Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Suy thận giai đoạn cuối: Những việc nên làm để kéo dài tuổi thọ

Ngày 17/10/2024
Kích thước chữ

Suy thận giai đoạn cuối là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khiến chức năng của thận giảm mạnh, chỉ còn lại dưới 15%. Ở giai đoạn này, người bệnh cần kết hợp điều trị tích cực với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để kéo dài sự sống và sức khỏe.

Suy thận giai đoạn cuối ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh, nguy cơ tử vong cũng tăng cao. Để biết người bệnh suy thận giai đoạn cuối nên sinh hoạt, ăn uống như thế nào để kéo dài sự sống, bạn hãy tham khảo ngay bài viết sau từ Nhà thuốc Long Châu.

Nhận biết suy thận giai đoạn cuối

Suy thận là bệnh lý khiến chức năng lọc máu và đào thải độc tố, chất cặn bã của thận suy giảm, trì trệ hơn. Khi tình trạng này kéo dài và không can thiệp điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối – tình trạng thận mất gần như hoàn toàn chức năng và người bệnh phải thay thận hoặc chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.

Suy thận giai đoạn cuối: Những việc nên làm để kéo dài tuổi thọ 1
Suy thận là bệnh lý khiến thận suy giảm chức năng trầm trọng

Vậy làm thế nào nhận biết bệnh suy thận giai đoạn cuối? Dưới đây là một số biểu hiện thường thấy ở người bị suy thận giai đoạn cuối.

  • Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối thường thấy mệt mỏi, yếu đuối và thiếu năng lượng do độc tố, chất cặn bã không được đào thải ra ngoài mà tích tụ trong máu, dẫn đến thiếu máu do thận không còn khả năng sản sinh đủ erythropoietin – hormone kích thích sản sinh hồng cầu.
  • Xuất hiện tình trạng phù nề, nhất là ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân, đôi khi có thể ở mặt và tay hoặc thậm chí toàn thân do thận không thể loại bỏ được lượng nước dư thừa.
  • Người bệnh suy thận giai đoạn cuối thấy khó thở, nhất là khi nằm do sự tích tụ chất lỏng dư thừa trong phổi hoặc tình trạng thiếu máu.
  • Rối loạn tiểu tiện cùng các vấn đề bao gồm tình trạng đi tiểu ít hoặc không đi tiêu được, tiểu ra máu, tiểu đêm nhiều lần.
  • Ngứa ngáy toàn thân gây khó chịu do tích tụ độc tố và chất thải trong máu mà thận không còn khả năng đào thải.
  • Buồn nôn, chán ăn.
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ hoặc khó ngủ là triệu chứng thường thấy ở người bị suy thận giai đoạn cuối.
  • Chuột rút, nhất là vào ban đêm và gây đau cơ.
  • Huyết áp cao ngoài tầm kiểm soát do thận không điều hòa được lượng nước và muối trong cơ thể.
  • Bệnh nhân có thể bị lú lẫn, mất trí nhớ hoặc hôn mê.
  • Đau tức ngực do viêm màng ngoài tim – biến chứng của suy thận giai đoạn cuối.
  • Hơi thở có mùi như amoniac do tích tụ urê trong máu.
Suy thận giai đoạn cuối: Những việc nên làm để kéo dài tuổi thọ 2
Suy thận giai đoạn cuối khiến người bệnh mệt mỏi, huyết áp tăng cao,...

Biến chứng của suy thận giai đoạn cuối

Như bạn đã biết, suy thận giai đoạn cuối là bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh qua hàng loạt biến chứng nặng như:

  • Người bệnh suy thận giai đoạn cuối có thể bị nhiễm trùng da do da khô và ngứa ngáy khó chịu.
  • Nguy cơ nhiễm trùng trong cơ thể tăng cao hơn.
  • Xương người bệnh dần yếu đi.
  • Tổn thương hệ thần kinh.
  • Thay đổi nồng độ đường huyết.
  • Nồng độ chất điện giải thay đổi thất thường.
  • Đau cơ xương khớp, đau nhức cơ thể.

Bên cạnh những biến chứng suy thận giai đoạn cuối nêu trên, bệnh nhân còn có thể gặp một số biến chứng tuy ít phổ biến hơn nhưng vẫn tương đối nghiêm trọng, cụ thể là:

  • Suy gan;
  • Tăng năng tuyến cận giáp;
  • Co giật;
  • Rối loạn xương khớp;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Thiếu máu;
  • Chảy máu dạ dày và đường ruột;
  • Rối loạn chức năng não bộ hoặc mất trí nhớ;
  • Dễ bị gãy xương;
  • Vấn đề tim mạch;
  • Tích tụ chất nhầy trong phổi.
Suy thận giai đoạn cuối: Những việc nên làm để kéo dài tuổi thọ 3
Suy thận không điều trị và kiểm soát tốt có thể gây các bệnh về tim mạch

Người bệnh suy thận giai đoạn cuối nên làm gì để kéo dài sự sống?

Khi một người được chẩn đoán mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, mục đích chính của các phương pháp can thiệp chủ yếu là kéo dài tuổi thọ bệnh nhân, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống chứ không chữa hoàn toàn được căn bệnh này. Dưới đây là một số biện pháp điều trị và hỗ trợ điều trị cho người bị suy thận giai đoạn cuối.

Điều trị y tế theo chỉ định của bác sĩ

Tùy theo trường hợp bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cụ thể mà phương pháp chạy thận, lọc màng bụng hoặc thay thận được áp dụng. Để hỗ trợ biện pháp chữa trị này, người bệnh cần chú ý một số điều như:

  • Quản lý tốt các bệnh lý khác: Nếu mắc những bệnh khác, bệnh nhân cần quản lý tốt tình trạng bệnh để góp phần bảo vệ chức năng thận còn lại và ngăn ngừa những biến chứng không mong muốn.
  • Điều trị tình trạng thiếu máu: Thiếu máu là biến chứng rất phổ biến ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nên người bệnh cần bổ sung thêm erythropoietin hoặc chất sắt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe: Luôn quan sát những dấu hiệu bất thường của cơ thể như khó thở, mệt mỏi, đau ngực, phù nề,… để can thiệp sớm và kịp thời.
  • Xử lý biến chứng: Những biến chứng suy thận giai đoạn cuối như bệnh tim mạch, nhiễm trùng, rối loạn điện giải,… cần được phát hiện và can thiệp điều trị, kiểm soát từ sớm nhằm tránh ảnh hưởng đến chức năng thận.

Chế độ ăn uống phù hợp

Người bị suy thận giai đoạn cuối cần chú ý cắt giảm tối đa lượng muối trong thức ăn hàng ngày nhằm kiểm soát huyết áp, giảm tích nước gây phù nề cho cơ thể. Bên cạnh đó, thận đã yếu cũng không còn khả năng loại bỏ kali và phốt pho khỏi cơ thể nên bạn cần tránh những thức ăn chứa nhiều 2 chất này, điển hình như chuối, cam, sữa, các loại hạt,…

Suy thận giai đoạn cuối: Những việc nên làm để kéo dài tuổi thọ 4
Để duy trì sức khỏe và tăng tuổi thọ, bệnh nhân cần chú ý hơn đề chế độ dinh dưỡng

Duy trì thói quen sống lành mạnh

Những hoạt động thể chất nhẹ nhàng và phù hợp với tình trạng sức khỏe như đi bộ, tập yoga, bơi lội,… rất tốt cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh hoàn toàn việc sử dụng những chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,… vì chúng có thể khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng hơn.

Các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo người bị suy thận giai đoạn cuối cần tham gia các hoạt động xã hội như làm từ thiện, đi du lịch, hoạt động tập thể,… để giảm stress, tăng năng lượng và yêu đời, kéo dài tuổi thọ hơn.

Hy vọng những chia sẻ trên từ Nhà thuốc Long Châu trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng bệnh suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối cần hạn chế tối đa tình trạng stress, suy nghĩ tiêu cực, lo lắng,… thay vào đó nên thực hiện những hoạt động mình thích, dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với gia đình,… để thấy cuộc sống tươi đẹp, tuổi thọ kéo dài hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.