Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sự khác biệt và mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp

Ngày 30/09/2022
Kích thước chữ

Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim là hai chỉ số sức khỏe quan trọng và chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vậy mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp ra sao? Chúng có gì giống nhau và khác nhau?

Chỉ số huyết áp và nhịp tim là hai phép đo chỉ số sức khỏe riêng biệt nhưng đều có liên quan đến tim mạch. Hai chỉ số này cực kỳ quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vậy sự khác nhau cũng như mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp là như thế nào?

Nhịp tim khác với huyết áp như thế nào?

Trước khi tìm hiểu về mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp thì trước tiên chúng ta cần hiểu được sự khác nhau giữa hai chỉ số này. Hai chỉ số này thường đi đôi với nhau và có mối quan hệ nhưng chúng không giống nhau.

Huyết áp được định nghĩa là áp lực máu chảy trong thành động mạch. Các mạch máu có thể được xem như là một hệ thống ống dẫn, chúng có thể mở rộng hoặc co lại để kiểm soát huyết áp. Còn nhịp tim lại là số lần tim đập trong vòng một phút. Nhịp tim được hệ thống điện tim điều khiển.

mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp thế nào Nhịp tim và huyết áp thường đi đôi với nhau và có mối quan hệ nhưng chúng không giống nhau.

Mỗi khi tim đập, tim sẽ co bóp và đẩy máu đi qua mạng lưới các động mạch trong cơ thể. Huyết áp sẽ tăng lên trong thời gian ngắn khi tim đẩy ra nhiều máu hơn để giữ cho tuần hoàn được tiếp tục. Giữa các nhịp đập, tim sẽ có thời gian nghỉ và làm giảm áp lực trở lại. Đó là nguyên nhân tại sao mỗi nhịp tim có cảm giác giống như một nhịp đập chứ không phải là một dòng áp lực liên tục.

Huyết áp lý tưởng thường là khi huyết áp tâm thu (nghĩa là áp lực máu khi tim đập) đạt 120 mmHg và huyết áp tâm trương (nghĩa là áp lực máu khi tim thư giãn) đạt 80 mmHg. Trong khi đó, nhịp tim trung bình khi nghỉ ngơi là từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút (BPM) đối với người trưởng thành.

Đối với những bệnh nhân cao huyết áp, bạn không thể đo nhịp tim để thay thế cho việc đo huyết áp. Ngược lại, đối với bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, việc đo nhịp tim để chẩn đoán và điều trị bệnh vẫn là loại xét nghiệm được ưu tiên.

Mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp

Dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến 2 chỉ số này.

Huyết áp cao thì có làm tăng nhịp tim không?

Khi tìm hiểu về mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp, bạn sẽ hiểu rằng nhịp tim và huyết áp thật sự không nhất thiết phải tăng hoặc giảm cùng một lúc. Nhịp tim tăng không làm cho huyết áp tăng theo và ngược lại. Mặc dù tim của bạn đập nhiều lần hơn trong vòng một phút, nhưng các mạch máu khỏe mạnh sẽ giãn ra để máu có thể dễ dàng chảy qua hơn.

Mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp Nhịp tim và huyết áp thật sự không nhất thiết phải tăng hoặc giảm cùng một lúc

Khi chúng ta tập thể dục, nhịp tim sẽ nhanh hơn để có nhiều máu hơn đáp ứng cho nhu cầu cơ thể ngay lúc đó. Nhịp tim có thể tăng gấp đôi nhưng vẫn an toàn, trong khi huyết áp có thể đáp ứng bằng cách chỉ tăng chút ít.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, huyết áp và nhịp tim thường tăng và giảm cùng một lúc. Chẳng hạn như, khi bạn căng thẳng, duy trì lối sống không lành mạnh, thức khuya, hút thuốc,… thì huyết áp và nhịp tim có thể sẽ tăng lên cùng nhau và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn.

Nhịp tim ảnh hưởng gì đến huyết áp và sức khỏe?

Tăng huyết áp là một tình trạng phổ biến và là một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch và đột quỵ. Trong khi đó, nhịp tim cao sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, còn đối với những người đã bị huyết áp cao thì nhịp tim tăng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mặc dù mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp được cho là rất quan trọng đối với sức khỏe, tuy nhiên, nhịp tim tăng không phải là một yếu tố chính để lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp. Không có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng thuốc ổn định nhịp tim có thể giúp điều trị bệnh tăng huyết áp. Việc sử dụng thuốc hạ huyết áp, nhất là các loại thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim, có thể không làm giảm huyết áp.

Yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp, chúng ta cần xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp để biết huyết áp khi nào tăng hoặc giảm. Các yếu tố bao gồm:

  • Cân nặng: Tình trạng thừa cân, béo phì sẽ gây căng thẳng cho tim và mạch máu, góp phần làm tăng huyết áp.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn quá nhiều muối (Natri) và quá ít Kali sẽ khiến cơ thể có nguy cơ bị cao huyết áp.
  • Mức độ hoạt động thể chất: Ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, làm ảnh hưởng không tốt đến huyết áp.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm giảm hoặc tăng huyết áp.
  • Lối sống không lành mạnh:  Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia và cà phê, thức khuya, áp lực, căng thẳng đều ảnh hưởng xấu đến tim và mạch máu.
  • Bệnh mãn tính: Một số bệnh mãn tính như bệnh thận, tiểu đường, bệnh tim,..có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp.
  • Tuổi tác: Huyết áp có thể tăng hoặc giảm khi chúng ta lớn tuổi hơn.
Tìm hiểu mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp Yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

Yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim

Mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp cũng thể hiện ở chỗ một số yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp tim. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm:

  • Tuổi tác: Nhịp tim trung bình có thể khác nhau giữa các độ tuổi.
  • Mức độ hoạt động thể chất: Bạn hoạt động thể chất càng nhiều thì nhịp tim càng tăng.
  • Hút thuốc lá: Hóa chất trong thuốc lá có thể làm nhịp tim tăng lên và tăng huyết áp.
  • Bệnh mãn tính: Một số bệnh như bệnh tim mạch, cholesterol cao, tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.
  • Cân nặng: Cân nặng cơ thể càng lớn thì tim càng phải làm việc càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
  • Thuốc men: Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chẹn beta có thể làm giảm nhịp tim hoặc thuốc tuyến giáp có thể làm tăng nhịp tim.
  • Nhiệt độ môi trường: Nhịp tim có thể thay đổi khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Vào những ngày nắng nóng, tim sẽ cần phải bơm máu nhanh hơn.
  • Tư thế: Nhịp tim sẽ thay đổi khi bạn đứng lên hoặc nằm xuống.
  • Cảm xúc: Lo lắng, hoảng sợ, căng thẳng hoặc vui mừng quá độ có thể làm tăng nhịp tim.
mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp như thế nào Tuổi tác ảnh hưởng đến nhịp tim

Hy vọng thông qua bài viết này sẽ  giúp bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp cũng như các yếu tố ảnh hưởng hai chỉ số này. Mọi người nên nhớ rằng kiểm soát tốt nhịp tim và huyết áp chính là bí quyết để có một sức khỏe tốt.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin