Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Suy thượng thận mạn: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa

Ngày 13/08/2023
Kích thước chữ

Suy thượng thận mạn là tình trạng tuyến thượng thận không còn khả năng sản xuất các hormone quan trọng, cần thiết cho cơ thể vì vậy đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của không ít các bệnh nhân.

Các tuyến thượng thận có chức năng sản xuất ra các hormone quan trọng như cortisol, aldosterone và hormone androgen, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự trao đổi chất, hệ thống miễn dịch, áp lực máu và nhiều chức năng khác của cơ thể. Vậy suy thượng thận mạn là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Suy thượng thận mạn là gì?

Tuyến thượng thận là cặp tuyến nội tiết nhỏ, có hình tam giác, đặt trên đỉnh cả hai thận. Kích thước của tuyến thượng thận tương đương với kích thước của quả óc chó.

Tuyến thượng thận có hình dạng tam giác nằm trên đầu của hai quả thận
Tuyến thượng thận có hình dạng tam giác nằm trên đầu của hai quả thận

Suy thượng thận mạn là tình trạng mất khả năng sản xuất đủ glucocorticoid hoặc mineralocorticoid hoặc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị rơi vào trạng thái khủng hoảng Addison hoặc suy tuyến thượng thận dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tính mạng như tình trạng mất nước nghiêm trọng, giảm natri và không phản ứng tốt với các phương pháp bù nước thông thường.

Các nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm căng thẳng, ngừng sử dụng steroid hoặc giảm liều steroid đột ngột. Nếu không được điều trị, khủng hoảng Addison có thể dẫn đến sốc, co giật, mất ý thức, và thậm chí tử vong.

Nguyên nhân dẫn đến suy thượng thận mạn

Suy thượng thận có 2 loại, đó là suy thượng thận tiên phát và suy thượng thận thứ phát.

Suy thượng thận tiên phát

Tình trạng suy thượng thận tiên phát xuất phát từ một số nguyên nhân dưới đây:

  • Do nguyên nhân tự miễn: Đây là tình trạng suy thượng thận do quá trình tự miễn gây tổn hại cho vỏ thượng thận và một số cơ quan khác trong cơ thể.
  • Lao thượng thận: Thường xuất hiện ở thập kỷ 20-30, thường gặp ở các nước chậm phát triển. Hiện nay, nguyên nhân lao gây ra suy thượng thận trở nên hiếm hơn.
  • Phá huỷ tuyến thượng thận: Việc loại bỏ tuyến thượng thận cả hai bên trong quá trình điều trị bệnh Cushing (hiện nay ít sử dụng phương pháp này).
  • Các nguyên nhân hiếm gặp khác: HIV, nhiễm nấm, giang mai gây tổn thương cho thượng thận, xuất huyết thượng thận, các bệnh thâm nhiễm, xâm lấn tuyến thượng thận: Nhiễm sắt, bệnh sarcoidose, ung thư di căn,...

Suy thượng thận thứ phát

Suy thượng thận thứ phát là tình trạng khi tuyến yên không sản xuất đủ hormone ACTH (adrenocorticotropin), làm cho tuyến thượng thận không tạo ra đủ cortisol. Các nguyên nhân gây ra suy thượng thận thứ phát bao gồm: U tuyến yên, tổn thương tuyến yên, u sọ hầu, viêm tuyến yên lympho, thiếu hụt globulin gắn cortisol có tính chất gia đình, chấn thương sọ, thiếu hụt ACTH đơn độc, nhồi máu não, chảy máu não,…

Tại Việt Nam, một nguyên nhân thường gặp của suy thượng thận mạn là do sử dụng glucocorticoid kéo dài, thường xuất hiện ở các bệnh nhân mắc hen suyễn, viêm khớp dạng thấp,...

Sử dụng glucocorticoid kéo dài là một trong những nguyên nhân gây suy thượng thận mạn
Sử dụng glucocorticoid kéo dài là một trong những nguyên nhân gây suy thượng thận mạn

Các triệu chứng thường gặp

Bệnh thường diễn ra trong một thời gian dài mới biểu hiện các triệu chứng, vì vậy khi phát hiện ra bệnh đã rơi vào tình trạng xấu. Các triệu chứng của suy tuyến thượng thận ở mỗi người có thể khác nhau. Những dấu hiệu này có thể tương tự với các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng thường gặp như:

  • Hạ huyết áp.
  • Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng không khu trú.
  • Biểu hiện mệt mỏi, kiệt sức, sút cân rất hay gặp và thường xuất hiện sớm nhưng dễ bỏ qua do bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
  • Xuất hiện tình trạng sạm ở vùng da hở hay các nếp gấp ở bàn tay, bàn chân, gối, ngón tay,...
  • Các triệu chứng khác như hạ đường huyết, triệu chứng tâm thần kinh, đau khớp, đau cơ,...

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu trên, người bệnh nên đi khám bác sĩ, thông báo một cách chi tiết về triệu chứng và tình trạng sức khỏe để bác sĩ có thể đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp.

Bệnh suy thượng thận mạn có nguy hiểm không?

Bệnh suy thượng thận mạn là một tình trạng nguy hiểm, đặc biệt khi không được điều trị kịp thời. Nếu bệnh không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến cơn suy thượng thận cấp là tình trạng mất cân bằng nước và điện giải, gây nguy cơ đe dọa tính mạng. Điều quan trọng là nhận biết và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Biện pháp phòng ngừa

Nguyên nhân gây suy thượng thận mạn phần lớn xuất phát từ việc tự ý sử dụng corticoid, đặc biệt ở những người mắc các bệnh liên quan đến xương khớp. Để phòng tránh bệnh, chúng ta cần chú ý đến những điều sau đây:

  • Không tự ý sử dụng corticoid, đặc biệt khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Trong trường hợp cần sử dụng corticoid lâu dài, người bệnh cần tuân thủ lịch khám bác sĩ theo định kỳ hoặc tới bác sĩ ngay khi có biểu hiện không bình thường để điều chỉnh liều thuốc và phương pháp điều trị.
  • Đối với những người đã bị suy thượng thận, tình trạng suy thượng thận cấp đe dọa tính mạng là rất nguy hiểm. Do đó, họ phải sử dụng thuốc corticoid suốt đời và luôn mang theo thuốc dự trữ. Trong tình trạng căng thẳng hoặc tình huống đặc biệt, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc vì cơ thể không đáp ứng tốt với corticoid dạng uống trong những thời điểm này.
  • Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, thường xuyên tập thể dục để hỗ trợ nâng cao hệ miễn dịch giúp phòng tránh bệnh.
Cần tuân thủ hướng dẫn của các chuyên gia y tế về việc sử dụng corticoid trong điều trị
Cần tuân thủ hướng dẫn của các chuyên gia y tế về việc sử dụng corticoid trong điều trị

Suy thượng thận mạn là một vấn đề quan trọng về sức khỏe, nhưng hiểu biết và đáp ứng đúng cách có thể giúp kiểm soát tình trạng này và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn hoặc người thân đối mặt với căn bệnh này, hãy tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia y tế để có phương án điều trị tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm