Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tác dụng phụ của omega-3 không phải ai cũng biết

Ngày 18/07/2023
Kích thước chữ

Không cần bàn cãi về tác dụng của omega-3 với sức khỏe con người. Đây là nguồn dưỡng chất tốt cho não bộ, tim mạch, thị giác. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách hoặc chọn sản phẩm kém chất lượng, người dùng khó tránh khỏi tác dụng phụ ngoài mong muốn. Vậy tác dụng phụ của omega-3 là gì?

Omega-3 là nhóm chất béo không bão hòa rất tốt cho cơ thể. Chúng có trong một số loại cá béo, hạt dinh dưỡng, hải sản, thực vật và viên uống thực phẩm chức năng. Omega-3 rất tốt trong việc củng cố sức khỏe hệ tim mạch, hệ thần kinh và thị lực. Đây là lý do ngày càng nhiều người dùng omega-3 mỗi ngày. Nếu dùng đúng cách và dùng sản phẩm tốt, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích từ nó. Nhưng nếu dùng sai cách và dùng sản phẩm kém chất lượng, có thể bạn sẽ gặp phải những tác dụng phụ của omega-3.

Các cách bổ sung omega-3 cho cơ thể

Omega-3 là một nhóm chất béo rất tốt cho cơ thể con người. Có rất nhiều loại chất béo trong nhóm omega-3 được các nhà khoa học tìm thấy và đặt tên. Nhưng hiện có 3 loại thông dụng và tốt nhất cho sức khỏe gồm: ALA, DHA và EPA.

Dù omega-3 rất quan trọng và cần thiết nhưng bản thân cơ thể con người không thể tự sinh ra và tổng hợp chất béo này. Chúng ta buộc phải bổ sung từ bên ngoài vào cơ thể thông qua hai nguồn chính là thực phẩm và thực phẩm chức năng.

tac-dung-cua-omega-3-1.jpg
Omega-3 được bào chế dạng viên nang mềm dễ uống

Các loại thực phẩm giàu omega-3 mà chúng ta nên ăn hàng ngày như:

  • Các loại cá biển và hải sản: Cá thu, cá hồi, cá mòi, cá trích, dầu gan cá tuyết, cá cơm, trứng cá muối, hàu,...
  • Các loại hạt dinh dưỡng: Hạt óc chó, hạt lanh, hạt chia, hạt bí ngô, đậu nành, đậu phộng, hạt phỉ.
  • Các loại rau củ quả như đậu Hà Lan, súp lơ, quả bơ.
  • Các thực phẩm cung cấp protein phổ biến như trứng gà ta, thịt bò,…

Tuy nhiên, việc hấp thụ omega-3 từ thực phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, cách chế biến, hàm lượng bổ sung cụ thể,... Vì vậy, hiệu quả đạt được không như mong đợi. Có một cách bổ sung omega-3 hiệu quả và tiện lợi hơn, đó là sử dụng các viên uống omega-3 hay còn gọi là viên dầu cá. Những sản phẩm này thường có thành phần chính là ALA, DHA và EPA được chiết xuất từ các loại hạt và dầu cá.

Việc bổ sung omega-3 từ thực phẩm chức năng nhanh chóng và tiện lợi. Nhưng nếu dùng không đúng cách, dùng quá liều hoặc mua phải sản phẩm kém chất lượng, người dùng gặp tác dụng phụ của omega-3 là điều khó tránh.

Tác dụng phụ của omega-3

Dùng quá liều omega-3, dùng omega-3 trong những trường hợp được khuyến cáo không nên sử dụng hoặc dùng sản phẩm hàng nhái kém chất lượng là những nguyên nhân chính dẫn đến tác dụng phụ. Có thể kể đến những tác dụng phụ thường gặp nhất của omega-3 khi không được sử dụng đúng cách như:

Làm tăng đường huyết, tăng nguy cơ tiểu đường

Theo các chuyên gia, nếu dùng quá 3000mg omega-3 mỗi ngày trong thời gian dài có thể kích thích cơ thể tạo đường glucose. Điều này làm tăng đường huyết và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Với bệnh nhân đã và đang mắc bệnh tiểu đường, việc tiêu thụ omega-3 quá mức có thể khiến bệnh tình thêm nặng hơn. Kết quả của một vài nghiên cứu trên bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cho thấy, sử dụng 8g omega-3 mỗi ngày trong vòng 8 tuần có thể làm tăng đường huyết đến 22%.

tac-dung-cua-omega-3-2.jpg
Dùng quá liều omega-3 dễ làm tăng đường huyết

Chảy máu cam, chảy máu chân răng

Thực tế đã ghi nhận đây là một trong những tác dụng phụ của omega-3 gặp ở một số người. Tình trạng này xảy ra khi người dùng uống quá liều dẫn đến dư thừa omega-3 trong cơ thể.

Những ai đang bị chảy máu cam, chảy máu chân răng dùng thêm omega-3 cũng có thể khiến tình trạng này thêm nghiêm trọng. Vì vậy, người đang mang thai, người dùng thuốc chống đông, người chuẩn bị phẫu thuật được khuyến cáo không nên dùng dầu cá hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa

Một trong số những tác dụng phụ dễ gặp nhất khi dùng omega-3 quá liều là tiêu chảy. Khi đó, cơ thể không dung nạp hiệu quả omega-3 dẫn đến việc tự đào thải ra ngoài. Một kinh nghiệm sử dụng dầu cá omega-3 là sử dụng sản phẩm trong hoặc sau bữa ăn. Lý do là chất béo trong bữa ăn là dung môi để cơ thể hấp thụ tối đa omega-3. Nếu tình trạng tiêu chảy không thuyên giảm, bạn nên ngừng sử dụng và đến gặp bác sĩ.

Ngộ độc vitamin A, tổn thương gan

Một số sản phẩm omega-3 được bổ sung vitamin A với hàm lượng khá cao. 14g dầu gan cá có thể cung cấp lượng vitamin A gấp 2,7 lần nhu cầu thực tế của cơ thể/ngày. Nếu sử dụng quá liều omega-3 có thể gây ngộ độc vitamin A. Bạn có thể nhận biết ngộ độc vitamin A qua các dấu hiệu như: Chóng mặt, buồn nôn, đau khớp, dị ứng trên da, đau đầu. Nếu tình trạng này lặp lại trong thời gian dài cho thể gây tổn thương gan.

Trào ngược dạ dày thực quản

Một số trường hợp ghi nhận tình trạng trào ngược dạ dày thực quản như một tác dụng phụ của omega-3. Một số người dùng có cảm giác nóng rát thực quản, ợ hơi, bụng cồn cào, buồn nôn,... sau khi uống omega-3. Nguyên nhân có thể do omega-3 cung cấp lượng lớn chất béo. Để khắc phục, bạn có thể giảm liều lượng tiêu thụ hàng ngày.

tac-dung-cua-omega-3-3.jpg
Lượng lớn chất béo có thể gây ra trào ngược

Đột quỵ do xuất huyết

Như trên đã nói, uống omega-3 quá liều có thể gây chảy máu chân răng, chảy máu cam. Nếu tình trạng chảy máu diễn ra trong não có thể gây đột quỵ. Có nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ tiêu thụ quá nhiều omega-3 có thể làm giảm khả năng đông máu, vỡ các mạch máu suy yếu gây xuất huyết.

Gây mất ngủ

Nếu dùng omega-3 đúng liều lượng có thể làm dịu thần kinh, nâng cao chất lượng giấc ngủ. Nghiên cứu trên trẻ em cho thấy bổ sung 600mg omega-3 mỗi ngày trong 16 tuần có thể giúp bé ngủ ngon hơn. Nhưng cũng có nghiên cứu cho thấy dùng omega-3 quá liều có thể khiến chứng mất ngủ, lo lắng thêm trầm trọng, nhất là với bệnh nhân có tiền sử trầm cảm.

Gây hạ huyết áp

Bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp uống omega-3 đủ lượng, đúng cách là phương pháp để hạ huyết áp tự nhiên. Nhưng bệnh nhân huyết áp thấp nếu dùng dầu cá omega-3 có thể khiến huyết áp bị hạ thấp hơn. Huyết áp thấp làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, chức năng thận suy giảm, rung nhĩ,...

Liều lượng dùng omega-3 phù hợp với từng độ tuổi

Để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ của omega-3, mỗi người dùng đều nên tham khảo liều lượng phù hợp với từng lứa tuổi như:

  • Người trong độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi nên bổ sung từ 900mg/ngày.
  • Người trong độ tuổi từ 9 đến 13 tuổi nên bổ sung từ 1.000mg/ngày với bé gái và 1200mg/ngày với bé trai.
  • Người trong độ tuổi từ 14 - 18 tuổi nên bổ sung 1100mg/ngày với bé gái và 1600mg/ngày với bé trai.
  • Phụ nữ trên 18 tuổi nên bổ sung 1100mg/ngày với nữ giới và 1600mg/ngày với nam giới.
  • Phụ nữ mang thai nên bổ sung 1400 mg/ngày.
  • Phụ nữ cho con bú cần bổ sung 1300mg/ngày.
  • Người trung niên, người già có sức khỏe bình thường nên bổ sung 1100mg/ngày.
  • Người bị bệnh tim mạch nên bổ sung ít nhất 1000mg/ngày.
  • Bệnh nhân bị tiểu đường, huyết áp cao nên bổ sung khoảng 2000mg/ngày.
tac-dung-cua-omega-3-4.jpg
Uống đủ liều để hạn chế tác dụng phụ của omega-3

Dầu cá là nguồn bổ sung axit béo omega-3 rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên việc bổ sung omega-3 không đúng cách có thể gây ra các tác dụng phụ, ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng. Để hạn chế tác dụng phụ của omega-3, ngoài uống đủ liều, bạn còn nên mua hàng tại các địa chỉ uy tín. Việc này giúp tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin