Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Sốt xuất huyết có ho không? Làm gì khi bị ho do sốt xuất huyết?

Ngày 01/10/2023
Kích thước chữ

Sốt xuất huyết là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm rất hay gặp, đặc biệt trong giai đoạn mùa hè và có khả năng bùng phát mạnh tạo thành dịch. Vậy sốt xuất huyết có những dấu hiệu gì? Sốt xuất huyết có ho không?

Do tần suất rất thường gặp và thường bắt đầu với các biểu hiện như sốt cao, đau cơ, nhức mỏi,... như các bệnh lý nhiễm trùng khác. Chính vì vậy Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp những thông tin cơ bản về sốt xuất huyết và giải đáp thắc mắc sốt xuất huyết có ho không qua bài viết dưới đây.

Tổng quan sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính với tác nhân là virus Dengue gây ra và vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Khi muỗi vằn đốt người bệnh sốt xuất huyết, virus Dengue sẽ đi vào và nhân lên trong máu của vật chủ trung gian này, sau đó lây qua người lành khi bị những con muỗi này đốt. Sốt xuất huyết có dịch tễ là những vùng có khí hậu nhiệt đới với thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều như các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam cũng là nước điển hình của loại bệnh này. Hiện nay, Việt Nam được xem là vùng lưu hành sốt xuất huyết ở tất cả các vùng trong nước kể cả ở thành thị lẫn vùng nông thôn. Thời điểm dễ bùng phát dịch nhất là từ tháng 7 - tháng 10.

Sốt xuất huyết có ho không? 1
Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm có khả năng tạo thành dịch nhanh chóng

Virus Dengue có 4 type huyết thanh gây bệnh. Những người bị nhiễm virus sốt xuất huyết lần đầu tiên thường có những biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn. Tuy nhiên, khi bị tái nhiễm với một type virus sốt xuất huyết khác thì biểu hiện lâm sàng sẽ nặng nề và nghiêm trọng hơn, tỷ lệ chảy máu, sốc hoặc thậm chí có thể tử vong cũng cao hơn. Như vậy mỗi người có thể bị sốt xuất huyết vài lần trong đời.

Hiện tại vẫn chưa có vaccine dự phòng và phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Cách tốt nhất để phòng bệnh là ngăn chặn mọi nguy cơ cho muỗi sinh sôi và phát triển như khai thông kênh rạch, phát quang bụi rậm, đậy kín các dụng cụ chứa nước, ao tù nước đọng. Bên cạnh đó, cần ngủ màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều phương pháp như đốt nhang muỗi, vợt muỗi, thoa kem chống muỗi,... để ngăn ngừa muỗi đốt.

Bị sốt xuất huyết có ho không?

Vì sốt xuất huyết có những biểu hiện khá tương đồng với các bệnh lý sốt phát ban, sốt siêu vi khác nên dễ gây nhầm lẫn và nhiều người đặt ra câu hỏi liệu rằng bị sốt xuất huyết có ho không?

Sốt xuất huyết có ho không? 3
Sốt xuất huyết có ho không? Câu trả lời là "Có"

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để loại bỏ vi khuẩn, bụi ra khỏi đường hô hấp. Sổ mũi cũng là triệu chứng của đường hô hấp tăng tiết dịch khi bị các tác nhân ngoại lại tấn công. Ho và sổ mũi là triệu chứng đặc trưng của các bệnh lý về đường hô hấp.

Đối với sốt xuất huyết khi bước vào giai đoạn nguy hiểm, do tính thấm của mao mạch tăng lên làm thoát huyết tương trong các mạch máu và xâm nhập vào đường hô hấp làm viêm đường hô hấp, trầm trọng hơn có thể làm tràn dịch màng phổi. Khi đường hô hấp bị viêm sẽ kích thích các receptor ở đường hô hấp gây ra các phản xạ ho. Thông thường người bệnh có thể ho từng cơn hoặc kéo dài, ho có đờm hoặc do khan.

Trong trường hợp tràn dịch màng phổi cũng sẽ khiến người bệnh bị ho. Tuy nhiên, tính chất ho thường là ho khan kéo dài, ho có đờm hoặc lẫn máu, ho tăng lên khi vận động.

Để điều trị triệu chứng ho cần xác định được nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Khi đã loại trừ khả năng bị muỗi vằn cái đốt hoặc biết rõ nguyên nhân gây bệnh thì sẽ lựa chọn hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Nếu ho là một triệu chứng của sốt siêu vi hoặc cảm lạnh thì cần giữ ấm cơ thể phối hợp các loại thuốc giảm ho, vệ sinh mũi họng bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý.

Cơ chế sốt xuất huyết gây ho

Có nhiều cơ chế khác nhau làm cho người bệnh sốt xuất huyết bị ho. Ngứa cổ, kích thích vùng hầu họng là điều có thể gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Vào giai đoạn hồi phục của bệnh sốt xuất huyết, dịch trong khoảng gian bào được tái hấp thu lại vào lòng mạch. Sự tái hấp thu ở các mô vùng hầu họng của đường hô hấp làm cho người bệnh có cảm giác ngứa cổ, kích thích ở hầu họng khiến bệnh nhân ho. Ho do tái hấp thu dịch trong giai đoạn hồi phục, thường là ho khan.

Đồng thời khi dịch từ huyết tương thoát ra các khoang ngoại bào của cơ thể cũng gây tràn dịch màng phổi làm kích thích lá thành và lá tạng màng phổi dẫn đến triệu chứng ho. Tương tự như ngứa cổ thì tràn dịch màng phổi cũng gây ho khan, ho có đờm hoặc ho có máu. Ho tăng lên khi thay đổi tư thế, vận động.

Ngoài ra, phù phổi cấp cũng là nguyên nhân gây ho ở bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Phù phổi cấp do sự thoát dịch quá nhanh vào lòng các phế nang, khiến phế nang ngập nước. Phù phổi cấp làm cho bệnh nhân xuất hiện những cơn ho đột ngột, có đờm, có bọt hồng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Bên cạnh đó, một số trường hợp sốt xuất huyết có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Tỷ lệ này càng cao ở những bệnh nhân nặng, phải điều trị dài ngày ở các khoa hồi sức tích cực. Viêm phổi gây ra các triệu chứng ho, khạc đờm.

Làm gì khi bị ho do sốt xuất huyết?

Tùy vào từng nguyên nhân gây ho là gì mà hướng điều trị triệu chứng ho ở bệnh nhân sốt xuất huyết cũng khác nhau.

Trong phần lớn các trường hợp, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ ho khan do nguyên nhân tăng tái hấp thu dịch gây ngứa cổ, kích thích vùng hầu họng hoặc do tình trạng tràn dịch màng phổi,... Khi đó, ho hoàn toàn có thể tự khỏi khi bệnh thoái lui hẳn mà không cần điều trị, đây chỉ là thuận theo sự diễn tiến tự nhiên của bệnh. Tuy nhiên, nếu người bệnh ho quá nhiều, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt thì cần điều trị hỗ trợ bằng các loại thuốc kháng histamin H1 để giảm ho trong trường hợp bệnh nhân ho khan do ngứa họng hoặc kích thích vùng hầu họng.

Sốt xuất huyết có ho không? 3
Tùy vào từng nguyên nhân gây ho mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp

Trong trường hợp người bệnh ho có đờm, dấu hiệu này cần cảnh giác tình trạng nghiêm trọng hơn cần theo dõi và can thiệp tích cực hơn. Đối với trường hợp bệnh nhân bị phù phổi cấp thì cần hồi sức cấp cứu ngay lập tức cho bệnh nhân vì biến chứng này có thể làm người bệnh tử vong một cách nhanh chóng. Hoặc những trường hợp ho do biến chứng viêm phổi, bệnh nhân cần phải được sử dụng kháng sinh để xử lý tình trạng nhiễm trùng.

Như vậy, người bệnh sốt xuất huyết ít khi bị sổ mũi, còn nếu đã có biểu hiện ho thì khả năng là bệnh đã bước vào giai đoạn trầm trọng. Vì vậy khi chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây ho và chưa loại trừ được sốt xuất huyết thì tốt nhất nên nhập viện để theo dõi và điều trị kịp thời.

Xem thêm: 

Giải đáp: Sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều có sao không?

Người bị sốt xuất huyết lần 2 có nặng hơn lần đầu không?

Phân độ sốt xuất huyết và các dấu hiệu người bệnh cần lưu ý

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.