1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu?

Thanh Hương

21/07/2025
Kích thước chữ

Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể lây lan nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời. Vậy thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu?

Viêm màng não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm, có thể tiến triển nhanh và đe dọa tính mạng người bệnh chỉ trong vài giờ. Không phải ai cũng biết rằng, vi khuẩn dễ lây lan khi đã cư trú ở họng, đặc biệt trong khoảng vài ngày trước khi khởi phát triệu chứng cho đến 24 giờ sau khi khởi phát và chưa dùng kháng sinh.

Việc hiểu rõ thời gian ủ bệnh sẽ giúp cách ly kịp thời, phòng ngừa lây nhiễm và chủ động trong thăm khám, điều trị bệnh. Vậy thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh của viêm màng não mô cầu thường kéo dài từ 2 đến 10 ngày, trung bình 3 - 4 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, có khi từ 1 đến 10 ngày, hiếm khi kéo dài hơn. Đây là giai đoạn mà vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu (Neisseria meningitidis) đã xâm nhập vào cơ thể, nhưng người mang mầm bệnh chưa có biểu hiện triệu chứng rõ rệt.

Trong thời gian này, người nhiễm thường không có triệu chứng rõ rệt và có thể vô tình trở thành người mang mầm bệnh không triệu chứng. Việc lây nhiễm thường xảy ra gần thời điểm khởi phát triệu chứng, từ 7 ngày trước đến 24 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh hiệu quả.

Việc hiểu rõ thời gian ủ bệnh giúp phát hiện và xử lý sớm các trường hợp có nguy cơ cao sau phơi nhiễm. Việc này đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, cách ly và bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu 1
Nhiều người muốn biết thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu?

Yếu tố ảnh hưởng đến thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu không cố định ở mọi trường hợp mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:

  • Tải lượng vi khuẩn khi phơi nhiễm: Tiếp xúc với lượng lớn vi khuẩn Neisseria meningitidis có thể rút ngắn thời gian ủ bệnh do vi khuẩn xâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng vượt qua hàng rào miễn dịch.
  • Tình trạng miễn dịch của người tiếp xúc: Người có hệ miễn dịch suy giảm (trẻ nhỏ, người già, người dùng corticoid, người sau ghép tạng…) dễ bị bệnh sớm và nặng hơn. Ngược lại, người đã từng mang vi khuẩn mô cầu ở họng hoặc đã tiêm vaccine có thể không phát bệnh dù có phơi nhiễm.
  • Tuýp huyết thanh của vi khuẩn mô cầu: Một số tuýp huyết thanh như B, C, Y có khả năng xâm lấn cao hơn, liên quan đến bệnh cảnh nặng và thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các tuýp ít gây bệnh.
  • Môi trường sống và mức độ phơi nhiễm: Những nơi đông người, ẩm thấp, ít thông khí (ký túc xá, trại lính, nhà trẻ,...) làm tăng nguy cơ phơi nhiễm và rút ngắn thời gian ủ bệnh do lây lan nhanh và liên tục.
  • Yếu tố cơ địa và di truyền: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của từng người đối với vi khuẩn mô cầu, từ đó ảnh hưởng đến nguy cơ khởi phát và thời gian ủ bệnh.
Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu 2
Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Dấu hiệu cần chú ý trong thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu?

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu đến đây bạn đã biết. Ngay khi triệu chứng bất thường đầu tiên xuất hiện, bệnh có thể tiến triển cực kỳ nhanh. Chỉ trong vòng vài giờ, người bệnh đã có thể rơi vào trạng thái sốc nhiễm trùng, rối loạn đông máu hoặc suy đa cơ quan. Do đó, việc theo dõi sát sao trong giai đoạn ủ bệnh sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu khởi phát và điều trị kịp thời.

Sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, người nhiễm viêm màng não mô cầu thường bắt đầu có triệu chứng trong vòng từ 2 đến 10 ngày, trung bình là khoảng 3 đến 4 ngày. Những triệu chứng cảnh báo bao gồm:

  • Sốt nhẹ hoặc sốt dai dẳng, không rõ nguyên nhân;
  • Mệt mỏi, đau cơ, đau đầu nhẹ, có thể nhầm lẫn với cảm cúm thông thường;
  • Khó chịu, buồn nôn nhẹ, đặc biệt ở trẻ nhỏ;
  • Viêm long hô hấp nhẹ (ho, sổ mũi) do vi khuẩn mô cầu cư trú tại họng trước khi xâm nhập vào máu;
  • Các triệu chứng thay đổi hành vi, như lơ mơ, kém linh hoạt hoặc ngủ nhiều bất thường.

Mặc dù đây không phải là các triệu chứng đặc hiệu của bệnh viêm màng não mô cầu, nhưng nếu xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi có phơi nhiễm, người tiếp xúc cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được đánh giá và theo dõi sát sao.

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu 3
Theo dõi kỹ các dấu hiệu bất thường sau khi phơi nhiễm

Cần làm gì trong thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu?

Khi đã biết thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu, người có phơi nhiễm cần làm ngay những việc sau:

Uống kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ

Sau khi tiếp xúc với người mắc viêm màng não mô cầu, người có nguy cơ cao nên uống kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn chuyên môn. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm Rifampin, Ciprofloxacin hoặc tiêm một liều duy nhất Ceftriaxone. Việc dùng thuốc nên được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 - 48 giờ kể từ khi xác định có phơi nhiễm.

Theo dõi sát triệu chứng trong 10 ngày

Người tiếp xúc cần được theo dõi chặt chẽ trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm phơi nhiễm. Cần cảnh giác với các dấu hiệu sớm của viêm màng não mô cầu như đã nhắc đến ở trên. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức, không được tự điều trị tại nhà.

Hạn chế tiếp xúc với người khác

Trong thời gian theo dõi, người có nguy cơ nên đeo khẩu trang và hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người có hệ miễn dịch suy giảm. Đồng thời, họ cũng không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, ly uống nước, bàn chải… để tránh nguy cơ lây lan cho người khác.

Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ

Thực hiện vệ sinh cá nhân đúng cách là biện pháp hỗ trợ quan trọng trong phòng bệnh. Người có phơi nhiễm cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn và duy trì môi trường sống sạch sẽ bằng cách lau chùi các bề mặt tiếp xúc chung như tay nắm cửa, bàn ghế, vật dụng sinh hoạt.

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu 4
Cần chủ động theo dõi sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm viêm màng não mô cầu

Tiêm phòng nếu chưa tiêm

Người thuộc nhóm nguy cơ chưa được tiêm vắc xin viêm màng não mô cầu, nên chủ động đến cơ sở y tế để được tiêm ngừa. Việc tiêm vắc xin phòng các tuýp huyết thanh phổ biến như A, C, W, Y hoặc B sẽ giúp tăng cường miễn dịch, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng nếu có phơi nhiễm.

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là bao lâu? Thời gian ủ bệnh của căn bệnh này thường kéo dài từ 2 đến 10 ngày, trung bình là khoảng 3 - 4 ngày. Chính vì vậy, khi có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc xuất hiện các triệu chứng bệnh viêm màng não mô cầu, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn và thăm khám.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin