Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Sự phát triển của thai nhi 34 tuần và những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu

Ngày 30/12/2024
Kích thước chữ

Thai nhi 34 tuần tuổi là giai đoạn bé phát triển mạnh mẽ. Lúc này, mẹ bầu cũng cần quan tâm đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho quá trình vượt cạn sắp tới. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về sự phát triển của thai nhi 34 tuần tuổi và những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu trong bài viết dưới đây nhé.

Khi thai nhi được 34 tuần tuổi, thai kỳ đã bước vào giai đoạn cuối của tam cá nguyệt thứ ba và chỉ còn khoảng 6 tuần nữa là đến thời điểm dự sinh. Do đó, đây là thời điểm quan trọng trong sự phát triển của thai nhi, khi mà cơ thể của thai nhi gần như đã hoàn thiện và sẵn sàng cho ngày chào đời. Cùng với đó, mẹ bầu cũng sẽ trải qua nhiều thay đổi về thể chất và tâm lý. Vậy sự phát triển của thai nhi 34 tuần như thế nào?

Thai nhi 34 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Thai nhi 34 tuần tuổi đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt trong quá trình phát triển. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi 34 tuần tuổi:

Cân nặng và chiều cao

Ở tuần thứ 34, thai nhi đã đạt khoảng 2,2kg và có chiều dài cơ thể khoảng 45,3cm. Mặc dù cơ thể bé đã có sự phát triển rõ rệt về chiều cao và cân nặng nhưng vẫn còn nhiều chỗ để phát triển hơn nữa trước khi chào đời. Trong những tuần tiếp theo, thai nhi sẽ tiếp tục tăng cân và chuẩn bị cho sự ra đời.

Phát triển hệ thần kinh trung ương

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tuần thai thứ 34 chính là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thần kinh trung ương. Ở tuần thai thứ 34, não bộ của thai nhi đã phát triển gần như hoàn chỉnh, có thể điều khiển các chức năng cơ bản của cơ thể và phát triển đến khi bé 3 tuổi. Các kết nối thần kinh trong não bộ cũng trở nên phức tạp hơn, điều này giúp bé tiếp nhận thông tin và phản ứng nhanh chóng với các kích thích bên ngoài.

Sự phát triển của thai nhi 34 tuần và những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu 1
Thai nhi 34 tuần tuổi đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt trong quá trình phát triển

Hệ hô hấp

Mặc dù thai nhi chưa thể tự hô hấp được khi còn trong bụng mẹ, tuy nhiên phổi của bé đang phát triển mạnh mẽ. Vào tuần thứ 34, phổi của bé đã sản xuất đủ surfactant - một chất giúp các phế nang trong phổi không bị xẹp khi bé bắt đầu tự thở sau khi chào đời. Điều này giúp giảm nguy cơ bị các vấn đề về hô hấp khi bé ra đời.

Thị giác

Ở tuần thai thứ 34, mắt của thai nhi đã phát triển gần như hoàn chỉnh, có thể mở ra khi bé đang trong bụng mẹ và nhạy cảm với ánh sáng hơn. Do đó, mẹ hạn chế chiếu ánh sáng trực tiếp hoặc gần sát vào bụng.

Hệ xương và cơ bắp

Hệ xương của thai nhi đã trở nên chắc khỏe hơn, mặc dù vẫn còn mềm và linh hoạt. Các khớp xương như khớp đầu gối và khớp háng cũng đã phát triển hoàn chỉnh. Các cơ bắp của bé đang dần phát triển mạnh mẽ, giúp bé chuẩn bị cho các hoạt động như cử động tay chân, thậm chí là phản xạ cúi đầu, quay đầu và thay đổi vị trí.

Hệ tiêu hoá

Trong tuần 34, hệ tiêu hóa của thai nhi đã hoàn chỉnh, có thể tiêu hóa sữa mẹ sau khi ra đời. Tuy nhiên, khi còn ở trong bụng mẹ thì bé chưa tiêu thụ thức ăn như ngoài đời. Thức ăn mà bé tiêu thụ chủ yếu là nước ối, cung cấp dưỡng chất cho cơ thể. Dù vậy, chức năng tiêu hóa đã phát triển tốt, giúp bé tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng khi chào đời.

Tinh hoàn di chuyển xuống bìu

Nếu thai nhi có giới tính là nam giới, ở tuần thai 34 thì tinh hoàn của bé sẽ bắt đầu quá trình di chuyển xuống bìu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì quá trình này có thể diễn ra chậm hơn và tinh hoàn sẽ di chuyển về đúng vị trí trước khi trẻ tròn 1 tuổi.

Hormone liên quan tới giới tính xuất hiện

Bộ phận sinh dục của thai nhi 34 tuần tuổi có dấu hiệu sưng, phù hơn so với những tuần thai trước. Đây là một dấu hiệu cho thấy hormone giới tính đã bắt đầu xuất hiện và được sản xuất nhiều hơn.

Nhận thức được giọng nói

Thai nhi 34 tuần tuổi có thể nhận thức được giọng nói của người xung quanh, nhất là những người thân thuộc. Do đó, mẹ bầu đừng quá ngạc nhiên khi thai nhi có phản ứng khi nghe thấy giọng nói thân quen.

Sự phát triển của thai nhi 34 tuần và những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu 2
Thai nhi 34 tuần tuổi đã bắt đầu có phản ứng với giọng nói quen thuộc

Những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu khi thai nhi được 34 tuần tuổi

Trong giai đoạn thai kỳ 34 tuần, cơ thể mẹ bầu cũng có nhiều sự thay đổi đáng chú ý. Dưới đây là những thay đổi về cả tâm sinh lý của mẹ bầu ở giai đoạn này, cụ thể như sau:

  • Thị lực của người mẹ giảm đi rõ rệt, giảm bài tiết nước mắt, dẫn đến khô mắt và khó chịu. Tuy nhiên, mẹ bầu không cần phải quá lo lắng, bởi tình trạng này sẽ được khắc phục sau khi sinh con.
  • Tử cung của thai phụ có xu hướng phồng ra và mở rộng lên. Điều này sẽ gây chèn ép lên các cơ quan nội tạng, từ đó khiến mẹ bầu sẽ đi tiểu nhiều lần hơn, nhất là vào ban đêm.
  • Mẹ bầu dễ gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hoá như đầy hơi, khó tiêu, táo bón do thai nhi phát triển lớn, gây chèn ép lên hệ tiêu hoá.
  • Mẹ bầu có thể bị trĩ trong giai đoạn này, cho dù trước đây mẹ hoàn toàn bình thường.
  • Da bụng bị căng hơn và sự dãn ra của tử cung có thể khiến cho rốn của mẹ bầu lồi ra.
  • Xuất hiện các cơn đau lưng, tê bì tay chân, mỏi người hoặc chuột rút với tần suất cao hơn.
  • Sự thay đổi về hormone trong cơ thể và cảm giác lo lắng về việc sinh nở có thể khiến mẹ bầu cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi về tâm lý. Mẹ bầu có thể cảm thấy lo sợ, hồi hộp, căng thẳng hoặc thậm chí khó kiểm soát cảm xúc trong giai đoạn này.
Sự phát triển của thai nhi 34 tuần và những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu 3
Mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi ở tuần thai thứ 34

Những xét nghiệm cần thực hiện khi thai 34 tuần tuổi

Trong giai đoạn thai kỳ 34 tuần, mẹ bầu cần thực hiện các kiểm tra y tế định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Những xét nghiệm cần thực hiện như:

  • Siêu âm thai: Đây là thời điểm mà bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra sự tuần hoàn máu trong tử cung, đồng thời kiểm tra vị trí của thai nhi và dây rốn.
  • Kiểm tra huyết áp và cân nặng: Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng tăng cân của mẹ và kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm các dấu hiệu của tiền sản giật.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra các chỉ số liên quan đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, đồng thời phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, nhóm máu và kháng thể.

Một số lưu ý cần biết

Để đảm bảo thai nhi 34 tuần tuổi phát triển khỏe mạnh, mẹ bầu cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Chế độ dinh dưỡng: Mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết, chú trọng vào việc bổ sung sắt, canxi, vitamin D và axit folic. Các loại thực phẩm như rau củ, trái cây, các sản phẩm từ sữa, thịt, cá và các loại ngũ cốc sẽ giúp cung cấp năng lượng, dưỡng chất cho cả hai mẹ con.
  • Vận động nhẹ nhàng: Mẹ bầu có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, hay các bài tập thở để giúp giảm căng thẳng và hỗ trợ quá trình sinh nở.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Đây là thời điểm quan trọng để mẹ bầu chuẩn bị cho quá trình sinh nở, vì vậy việc nghỉ ngơi và giữ tâm lý thoải mái là rất quan trọng.
  • Theo dõi sức khỏe: Mẹ bầu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe bản thân ở giai đoạn này, từ đó sớm phát hiện ra những bất thường và xử lý kịp thời để bảo vệ sức khỏe của cả hai mẹ con.
Sự phát triển của thai nhi 34 tuần và những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu 4
Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe của cả hai mẹ con

Thai nhi 34 tuần là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của bé và cũng là thời điểm cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu. Những thay đổi trong cơ thể bé và mẹ đều cần được theo dõi cẩn thận để đảm bảo quá trình mang thai diễn ra thuận lợi. Chăm sóc sức khỏe đúng cách sẽ giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt cho cuộc sinh nở sắp tới, đồng thời đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh cho thai nhi.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin