạng sởi
Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng như sau:
Biến chứng đường hô hấp
Viêm thanh quản: Trong giai đoạn sớm, thường là ở giai đoạn khởi phát hay xuất hiện Croup giả, gây nên cơn khó thở do bị thắt thanh quản. Đồng thời có thể trở nặng với các biểu hiện như sốt cao, ho, khó thở, tím tái, khàn tiếng.
Viêm phế quản: Nguyên nhân thường là bởi việc bội nhiễm, xuất hiện ở cuối thời kỳ mọc ban.
Viêm phế quản - phổi: Nguyên nhân chủ yếu do bội nhiễm, biểu hiện cụ thể như khó thở, sốt cao, bên trong phổi có dấu hiệu ran phế quản và ran nổ. Đây cũng chính là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Biến chứng thần kinh
Viêm não: Trường hợp này chiếm từ 0,1 đến 0,6% ở bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi, hay diễn ra ở trẻ đang trong độ tuổi đi học. Vào tuần đầu của sốt (ngày 3 - 6 của ban). Quá trình khởi phát đột ngột, sốt cao vọt, co giật, rối loạn ý thức,…
Viêm màng não kiểu thanh dịch.
Viêm tủy: Nguy cơ cao liệt 2 chi dưới và rối loạn cơ vòng.
Viêm màng não mủ: Do bội nhiễm có thể gây ra viêm màng nào mủ sau viêm tai, viêm xoang, viêm họng.
Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (Van Bogaert): Thường xảy ra ở độ tuổi từ 2 đến 20 tuổi, có thể xuất hiện muộn sau vài năm mắc bệnh, qua đây cũng cho thấy virus sởi có thể sống nhiều năm trong cơ thể, ở những người bệnh có đáp ứng miễn dịch thất thường. Diễn biến bán cấp của bệnh có thể kéo dài từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân có khả năng tử vong trong tình trạng bị co cứng mất não và tăng trương lực cơ.
Phòng ngừa sốt phát ban dạng sởi
Sốt phát ban dạng sởi có thể gây ra biến chứng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế để phòng tránh bệnh ta cần thực hiện những điều sau:
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại, trẻ em sẽ được khuyến cáo tiêm mũi đầu tiên vào 9 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc mũi thứ 2 khi trẻ vừa tròn 18 tháng tuổi. Tuy vậy, cần phải để trẻ tiêm trước khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.
Nếu trẻ đang bị sốt mà chưa rõ nguyên nhân, tránh cho trẻ đến những nơi đông người.
Xây dựng chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển toàn diện.
Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nguồn nước, nơi ở và đặc biệt là luôn giữ trẻ ở tình trạng sạch sẽ.
Sốt phát ban dạng sởi đang là bệnh khá phổ biến hiện nay và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả người lớn và trẻ em. Vì thế để phòng tránh được bệnh, cách tốt nhất là tìm đến cơ sở ý tế uy tín để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi. Theo dõi Nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều điều bổ ích nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.