Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sốt virus có phải uống kháng sinh không? Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị sốt virus

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ

Sốt virus là bệnh lý khá phổ biến, hay gặp nhất khi thời tiết chuyển mùa hoặc nắng mưa thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Vậy biểu hiện của sốt virus là gì? Sốt virus có phải uống kháng sinh không?

Sốt virus hay sốt siêu vi là tình trạng có thể được gây ra bởi nhiều loại virus và phổ biến nhất là virus đường hô hấp. Tình trạng sức khỏe này thường xảy ra nhiều vào thời điểm mùa hè hoặc mùa mưa. Nhiều người cho rằng sử dụng thuốc kháng sinh khi bị sốt virus sẽ giúp nhanh khỏi bệnh hơn. Vậy sốt virus có phải uống kháng sinh không?

Biểu hiện của bệnh sốt virus là gì?

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ ủ bệnh trong một khoảng thời gian và khi có cơ hội sẽ gây ra các biểu hiện bên ngoài. Bệnh lý này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, hầu hết các trường hợp bệnh không gây nguy hiểm và tự hồi phục. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, sốt virus có thể gây ra tình trạng bội nhiễm.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà biểu hiện của sốt virus có sự khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng của tình trạng này rất đa dạng và thường gặp là:

  • Sốt cao: Người bệnh có biểu hiện sốt cao từ 30 - 39 độ C, thậm chí là từ 40 - 41 độ C và sốt liên tục. Việc sử dụng thuốc hạ sốt chỉ đỡ được trong vài giờ và lại tiếp tục sốt cao. Có không ít trường hợp các loại thuốc hạ sốt thông thường không có tác dụng trong sốt virus.
  • Đau đầu: Biểu hiện này thường thể hiện rõ ràng nhất đối với trường hợp sốt virus ở người lớn. Trẻ em cũng có thể bị đau đầu và trẻ nhỏ sẽ quấy khóc hơn bình thường.
  • Người bệnh sẽ ho, hắt hơi, sổ mũi và các triệu chứng này có xu hướng nặng nặng dần, họng có thể bị sưng đỏ…
  • Người bệnh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy không kèm theo chất nhầy hoặc máu.
  • Người bệnh có thể bị viêm kết mạc mắt khiến cho mắt bị đỏ, chảy nước mắt.
  • Buồn nôn, nôn ói, cơ thể mệt mỏi, uể oải, phát ban
  • Đau nhức khắp cơ thể có thể không tương xứng với mức độ sốt và có kèm theo tình trạng sưng phồng tuyến bạch huyết.
Sốt virus có phải uống kháng sinh không? Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị sốt virus 1
Sốt cao là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt virus

Điều trị bệnh sốt virus như thế nào?

Trước khi tìm hiểu sốt virus có phải uống kháng sinh không, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về hướng điều trị bệnh sốt virus như thế nào nhé!

Thông thường, bệnh sốt virus có thể tự khỏi sau khoảng 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, bệnh thường có biểu hiện là sốt cao nên cần phải điều trị, đặc biệt là trường hợp sốt virus ở trẻ em. Lúc này, người bệnh cần phải kết hợp với việc dùng thuốc và chăm sóc để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Hầu hết các bệnh lý do virus gây ra đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó hướng điều trị chủ yếu của bệnh sốt virus là điều trị triệu chứng. Vậy khi bị sốt virus nên uống thuốc gì?

Việc đầu tiên cần lưu tâm là khi bị sốt, người bệnh cần phải uống nhiều nước để bù lại lượng nước và điện giải đã mất. Đối với trẻ còn đang bú sữa thì cần cho trẻ bú nhiều hơn và có thể bổ sung thêm nước hoa quả hoặc nước canh trong bữa ăn. Bên cạnh đó, để giúp bù nước và điện giải hiệu quả, người bệnh hãy sử dụng Oresol và cần chú ý tỷ lệ pha Oresol phải đúng theo chỉ dẫn, không đặc quá cũng không loãng quá.

Khi người bệnh sốt cao trên 38,5 độ C thì hãy dùng thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt thường dùng nhất là Paracetamol với liều dùng từ 10 - 15mg/kg thể trọng cơ thể, sử dụng cách 4 - 6 giờ/lần để giúp ngăn ngừa tình trạng tăng thân nhiệt. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt liên tục và dùng không quá 4g Paracetamol/ngày (tương ứng với 8 viên Paracetamol có hàm lượng 500mg). Có thể dùng miếng dán cao hạ sốt đi kèm.

Sốt virus có phải uống kháng sinh không? Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị sốt virus 2
Sử dụng Paracetamol để hạ sốt khi bị sốt cao

Trẻ sốt cao có thể kèm theo tình trạng co giật. Đây là một tình trạng sức khỏe nguy hiểm và có thể để lại di chứng về sau. Do đó, khi trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ C, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho trẻ dùng thuốc chống co giật, đặc biệt là ở những trẻ đã có tiền sử sốt cao - co giật trước đây.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể được sử dụng một số loại thuốc có tác dụng giảm ho, giảm sổ mũi và chống dị ứng theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng trên.

Người bệnh tuyệt đối không được tự ý đi truyền dịch và lạm dụng các dụng cụ xông họng vì có thể gây tổn thương đến niêm mạc mũi, họng.

Sử dụng nước muối Natri clorid 0,9% để nhỏ mũi, nhỏ mắt, súc họng nhằm phòng tránh tình trạng bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Ngoài ra, trong trường hợp người bệnh bị sốt liên tục nhiều ngày (trên 5 ngày) hoặc sốt cao trên 39 độ C và việc dùng thuốc hạ sốt không có hiệu quả, hoặc xuất hiện tình trạng co giật, đau đầu liên tục kèm theo buồn nôn thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời, đúng cách và tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vậy sốt virus có phải uống kháng sinh không?

Sốt virus có phải uống kháng sinh không?

Nhiều người bệnh đã tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị khi bị sốt virus có kèm theo những triệu chứng như sốt, ho. Đặc biệt là ở những gia đình có trẻ bị sốt cao do virus thì tâm lý lại càng nôn nóng, chỉ muốn con mau khỏi bệnh. 

Sốt virus có phải uống kháng sinh không? Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị sốt virus 3
Sốt virus có phải uống kháng sinh không là thắc mắc của nhiều người

Tuy nhiên, đây lại là là một hành động tai hại, bởi kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn nhưng lại không tiêu diệt được virus. Do đó, việc người mắc bệnh sốt virus sử dụng kháng sinh không chỉ không giúp làm ngắn thời gian bị bệnh mà có thể làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh rất cao. Trên thực tế, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Do đó, sốt virus có phải uống kháng sinh không thì câu trả lời là không cần dùng kháng sinh để điều trị bệnh. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp xảy ra bội nhiễm vi khuẩn ở bệnh sốt virus. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh cần phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc cho người bệnh bị sốt virus

Khi chăm sóc bệnh nhân sốt virus, cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Cho người bệnh mặc quần áo thoáng mát.
  • Người bệnh nên được nghỉ ngơi tại phòng không bị gió lùa, nhiệt độ phòng không quá thấp hơn so với nhiệt độ cơ thể.
  • Sử dụng nước ấm để lau người cho bệnh nhân (nhiệt độ của nước thường thấp hơn so với thân nhiệt người bệnh từ 3 - 4 độ C).
  • Tuyệt đối không dùng đá lạnh để chườm nhằm hạ nhiệt.
  • Người bệnh cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh tình trạng bội nhiễm do các loại vi khuẩn, virus cơ hội gây ra. Có thể dùng nước ấm để tắm, lâu khô người sau khi tắm và thay quần áo sạch sẽ, rộng rãi.
  • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể.
Sốt virus có phải uống kháng sinh không? Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị sốt virus 4
Cho người bệnh sốt virus uống nước ép trái cây để bổ sung nước và điện giải

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên, bạn đọc đã trả lời được câu hỏi sốt virus có phải uống kháng sinh không. Sốt virus là một bệnh lý khá phổ biến, không gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất khi xuất hiện các triệu chứng bệnh nghiêm trọng nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin