Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Suy giáp ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu cùng một số điều cần lưu ý

Ngày 15/07/2023
Kích thước chữ

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình con bướm ở phía trước cổ, ngay phía trên xương đòn. Suy giáp ở trẻ em là trường hợp phổ biến và có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng về thần kinh.

Hormone tuyến giáp có chức năng sinh lý quan trọng trong hầu hết các hệ thống cơ quan, sự tăng trưởng, phát triển thể chất và thần kinh. Do đó, việc chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp chứng suy giáp ở trẻ em là cần thiết.

Suy giáp ở trẻ em là bệnh gì?

Công việc của tuyến giáp là tạo ra các hormone tuyến giáp, được giải phóng vào máu và sau đó được vận chuyển đến mọi mô trong cơ thể. 

Suy giáp hay tuyến giáp hoạt động kém, là khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp để đáp ứng nhu cầu của cơ thể sẽ làm ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan trong cơ thể trẻ bao gồm nhịp tim, chuyển hóa năng lượng (cơ thể sử dụng calo hiệu quả như thế nào), sự tăng trưởng và phát triển. Nếu không có đủ hormone, nhiều chức năng của cơ thể sẽ hoạt động chậm lại.

Suy giáp ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu cùng một số điều cần lưu ý 1
Suy giáp ở trẻ em ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ

Các dấu hiệu suy giáp ở trẻ em

Các triệu chứng suy giáp ở trẻ em thường không đặc hiệu. Chúng có biểu hiện nhẹ và phát triển chậm, có thể giống với các triệu chứng của các tình trạng hoặc một số bệnh lý thông thường khác dẫn đến tình trạng không bị phát hiện trong nhiều năm, có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi, lười vận động, ngủ nhiều: Tình trạng này có thể bị một số phụ huynh nhầm lẫn với “trẻ ngoan” vì chúng hiếm khi khóc và phần lớn thời gian chúng ngủ.
  • Phản xạ chậm, thiểu năng.
  • Ăn kém: Trẻ bị suy giáp chủ yếu ngủ và ít bú.
  • Tầm vóc nhỏ, phát triển chậm so với trẻ cùng lứa.
  • Táo bón.
  • Thóp trước lớn.
  • Vàng da.
  • Tóc thưa, thô và khô.
  • Da thô, khô và dày lên.
  • Mạch chậm.
  • Co giật.
  • Hai bên lông mày thưa hoặc rụng.
  • Nét mặt đờ đẫn.
  • Khàn giọng.
  • Nói chậm.
  • Sụp mí mắt.
  • Khuôn mặt sưng húp và sưng tấy.

Bởi vì các triệu chứng rất đa dạng, không cụ thể và có thể do những yếu tố khác ngoài tuyến giáp gây ra. Để biết chắc chắn liệu con của bạn có bị suy giáp hay không là tiến hành xét nghiệm. Cha mẹ nên tầm soát bệnh tuyến giáp cho trẻ sớm nhất có thể để kịp thời phát hiện và điều trị.

Nguyên nhân suy giáp ở trẻ em

Nguyên nhân nội sinh

Nguyên nhân suy giáp nội sinh thường bắt đầu từ chính những phản ứng hoặc những thay đổi bất thường trong cơ thể hoặc hệ miễn dịch của trẻ, bao gồm:

  • Bệnh Hashimoto: Một chứng rối loạn tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể vô tình phá hủy tuyến giáp của chính nó. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng suy giáp mắc phải ở trẻ em và thanh thiếu niên, thường phát triển sau vài năm đầu đời, trong đó hệ thống miễn dịch (thường bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của nhiễm trùng) nhầm các tế bào tuyến giáp với những yếu tố có hại và tấn công chúng, dẫn đến viêm tuyến giáp, suy giảm dần nồng độ hormone tuyến giáp.
  • Viêm tuyến giáp: Khiến hormone tuyến giáp bị rò rỉ. Tình trạng viêm tuyến giáp tạm thời có thể do nhiễm vi-rút gây ra.
  • Suy giáp bẩm sinh, hoặc suy giáp sau sinh: Di truyền hoặc thừa hưởng các đặc điểm từ cha mẹ cũng đóng một vai trò nhất định gây nên bệnh suy giáp.
Suy giáp ở trẻ em: Nguyên nhân và dấu hiệu cùng một số điều cần lưu ý 2
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây suy giáp ở trẻ em

Nguyên nhân ngoại sinh

Trái với các yếu tố từ trong cơ thể, nguyên nhân ngoại sinh của bệnh suy giáp ở trẻ em chủ yếu do các can thiệp thứ phát từ bên ngoài hoặc ảnh hưởng gián tiếp từ các cơ quan khác, bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
  • Xạ trị tuyến giáp.
  • Sử dụng thuốc.
  • Tổn thương tuyến yên (ít gặp): Tuyến yên trong não báo cho tuyến giáp biết cần tạo ra bao nhiêu hormone. Khi tuyến yên bị tổn thương, nó có thể không còn tạo đủ TSH để đảm bảo chức năng tuyến giáp bình thường.
  • Bổ sung quá ít hoặc quá nhiều i-ốt khiến tuyến giáp hoạt động bất thường.

Các loại suy giáp phổ biến ở trẻ em

Suy giáp ở trẻ em tuy có thể tạm thời chia làm 4 nhóm chính:

  • Suy giáp bẩm sinh: Xảy ra khi tuyến giáp không phát triển hoặc hoạt động bình thường trước khi sinh. Tại một số nước, xét nghiệm suy giáp bẩm sinh như một phần của quy trình sàng lọc trẻ sơ sinh thông thường của họ.
  • Suy giáp tự miễn (viêm tuyến giáp lympho mạn tính): Thường xảy ra nhiều nhất do rối loạn tự miễn gọi là viêm tuyến giáp lymphocytic mãn tính. Trong rối loạn này, hệ thống miễn dịch của trẻ tấn công tuyến giáp, dẫn đến tổn thương và giảm chức năng. Tình trạng này thường gặp ở trẻ gái hơn trẻ trai và ở thanh thiếu niên nhiều hơn trẻ trước tuổi vị thành niên.
  • Suy giáp do điều trị: Xảy ra ở trẻ em đã phẫu thuật cắt bỏ hoặc phá huỷ tuyến giáp, cơ thể không còn sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến suy giáp.
  • Suy giáp trung ương: Xảy ra khi não không tạo ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH) - tín hiệu báo cho tuyến giáp hoạt động, mà sự bài tiết hoặc hoạt động của nó có thể bị suy giảm ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên. Suy giáp trung ương có thể do di truyền, cả trẻ em nam và nữ đều bị ảnh hưởng như nhau.
Suy giáp ở trẻ em: Nguyên nhân và dấu hiệu cùng một số điều cần lưu ý 3
Có 4 loại suy giáp phổ biến ở trẻ em

Chẩn đoán suy giáp ở trẻ em

Vậy làm thế nào để biết trẻ đang bị suy giáp? Dưới đây là các chẩn đoán giúp cha mẹ phát hiện bệnh cho con mình từ sớm:

  • Sàng lọc sơ sinh và khám nghiệm định kỳ cho trẻ sơ sinh.
  • Thử nghiệm chức năng tuyến giáp thông qua xét nghiệm máu đo lượng hormone tuyến giáp (thyroxine hoặc T4) và xét nghiệm TSH (hormone kích thích tuyến giáp) huyết thanh, hoặc thử mức độ kháng thể kháng tuyến giáp.
  • Siêu âm tuyến giáp: Giúp phát hiện những hình ảnh và hình dạng bất thường.
  • Chụp và quét y học hạt nhân: Giúp xác định mô tuyến giáp của trẻ hấp thụ i-ốt như thế nào (một thành phần chính trong việc tạo ra hormone tuyến giáp).
  • Chụp X-quang: Có thể chụp phim X-quang đầu gối để tìm đầu xương đùi ở đầu xa, trung tâm cốt hóa này xuất hiện khi thai được khoảng 36 tuần, sự vắng mặt của nó ở trẻ sơ sinh đủ tháng hoặc sinh non cho thấy ảnh hưởng trước khi sinh của chứng suy giáp.

Điều trị suy giáp cho trẻ em

Phần lớn trẻ em bị suy giáp cần tuân thủ điều trị bằng thuốc để có thể đạt được sự tăng trưởng và phát triển bình thường.

Người ta thường điều trị suy giáp ở trẻ em bằng levothyroxine, hoặc được điều trị bằng cách thay thế lượng hormone mà tuyến giáp của trẻ không thể sản xuất được. Mục tiêu là đưa hormone tuyến giáp là T4 và TSH trở lại phạm vi bình thường, đồng thời khôi phục các chức năng bình thường của cơ thể (được gọi là liệu pháp thay thế). 

Liều lượng điều trị tuỳ theo lứa tuổi, cân nặng. Vì vậy cần kiểm tra thường xuyên hơn trong khi trẻ vẫn đang phát triển về thể chất.

Trẻ suy giáp do bẩm sinh hoặc cắt bỏ tuyến giáp hoặc xạ trị cũng cần điều trị kéo dài đến suốt đời. Suy giáp do một số nguyên nhân khác (như thuốc hoặc iốt) có thể chữa khỏi nếu được điều trị tích cực và kịp thời.

Trên đây là những điểm chính mà Nhà thuốc Long Châu cung cấp cho quý vị về suy giáp ở trẻ em. Vui lòng truy cập trang và theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những kiến thức y học một cách nhanh nhất và chính xác nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin