Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các loại thuốc điều trị suy giáp phổ biến hiện nay

Ngày 30/05/2024
Kích thước chữ

Suy giáp là một tình trạng bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Đây là một rối loạn xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cần thiết để điều hòa các chức năng của cơ thể. Do đó, thuốc điều trị suy giáp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều bệnh nhân, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và duy trì sức khỏe tốt.

Bài viết này cung cấp các thông tin về bệnh suy giáp, triệu chứng cũng như các thuốc điều trị suy giáp. Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

Suy giáp là tình trạng như thế nào?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình bướm, nằm ở phía trước cổ, ngay dưới thanh quản. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quá trình trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển của cơ thể.

Suy giáp, hay còn gọi là nhược giáp, là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) cần thiết cho cơ thể. 

Suy giáp và các loại thuốc điều trị suy giáp 1
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone cho cơ thể

Khi tuyến giáp không hoạt động đúng cách và sản xuất không đủ lượng hormone, nhiều chức năng cơ thể bị ảnh hưởng. Hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) là hai hormone chính được sản xuất bởi tuyến giáp. Chúng có vai trò thiết yếu trong việc điều hòa các quá trình trao đổi chất, năng lượng trong cơ thể. Các hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, quá trình tiêu hóa và năng lượng. 

Thiếu hụt hormone giáp dẫn đến tình trạng trao đổi chất chậm lại, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu sự thiếu hụt hormone quá nghiêm trọng bệnh nhân có thể cần phải sử dụng các loại thuốc điều trị suy giáp.

Các triệu chứng phổ biến của suy giáp

Triệu chứng của suy giáp rất đa dạng và thường phát triển từ từ, khiến nhiều người có thể không nhận ra bệnh ngay từ đầu. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi kéo dài và thiếu năng lượng liên tục khiến người bệnh khó hoàn thành các hoạt động hàng ngày. Suy giáp cũng gây ra tình trạng tăng cân không rõ nguyên nhân, ngay cả khi không có sự thay đổi trong chế độ ăn uống hay mức độ hoạt động thể chất.

Bên cạnh đó, suy giáp còn khiến da trở nên khô và lạnh, do sự giảm lưu thông máu và chậm trong quá trình trao đổi chất. Da của người bệnh có thể trở nên nhợt nhạt hoặc có màu vàng nhạt. Tóc của những người mắc bệnh cũng trở nên khô, dễ gãy và rụng nhiều hơn bình thường. 

Chán ăn là một triệu chứng khác của suy giáp, mặc dù điều này có thể mâu thuẫn với việc tăng cân. Tình trạng trầm cảm cũng thường gặp ở người mắc suy giáp, với các biểu hiện như cảm giác buồn bã, thất vọng, mất hứng thú trong các hoạt động thường ngày. Suy giáp cũng ảnh hưởng đến chức năng não bộ, gây ra suy giảm trí nhớ và khó tập trung, đôi khi dẫn đến cảm giác "sương mù não". Nhịp tim chậm là một triệu chứng khác khi thiếu hormone giáp, gây ra cảm giác mệt mỏi, yếu ớt.

Suy giáp và các loại thuốc điều trị suy giáp 2
Tăng cân, da khô, tóc rụng là một trong những triệu chứng của suy giáp

Nếu không được thăm khám và dùng thuốc điều trị suy giáp kịp thời, suy giáp có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Tăng cholesterol, đặc biệt là cholesterol LDL (xấu), là một trong những biến chứng phổ biến, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Việc nhịp tim chậm và tăng cholesterol có thể góp phần vào sự phát triển của các vấn đề tim mạch như xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. 

Trong trường hợp nghiêm trọng, suy giáp có thể dẫn đến suy tim, một tình trạng nguy hiểm khi tim không thể bơm máu hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Các loại thuốc điều trị suy giáp phổ biến

Levothyroxine - Liệu pháp thay thế hormone

Levothyroxine là dạng tổng hợp của hormone thyroxine (T4), thường được sử dụng như liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp cho bệnh nhân bị suy giáp. Đây là loại thuốc điều trị suy giáp phổ biến nhất và thường được xem là phương pháp điều trị chuẩn cho suy giáp.

Levothyroxine hoạt động bằng cách thay thế hoặc bổ sung lượng hormone T4 mà tuyến giáp không sản xuất đủ. Sau khi uống, levothyroxine được hấp thu vào máu và chuyển hóa thành T3 trong cơ thể, giúp điều chỉnh các quá trình trao đổi chất bị chậm lại do thiếu hụt hormone giáp.

Liều lượng ban đầu của levothyroxine phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, cân nặng, mức độ nghiêm trọng của suy giáp và các tình trạng y tế khác của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi mức hormone giáp trong máu và điều chỉnh liều lượng thuốc để đạt mức độ hormone tối ưu. Levothyroxine nên được uống vào buổi sáng, lúc bụng đói, ít nhất 30 - 60 phút trước bữa ăn để đảm bảo hấp thu tốt nhất. 

Khi sử dụng thuốc điều trị suy giáp này bệnh nhân cần kiểm tra định kỳ mức độ hormone TSH và T4 trong máu để đảm bảo liều lượng thuốc phù hợp.

Suy giáp và các loại thuốc điều trị suy giáp 3
Levothyroxine là loại thuốc điều trị suy giáp phổ biến giúp bổ sung hormone T4

Một số tác dụng phụ của levothyroxine có thể bao gồm: Nhịp tim nhanh hoặc không đều, đổ mồ hôi nhiều, mất ngủ, sụt cân đột ngột và run rẩy. Khi gặp các tác dụng phụ trên bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc kịp thời.

Liothyronine - Cung cấp hormone T3 tuyến giáp

Liothyronine là dạng tổng hợp của hormone triiodothyronine (T3). Thuốc này thường được sử dụng trong các trường hợp mà cơ thể không thể chuyển đổi T4 thành T3 một cách hiệu quả hoặc khi cần bổ sung nhanh chóng mức T3. Thuốc điều trị suy giáp liothyronine cung cấp trực tiếp hormone T3, giúp cơ thể nhanh chóng có được mức độ hormone hoạt động cần thiết để duy trì các chức năng trao đổi chất và năng lượng.

Bác sĩ sẽ xác định liều lượng liothyronine dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Do tác dụng nhanh, mạnh, liều lượng liothyronine thường nhỏ hơn so với levothyroxine và cần được theo dõi sát sao. Liothyronine có thể được uống một hoặc nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Một số tác dụng phụ của liothyronine có thể có bao gồm: Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp, cảm giác lo lắng, đau đầu, tiêu chảy, mất ngủ.

Desiccated Thyroid Extract có nguồn gốc từ động vật

Desiccated thyroid extract là thuốc điều trị suy giáp chiết xuất từ tuyến giáp của động vật, thường là lợn, và chứa cả T4 và T3. Đây là phương pháp điều trị tự nhiên hơn, được sử dụng từ lâu trước cả khi các hormone tuyến giáp tổng hợp như levothyroxine và liothyronine được phát triển. Desiccated thyroid extract cung cấp T4 và T3 theo tỷ lệ tự nhiên. Điều này có thể hữu ích cho những bệnh nhân cần một sự cân bằng tự nhiên của cả hai hormone T3 T4 TSH.

Suy giáp và các loại thuốc điều trị suy giáp 4
Sử dụng thuốc điều trị suy giáp chiết xuất từ động vật cần có sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ

Liều lượng chiết xuất tuyến giáp desiccated thường khó điều chỉnh hơn so với các hormone tổng hợp do sự biến đổi trong thành phần. Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao và điều chỉnh liều lượng dựa trên phản ứng của bệnh nhân và kết quả xét nghiệm máu. 

Thuốc nên được uống vào cùng một thời điểm mỗi ngày, thường vào buổi sáng, để duy trì mức độ hormone ổn định. Tác dụng phụ của desiccated thyroid extract có thể bao gồm: Các triệu chứng của cường giáp như nhịp tim nhanh, lo lắng, mất ngủ, phản ứng dị ứng do thành phần từ động vật.

Có cần phải uống thuốc điều trị suy giáp suốt đời không?

Hầu hết bệnh nhân suy giáp cần phải uống thuốc suốt đời để duy trì mức độ hormone ổn định trong cơ thể. Điều này là do suy giáp thường là một tình trạng mãn tính, và tuyến giáp không thể tự phục hồi để sản xuất đủ hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Việc bổ sung hormone giáp từ thuốc là cần thiết để đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường.

Việc lựa chọn thuốc điều trị suy giáp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh, phản ứng của cơ thể đối với thuốc, và sự tư vấn của bác sĩ. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đồng thời thực hiện kiểm tra định kỳ để đảm bảo liệu pháp điều trị hiệu quả nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin