Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thông tin từ A - Z về bệnh thiếu máu hồng cầu to

Ngày 24/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thiếu máu hồng cầu to là bệnh rất hay gặp ở người Việt hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này và tuyệt đối không thể chủ quan bởi nếu không điều trị dứt điểm, chất lượng sống sẽ bị giảm sút rõ rệt.

Thiếu máu hồng cầu to thoạt nghe có vẻ xa lạ nhưng không, đây là căn bệnh mà bất kỳ người nào cũng có thể mắc phải. Đa phần bệnh xảy ra do chế độ dinh dưỡng của cơ thể không được đảm bảo. Vậy bệnh có nguy hiểm không và làm sao để phòng bệnh hiệu quả là thắc mắc được nhiều người đặt ra. 

Hiểu đúng về bệnh thiếu máu hồng cầu to

Các tế bào hồng lớn bất thường chính là tác nhân gây ra bệnh thiếu máu này. Người mắc bệnh này thường có lượng huyết sắc tố hemoglobin thấp. Các chuyên gia đã nhận định rằng thiếu máu do hồng cầu to bất thường không là bệnh trạng đơn lẻ, đây là triệu chứng của một số tình trạng y tế và các vấn đề dinh dưỡng. 

Thông tin từ A - Z về bệnh thiếu máu hồng cầu to 1
Thiếu máu hồng cầu to là tình trạng các tế bào hồng cầu lớn bất thường

Vậy nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu to là gì?

  • Thiếu Vitamin B12: Vitamin B12 có nhiều trong các sản phẩm động vật, vậy nên những ai theo trường phái ăn chay rất có nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó có một số trường hợp cơ thể khó hấp thu loại Vitamin này do rối loạn tự miễn dịch hay đang bị ung thư, viêm ruột cũng là đối tượng nguy cơ bị bệnh thiếu máu.
  • Thiếu Vitamin B9Thiếu Vitamin B9 thường gặp ở các đối tượng như phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Người bình thường có chế độ dinh dưỡng thiếu hụt chất này cũng có thể mắc bệnh. 

Ngoài ra nhóm người mắc bệnh suy giáp, bệnh gan, rối loạn chuyển hoá hay đang phải dùng thuốc điều trị HIV, thuốc ung thư, thuốc ức chế hệ miễn dịch cũng có khả năng thiếu máu bởi hồng cầu to. 

Vậy thiếu máu có nguy hiểm không? Hầu hết các bệnh thiếu máu đều diễn biến âm thầm nên người mắc không dễ dàng nhận ra ở giai đoạn đầu. Chỉ khi bệnh trầm trọng hơn và các triệu chứng bắt đầu rõ ràng thì người mắc mới phát hiện. Vậy nên ngay khi gặp những dấu hiệu bệnh thiếu máu như lú lẫn, hay mệt mỏi và đuối sức, cơ thể xanh xao, chán nản, lưỡi sưng đỏ thì phải đến bệnh viện kiểm tra lập tức. 

Thiếu máu hồng cầu to có nguy hiểm không?

Máu là thành phần vô cùng quan trọng của cơ thể sống. Khi máu không đủ huyết sắc tố sẽ không đủ oxy đưa đến các mô trong cơ thể. Lúc này cơ thể chúng ta có cơ chế điều chỉnh bằng cách tăng nhịp tim hoặc huyết áp, lâu dần tim phải hoạt động quá sức dẫn đến suy tim cùng một loạt vấn đề bất ổn ở hệ tuần hoàn. 

Thông tin từ A - Z về bệnh thiếu máu hồng cầu to 2
Thiếu máu hồng cầu to có thể dẫn đến suy tim

Chưa kể thiếu máu xuất phát từ nguyên do cơ thể thiếu Vitamin B12 có khả năng gây vô sinh. Nếu phụ nữ đang mang thai bị thiếu Vitamin B12 thì trẻ có nguy cơ cao mắc dị tật ống thần kinh. Tương tự với thiếu máu hồng cầu to do chế độ dinh dưỡng hụt chất Vitamin B9 cũng gây bất lợi về sức khỏe sinh sản, tim mạch. 

Vậy làm sao để phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất có thể? Bệnh thiếu máu chỉ được phát hiện chính xác dựa trên các xét nghiệm máu. Lời khuyên khoa học lúc này cho những ai đang lo sợ bản thân bị mắc thiếu máu là thường xuyên kiểm tra sức khoẻ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tầm soát bệnh. 

Khi phát hiện bị thiếu máu, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng vitamin đường tiêm để đảm bảo cơ thể được hấp thu các chất vitamin thiết yếu hiệu quả nhất. Một số trường hợp mắc thiếu máu nặng hơn có thể phải truyền máu, thay đổi thuốc nếu đang điều trị bệnh hay thay đổi lối sống hằng ngày. 

Dinh dưỡng khi mắc thiếu máu hồng cầu to

Như đã đề cập ở trên thì thiếu máu với tế bào hồng cầu to bất thường chủ yếu do chế độ dinh dưỡng không khoa học. Vậy cách phòng bệnh cũng như trị bệnh tốt nhất là ăn uống đủ chất với đa dạng thực phẩm. Người bệnh thiếu máu nên ăn gì? Một số chất rất cần thiết để bổ sung cho người bị thiếu máu có thể kể đến như:

Sắt

Sắt là khoáng chất cực kỳ quan trọng trong cơ thể, chúng sẽ làm gia tăng sự sản xuất các tế bào hồng cầu. Vậy nên hãy tìm hiểu thuốc bổ sung sắt cho người thiếu máu hoặc nạp các thực phẩm như thịt nội tạng như gan, thận, thịt đỏ, lòng đỏ trứng gà, các loại rau xanh đậm, các loại đậu để cơ thể không bị thiếu hụt sắt.

Thông tin từ A - Z về bệnh thiếu máu hồng cầu to 3
Một số thực phẩm giàu sắt, làm tăng sự sản xuất các tế bào hồng cầu

Vitamin B9

Cơ thể thiếu hụt Vitamin B9 là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh thiếu máu hồng cầu to. Để bổ sung chất này, bạn cần có cho mình kế hoạch ăn uống giàu ngũ cốc, bánh mì, rau xanh đậm như rau bina, cải xoăn, đậu lăng, đậu Hà Lan. 

Vitamin B12

Không phải chỉ khi lo sợ mắc bệnh thiếu máu thì mới cần bổ sung vitamin B12. Thực tế nếu thiếu Vitamin B12 thì chúng ta có nguy cơ gặp rất nhiều loại bệnh nguy hiểm khác. Tốt nhất thường xuyên ăn cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa như phomai để đảm bảo loại Vitamin này được cung cấp đủ cho cơ thể. 

Vitamin A

Thông thường Vitamin A được nhiều người nhắc đến với tác dụng bổ mắt nhưng chúng còn là trợ thủ đắc lực để cơ thể sản xuất ra các tế bào hồng cầu. Trong thực đơn ăn uống hằng ngày, muốn cung cấp Vitamin hãy dùng bí đao, rau lá xanh đậm, cà rốt, khoai lang, dưa hấu, bưởi, ớt đỏ. 

Thông tin từ A - Z về bệnh thiếu máu hồng cầu to 4
Vitamin A là trợ thủ đắc lực để cơ thể sản xuất ra các tế bào hồng cầu

Thiếu máu với hồng cầu to sẽ được ngăn chặn hiệu quả khi kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học với các chất đã đề cập trên cùng lối sống khoa học. Bạn nên tăng cường tập thể dục để kích thích cơ thể tăng sản xuất tế bào hồng cầu. Nếu cơ thể bạn đang có mức cân nặng vượt ngưỡng bình thường, hãy cố gắng giảm cân để ngăn sự tích tụ các mảng bám trong động mạch, từ đó không ảnh hưởng xấu đến lưu lượng máu. 

Trên đây là những chia sẻ về bệnh thiếu máu hồng cầu to. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết bạn có thể hiểu hơn về tình trạng bệnh này và có cho mình kế hoạch điều trị bệnh cũng như phòng bệnh khoa học. 

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm