Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tác dụng không mong muốn của glucocorticoid là gì? Những lưu ý khi sử dụng

Ngày 05/11/2024
Kích thước chữ

Glucocorticoid là một loại thuốc mạnh, mang lại hiệu quả điều trị cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để đảm bảo quá trình điều trị đạt hiệu quả và an toàn, người bệnh cần nắm vững những thông tin về glucocorticoid. Cùng tìm hiểu những tác dụng không mong muốn của glucocorticoid qua bài viết dưới đây.

Glucocorticoid là nhóm thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh lý như viêm khớp, hen suyễn, dị ứng, và các rối loạn tự miễn. Tuy nhiên, việc sử dụng glucocorticoid kéo dài hoặc không đúng cách có thể dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu những tác dụng không mong muốn của glucocorticoid qua bài viết dưới đây.

Glucocorticoid là gì?

Glucocorticoid là các loại thuốc mạnh có khả năng chống viêm và hoạt động cùng với hệ miễn dịch để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.

Cơ thể con người có thể tự sản sinh glucocorticoid tự nhiên. Các hormone này có nhiều vai trò, chẳng hạn như kiểm soát cách các tế bào sử dụng đường và chất béo, cũng như kiềm chế phản ứng viêm. Tuy nhiên, đôi khi lượng glucocorticoid tự nhiên không đủ. Đó là lúc các loại thuốc glucocorticoid nhân tạo có thể giúp ích.

Tác dụng không mong muốn của glucocorticoid là gì? Những lưu ý khi sử dụng 1
Glucocorticoid là loại thuốc có tác dụng chống viêm mạnh

Nếu bạn mắc bệnh tự miễn, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng viêm một cách sai lầm, khiến hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh như thể chúng là virus hoặc vi khuẩn.

Glucocorticoid ngăn cơ thể sản xuất quá nhiều các hóa chất liên quan đến viêm nhiễm. Chúng cũng có thể làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch bằng cách thay đổi cách hoạt động của các tế bào bạch cầu.

Tác dụng không mong muốn của glucocorticoid

Việc sử dụng glucocorticoid kéo dài hoặc liều cao có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Sau đây là những ác dụng không mong muốn của glucocorticoid cần lưu ý:

Gây xốp xương

Glucocorticoid có thể dẫn đến tình trạng xốp xương nghiêm trọng, đặc biệt ở người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Thuốc này làm tăng quá trình hủy xương, đồng thời ức chế quá trình tạo xương, khiến mô xương không được tái tạo kịp thời. 

Tác dụng không mong muốn của glucocorticoid là gì? Những lưu ý khi sử dụng 2
Gây xốp xương là một trong các tác dụng không mong muốn của glucocorticoid mà bạn cần lưu ý

Cơ chế gây xốp xương của glucocorticoid còn liên quan đến việc ngăn cản hấp thu canxi ở ruột và tăng thải canxi qua nước tiểu, làm tăng nguy cơ gãy xương ngay cả khi không có chấn thương. Để ngăn ngừa tình trạng xốp xương, các thuốc bổ sung như alendronat (một loại biphosphat) có thể được kê đơn, nhưng bệnh nhân cần lưu ý cách sử dụng để tránh kích ứng thực quản.

Ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận (HPA)

Việc sử dụng glucocorticoid kéo dài, đặc biệt là các loại có tác dụng lâu dài như dexamethason, có thể ức chế hoạt động của trục HPA. Điều này dẫn đến sự giảm sản xuất hormone tuyến thượng thận, gây nguy cơ suy tuyến thượng thận khi ngưng thuốc. Để hạn chế tác động này, bệnh nhân thường sử dụng glucocorticoid một liều duy nhất vào buổi sáng để giảm thiểu ức chế trục HPA so với cách chia liều trong ngày. 

Đối với các liệu trình kéo dài, việc ngừng thuốc cần phải thực hiện theo nguyên tắc giảm liều từ từ để tránh suy thượng thận cấp. 

Tình trạng thừa glucocorticoid và hội chứng Cushing do thuốc

Khi sử dụng glucocorticoid kéo dài, các triệu chứng của hội chứng Cushing có thể xuất hiện do mức hormone cortisol trong máu tăng lên. Các triệu chứng bao gồm mặt tròn, béo phì, rối loạn nội tiết và phù do ứ natri. Khác với Cushing tự phát, trong hội chứng Cushing do thuốc, mức ACTH sẽ giảm do tác dụng của glucocorticoid. Nếu xuất hiện các triệu chứng Cushing, cần ngừng thuốc theo nguyên tắc giảm liều từ từ, không được ngưng đột ngột. Trong trường hợp bệnh tái phát, có thể sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng thay thế.

Loét dạ dày – tá tràng

Glucocorticoid có thể gây loét dạ dày – tá tràng, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi. Nguy cơ loét và thủng dạ dày tăng lên khi dùng thuốc kéo dài hoặc liều cao, thậm chí khi thuốc không được uống qua đường tiêu hóa. Để hạn chế nguy cơ này, bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc trung hòa acid dạ dày nhưng không được uống cùng lúc với glucocorticoid. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng thuốc kháng thụ thể H2 như famotidin hoặc ranitidin để bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Tác dụng không mong muốn của glucocorticoid là gì? Những lưu ý khi sử dụng 3
Glucocorticoid có thể gây viêm loét dạ dày ở người cao tuổi

Chậm lớn ở trẻ em

Glucocorticoid có thể gây chậm lớn ở trẻ em khi sử dụng ở liều cao (trên 45mg/m²/ngày), vì chúng ức chế tiết hormone tăng trưởng và cản trở quá trình tạo xương. Ở tuổi dậy thì, thuốc còn có thể ức chế hoạt động của các hormone sinh dục, làm chậm quá trình phát triển sinh dục. Vì vậy, khi bắt buộc sử dụng glucocorticoid ở trẻ em, nên chọn các chế phẩm tự nhiên như hydrocortison hoặc prednisolon ở liều thấp có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tác dụng phụ khi dùng glucocorticoid tại chỗ

Các chế phẩm chứa glucocorticoid dạng bôi hoặc nhỏ mắt, mũi thường gây ra các tác dụng phụ như teo da, viêm da, mụn trứng cá hoặc nhiễm trùng do nấm và vi khuẩn. Glucocorticoid dạng nhỏ mắt cũng có thể gây đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp, do đó không nên dùng trong các trường hợp nhiễm virus hoặc nấm. 

Tác dụng không mong muốn của glucocorticoid là gì? Những lưu ý khi sử dụng 4
Tác dụng phụ ngoài da của glucocorticoid có thể là viêm da hoặc nhiễm trùng

Biện pháp phòng ngừa tác dụng không mong muốn của glucocorticoid

Để giảm thiểu các tác dụng không mong muốn của glucocorticoid, người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng:

  • Chỉ dùng corticoid khi thực sự cần thiết.
  • Theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm các dấu hiệu tác dụng phụ.
  • Dùng liều lượng vừa đủ theo chỉ định, không tự ý tăng liều.
  • Giảm liều từ từ theo hướng dẫn bác sĩ khi ngừng thuốc.
  • Kiểm tra huyết áp và đường huyết định kỳ.
  • Theo dõi mật độ xương, bổ sung dinh dưỡng để xương chắc khỏe.

Hy vọng bài viết đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về các tác dụng không mong muốn của glucocorticoid. Khi gặp phải những biến chứng này, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin