La hán quả là dược liệu tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên không thể tùy tiện sử dụng. Nếu dùng không đúng cách có thể gây ra những tác hại không mong muốn. Bài viết này sẽ chia sẻ những lợi ích cũng như tác hại của quả la hán nếu sử dụng không đúng cách để bạn cẩn thận hơn trong khi dùng.
Quả la hán không chỉ là loại quả thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Uống nước quả la hán có thể giải nhiệt cơ thể trong những ngày hè oi bức. Nhưng uống nước quả la hán mỗi ngày có tốt không? Hãy cùng tìm hiểu lợi ích và tác hại của la hán quả dưới đây nhé.
Công dụng của quả la hán là gì?
Quả la hán có công dụng gì mà được dùng làm thức uống phổ biến như vậy? Quả la hán là một nguồn vitamin C, một chất chống oxy hóa quan trọng giúp bảo vệ các tế bào chống lại tác hại của các gốc tự do. Bên cạnh đó, vitamin C còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và chống lại bệnh tật. Vì vậy, uống nước quả la hán hàng ngày có thể giúp cung cấp vitamin C và tăng cường hệ miễn dịch.
Hơn nữa, quả la hán còn chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóa và giảm táo bón. Uống nước la hán quả hàng ngày có thể tạo cảm giác no lâu, hạn chế thèm ăn, kiểm soát cân nặng hiệu quả và hỗ trợ quá trình giảm cân. Đồng thời, chất xơ còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.
Tóm lại, một số lợi ích của việc uống nước quả la hán như:
Cung cấp vitamin C giúp bảo vệ tế bào chống lại tác hại của các gốc tự do và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin C có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, chống lại bệnh tật và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Quả la hán chứa chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa và giảm táo bón.
Tốt cho da: Các chất chống oxy hóa trong quả la hán có thể làm chậm quá trình lão hóa và duy trì làn da khỏe mạnh.
Hỗ trợ giảm cân: Quả la hán rất giàu nước và chất xơ, giúp bạn no lâu hơn, giảm thèm ăn từ đó giảm cân nặng.
Có thể thấy, uống nước quả la hán mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát cân nặng. Hoạt động như một loại thực phẩm chức năng, phù hợp cho những người nóng trong. Đối với người bình thường còn có thể dùng làm thức uống giải nhiệt trong những ngày nắng nóng.
Tác hại của la hán quả là gì?
Trên thực tế, quả la hán không độc và hoàn toàn lành tính. Tuy nhiên, có dược tính riêng nên không thể sử dụng tùy tiện mà phải uống theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một số trường hợp sử dụng quả la hán sẽ gây hại cho cơ thể.
Những người huyết áp thấp, hạ đường huyết, tay chân lạnh, chóng mặt, lạnh bụng,... không nên dùng quả la hán.
Không uống liên tục trong thời gian dài vì sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Không nên uống quá đậm vì vị ngọt sẽ hại tỳ vị. Uống với liều lượng vừa phải trong thời gian ngắn giúp hỗ trợ chức năng tiêu hóa.
Không uống nước la hán đã để qua đêm.
Người bị tiểu đêm, mộng tinh,... không nên uống nước la hán vì sẽ làm bệnh nặng thêm, ngoài ra còn làm tổn thương tỳ vị, dạ dày.
Người bị viêm họng mãn tính, cần chú ý liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, không nên uống nhiều, vì vị ngọt và tính chất của quả la hán có thể làm bệnh trầm trọng hơn nếu uống quá nhiều. Đặc biệt với chứng viêm họng nhẹ chỉ cần dùng 1/10 quả la hán rồi nấu với 2 chén nước, chia ra uống trong ngày.
Tóm lại, tuỳ từng nhóm đối tượng khác nhau, thể trạng khác nhau thì liều lượng dùng của quả la hán khác nhau và những trường hợp đặc biệt thì nên dùng với liều lượng đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ.
Uống nước la hán quả hàng ngày có tốt không?
Có thể dùng quả la hán nấu nước uống với liều lượng đúng (mỗi lần dùng nửa quả nấu với 1 lít nước). Tuy nhiên, bạn không thể uống liên tục mỗi ngày vì sẽ gây tác dụng phụ. Bản chất của la hán là một vị thuốc. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc nên uống bao nhiêu lần một tuần (thường là 2 - 3 lần một tuần đối với người bình thường).
Đối tượng nào có thể dùng la hán quả?
Một số nhóm đối tượng dưới đây có thể sử dụng la hán quả:
Người hay hút thuốc lá, uống rượu bia,... nên dùng quả la hán để bảo vệ gan.
Những người thường xuyên sử dụng giọng nói nên dùng quả la hán để bảo vệ cổ họng, giảm khàn tiếng.
Những người nóng trong, khả năng giải độc cơ thể kém,… nên dùng quả la hán để giúp thanh lọc, giải nhiệt cơ thể.
Những người làm việc trong nhà, văn phòng, ít tiếp xúc với không khí bên ngoài,… cũng nên dùng quả la hán để hỗ trợ phổi.
Người luyện tập thể thao nhiều, dễ mất nước,… nên uống quả la hán để giảm khát nước.
Cách nấu quả la hán như thế nào?
Quả la hán chứa ít calo và có vị ngọt tự nhiên nên được dùng làm chất tạo ngọt trong đồ uống và thực phẩm. Dưới đây là một số cách nấu quả la hán:
Nước quả la hán: Chuẩn bị 1 - 2 quả la hán, rửa sạch, loại bỏ lớp lông bên ngoài, giã nát hoặc cắt làm đôi, làm bốn. Nên dùng 1 - 1.5 lít nước cho 1 quả la hán, pha như trà hoặc nấu lấy nước uống ngày 1 - 2 lần. Rất tốt cho người viêm họng hay mất tiếng, cảm lạnh, táo bón.
Quả la hán có thể pha với hoa cúc hoặc táo đỏ.
Canh la hán: Chuẩn bị 50g quả la hán, 100g thịt heo nạc. La hán cắt thành từng lát mỏng cho vào nồi, đổ nước đun sôi, cho thịt nạc vào nấu thành canh, nêm nếm gia vị cho vừa miệng, dùng canh la hán ăn với cơm giúp hỗ trợ điều trị bệnh ho lao rất tốt.
Bài viết trên đây đã giúp bạn biết lợi ích cũng như tác hại của la hán quả nếu sử dụng tuỳ tiện, không có liều lượng phù hợp. Nếu bạn đang điều trị bệnh muốn sử dụng nước la hán cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.