Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet Planetary Health đã cho thấy, thời tiết nóng bức có thể khiến bệnh thận mãn tính trở nên trầm trọng hơn. Đây được xem là nghiên cứu toàn cầu đầu tiên cho thấy mối quan hệ giữa nhiệt độ với bệnh thận mãn tính.
Một nghiên cứu mới từ các nhà nghiên cứu tại UCL và Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn (LSHTM) cho thấy những bệnh nhân mắc bệnh suy thận mãn (mạn) tính sống ở những quốc gia có khí hậu nóng nhất bị giảm thêm 8% chức năng thận mỗi năm so với những người sống ở vùng khí hậu ôn đới.
Công bố mới trên The Lancet Planetary Health đưa ra một phân tích trung hạn, toàn cầu đầu tiên về mối tương quan giữa bệnh thận mãn tính và nhiệt độ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, khí hậu nắng nóng có tác động tiêu cực đến sức khỏe của bệnh nhân thận về mặt lâm sàng, bất kể quốc gia đó có thu nhập cao hay thấp và các biến số sức khỏe khác như bệnh tiểu đường.
Bệnh thận mãn tính (CKD) xảy ra khi chức năng thận bị suy giảm kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người trên toàn cầu. Bệnh thường diễn tiến chậm với các triệu chứng không rõ ràng nên rất khó phát hiện, bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu. Khi chức năng thận giảm, bệnh nhân cần các phương pháp điều trị thay thế như lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Mặc dù chi phí điều trị bệnh suy thận mãn tương đối thấp, nhưng chi phí cho các phương pháp thay thế như lọc máu hoặc ghép thận lại rất đắt đỏ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chỉ riêng bệnh suy thận đã chiếm khoảng 3% ngân sách của NHS, với chi phí chạy thận mỗi người là 30 - 40.000 bảng Anh mỗi năm. Hiện tại, có khoảng 70.000 người được điều trị thay thế thận ở Anh, trong đó khoảng 45% được lọc máu và 55% được ghép thận. Tuy nhiên, liệu pháp điều trị này thường không phổ biến ở các nước kém phát triển nên những khu vực này thường có nguy cơ tử vong khá cao.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu tại UCL và LSHTM đã so sánh dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về bệnh thận mãn tính do AstraZeneca cung cấp với dữ liệu chỉ số nhiệt để đánh giá xem mức độ tiếp xúc với nhiệt cao có tương ứng với những thay đổi về chức năng thận ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn hay không. Điều này bao gồm 4.017 cá nhân ở 21 quốc gia, đại diện cho nhiều loại khí hậu cũng như sự kết hợp giữa các quốc gia có thu nhập trung bình và cao.
Phân tích cho thấy những bệnh nhân sống ở vùng khí hậu rất nóng có tỷ lệ bị suy giảm chức năng thận nhanh hơn khoảng 8% mỗi năm so với những người sống ở vùng khí hậu ôn đới. Không có sự khác biệt về mối liên quan giữa nhiệt độ và chức năng thận theo thu nhập quốc dân hoặc các yếu tố khác như thừa cân, huyết áp cao hay bệnh tiểu đường.
Vì nghiên cứu chỉ đánh giá trên những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn nên kết quả không cung cấp góc nhìn chi tiết về mối quan hệ giữa nhiệt độ và chức năng thận ở những người có chức năng thận bình thường.
Theo Giáo sư Dorothea Nitsch - một trong các tác giả chính của nghiên cứu từ Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh Luân Đôn đã cho biết: "Dù các quốc gia tham gia nghiên cứu của chúng tôi có đặc điểm kinh tế khác nhau, từ các quốc gia giàu có như Mỹ và Nhật Bản đến trung bình như Việt Nam, nhưng kết quả nghiên cứu không được giải thích bằng chỉ số GDP. Việc cải thiện điều kiện môi trường như điều hòa không khí và cung cấp nước sạch có thể giúp giảm bớt tác động của nhiệt độ, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng cho bệnh nhân có điều kiện tiếp cận những biện pháp này".
Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang được xem là mối đe dọa nặng nề đối với con người và hành tinh chúng ta. Nhiệt độ trung bình của bề mặt đất hiện nay đã tăng hơn 1.1oC so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp. Các nhà khoa học cảnh báo rằng chúng ta cần giữ cho mức tăng nhiệt độ này dưới 1.5oC để bảo vệ khí hậu có thể sống được và tránh những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, dự đoán hiện tại về việc giảm lượng khí thải carbon chỉ cho thấy mức tăng nhiệt độ có thể lên đến 3oC vào năm 2100.
Theo Giáo sư David Wheeler - tác giả cấp cao của nghiên cứu từ Khoa Y UCL cho biết: "Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính ở các quốc gia có khí hậu nóng có nguy cơ cao phải thực hiện việc chạy thận nhân tạo hoặc cần phải thực hiện ghép thận. Cả hai phương pháp này đều có thể cứu mạng sống của người bệnh, nhưng cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và chi phí điều trị cũng rất đắt đỏ nếu phải dùng phương pháp này".
"Thật không may, một số quốc gia nóng nhất cũng là những nơi không có liệu pháp thay thế thận, đây là mối lo ngại lớn đối với các cá nhân và hệ thống y tế công cộng". Thử nghiệm DAPA-CKD được tài trợ bởi AstraZeneca.
Trên đây là bài viết tổng quan một số thông tin về tác động của thời tiết nắng nóng có thể làm bệnh suy thận mãn tính trầm trọng hơn. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn nhé!
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.