Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tất tần tật những điều bạn cần biết về tình trạng đau khớp dưới mắt cá chân

Ngày 11/04/2022
Kích thước chữ

Đau khớp dưới mắt cá chân là tình trạng như thế nào? Triệu chứng và cách khắc phục ra sao? Chúng ta cùng phân tích và tìm hiểu qua bài viết sau.

Những cơn đau khớp dưới mắt cá chân gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoạt động và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về xương khớp mà các bạn không nên chủ quan. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này hiệu quả thông qua nội dung bài viết dưới đây. 

Đau khớp dưới mắt cá chân nguyên nhân do đâu? 

Theo các chuyên gia y tế nhận định đau khớp dưới mắt cá chân có thể do nhiều nguyên nhân như: 

  • Thoái hóa khớp cổ chân: Khi càng lớn tuổi các chức năng xương khớp ngày càng yếu nên dễ mắc các bệnh liên quan, nhất là bệnh thoái hóa khớp cổ chân. Căn bệnh này nếu kéo dài có thể làm cho gót chân hoặc mắt cá chân bị sưng viêm.
  • Bong gân: Các dây chằng ở vùng mắt cá chân khi bị kéo dãn quá mức sẽ gây ra tình trạng bong gân mắt cá chân. Đây là tình trạng không khó điều trị. Tuy nhiên, nếu không kịp thời khắc phục thì nó sẽ dẫn tới viêm khớp, sưng khớp mắt cá chân.
  • Bàn chân bẹt: Bàn chân bẹt là một tật bẩm sinh. Bệnh gây ra biến chứng là viêm khớp mắt cá chân. Tình trạng này còn gây ra những cơn đau khác trên cơ thể.
  • Thừa cân béo phì: Trọng lượng cơ thể nặng nề sẽ gây áp lực lên vùng xương ở chân, trong đó có mắt cá chân. Những khớp xương bị quá tải gây ra tình trạng đau nhức, nặng hơn là gây viêm khớp.
  • Bệnh Gout: Bệnh Gout là bệnh lý mà axit uric vùng mắt cá chân bị tồn động, không chuyển hóa hay đào thải ra ngoài. Lâu ngày làm cho miễn dịch ở khớp mắt cá bị suy yếu, gây ra tình trạng viêm. 
Tất tần tật những điều bạn cần biết về tình trạng đau khớp dưới mắt cá chân 1 Người lớn tuổi là một trong những đối tượng thường mắc phải những cơn đau khớp dưới mắt cá chân.

Triệu chứng đau khớp dưới mắt cá chân như thế nào?

Đau khớp dưới mắt cá chân có triệu chứng khá dễ nhận biết cụ thể đó là: 

  • Cảm giác đau ở vùng mắt cá chân, đau nhẹ lúc đầu, khi không có phương pháp khắc phục cơn đau sẽ càng nặng hơn. Cơn đau lan sang bàn chân, gót chân, cổ chân và cả bàn chân.
  • Vùng mắt cá chân chuyển màu đỏ, nóng rát và có thể bị sưng to.
  • Buổi sáng khi thức dậy hoặc khi ngồi lâu không vận động khớp sẽ bị đơ cứng, phải sau một hồi xoa bóp thì khớp mới hoạt động lại bình thường. 
  • Cơn đau nặng khiến người bệnh bị sốt, mệt mỏi và khó chịu.
Tất tần tật những điều bạn cần biết về tình trạng đau khớp dưới mắt cá chân 2 Người bệnh đau khớp dưới mắt cá chân sẽ nhận thấy vùng mắt cá chân bị sưng đỏ, nóng rát, khớp bị đơ cứng khó vận động.

Đây là các triệu chứng phổ biến thường gặp. Trong một số trường hợp người bệnh sẽ không có những dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Sau một thời gian, họ mới nhận ra những cơn đau khớp. Do đó, các bạn cần chú ý sức khỏe và thăm khám ngay khi nhận thấy những triệu chứng bất thường.

Đau khớp dưới mắt cá chân có nguy hiểm không? 

Người bệnh không nên xem thường tình trạng đau khớp mắt cá chân. Nếu không tìm hiểu đúng nguyên nhân và cách khắc phục kịp thời, thì có thể gây ra những ảnh hưởng cho sức khỏe. 

Chức năng vận động bị hạn chế

Đau khớp mắt cá chân sẽ khiến các vận động bị ảnh hưởng. Khả năng đi đứng, chạy nhảy bị hạn chế, khi hoạt động các khớp sẽ đau nhiều hơn. Nguy hiểm hơn nếu không điều trị thì các cơn đau càng nặng hơn dẫn tới mất hoàn toàn khả năng vận động.

Mệt mỏi khó chịu

Những cơn đau khớp còn ảnh hưởng tới tinh thần của người bệnh. Khớp mắt cá chân đau khiến người bệnh ăn không ngon, ngủ không yên. Đồng thời, người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng, buồn rầu làm ảnh hưởng tới tâm trạng và tinh thần. Khiến họ cảm thấy căng thẳng, stress, trầm cảm,...

Biến dạng khớp

Đau khớp dưới mắt cá chân còn dẫn tới biến dạng khớp. Ở giai đoạn này người bệnh hầu như không thể di chuyển. Nếu biến dạng khớp mắt cá chân sẽ làm chân bị teo, bại liệt. Để giảm thiểu những nguy hiểm đáng sợ của tình trạng đau khớp dưới mắt cá chân gây ra thì các bạn cần chủ động thăm khám và điều trị sớm. Không nên chủ quan khiến những cơn đau kéo dài. 

Tất tần tật những điều bạn cần biết về tình trạng đau khớp dưới mắt cá chân 3 Đau khớp dưới mắt cá chân nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới mất khả năng vận động.

Cách khắc phục tình trạng đau khớp dưới mắt cá chân

Việc khắc phục tình trạng đau khớp mắt cá chân sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, có những cách khắc phục cơn đau khớp bằng nguyên liệu tự nhiên dễ kiếm và chi phí thấp nhưng vẫn mang lại hiệu quả và an toàn cho người bệnh.

Cây lược vàng trị đau khớp dưới mắt cá chân

Lược vàng là thảo dược có tác dụng trong việc chữa nhiều bệnh trong đó có bệnh đau khớp. Cây lược vàng có khả năng chống viêm, giảm đau hiệu quả. 

Cách dùng

Rượu lược vàng: Dùng thân cây hoặc lá khô rửa sạch cắt nhỏ. Sau đó ngâm với rượu trong bình thủy tinh khoảng một tháng. Nên uống mỗi ngày một muỗng canh, uống trước hoặc sau khi ăn 30 phút. Nên dùng một ngày từ 1 - 2 lần rượu lược vàng để cho hiệu quả tốt nhất.

Bôi ngoài: Cây lược vàng cắt nhỏ sau đó nghiền mát, cho thêm Vaseline vào trộn đều. Ủ hỗn hợp khoảng một tuần trong môi trường thông thoáng để dùng môi vào chỗ khớp chân đau. 

Ngải cứu chữa viêm khớp

Sử dụng ngải cứu để chữa viêm khớp đã được áp dụng khá nhiều. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu trong loại cây này có công dụng giảm đau, tiêu viêm khá hiệu quả.

Cách thực hiện

  • Bước 1: Ngải cứu rửa sạch để ráo rồi giã nhuyễn.
  • Bước 2: Cho giấm táo vào trộn, không dùng nhiều giấm táo tránh hỗn hợp quá loãng. 
  • Bước 3: Nấu hỗn hợp trên lửa nhỏ cho ấm lên. 
  • Bước 4: Sau đó, dùng túi vải chứa hỗn hợp trên và bắt đầu xoa nhẹ lên vùng khớp mắt cá chân bị đau. 

Trên đây là những thông tin chia sẻ nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục đau khớp dưới mắt cá chân từ các nguyên dược liệu tự nhiên. Thế nhưng, các biện pháp trên chỉ mang tính giảm đau tạm thời. Muốn điều trị dứt điểm tình trạng này, các bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ đưa ra lời khuyên và có phác đồ điều trị phù hợp.

Bảo Vân

Nguồn tham khảo: Tổng Hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Đau khớp