Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thủng màng nhĩ có tự liền lại được không?

Ngày 08/06/2022
Kích thước chữ

Thủng màng nhĩ là tình trạng lớp mô mỏng ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa bị rách hoặc thủng. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho thính giác. 

Vậy tình trạng này có những biến chứng nguy hiểm như thế nào? Liệu thủng màng nhĩ có tự liền được không? Tất cả thắc mắc sẽ được giải đáp thông qua bài viết bên dưới. 

Thủng màng nhĩ là gì?

Màng nhĩ là một lớp mô mỏng có cấu tạo như mô da của cơ thể, tạo nên một vách ngăn giữa ống tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ có màu xám, hình bầu dục, hơi lõm ở giữa và có xu hướng nghiêng ra phía sau tai. 

Màng nhĩ giữ vai trò quan trọng đối với khả năng nghe của con người, nó làm nhiệm vụ cảm nhận các rung động của sóng âm, chuyển đổi thành các xung thần kinh và sau đó truyền tải đến não bộ, giúp con người nghe và nhận biết được các âm thanh. Bên cạnh đó, màng nhĩ còn giúp bảo vệ tai khỏi các tác động của vi khuẩn và vật thể lạ, ngăn nước chảy vào sâu trong tai. 

Khi màng nhĩ xuất hiện một lỗ hổng hoặc có một vết rách, tình trạng này được gọi là thủng màng nhĩ. Khi màng nhĩ bị thủng sẽ dẫn đến nguy cơ mất thính lực, thậm chí là làm cho tai bạn bị nhiễm trùng. 

Nhìn chung, thủng màng nhĩ thường tự lành trong vài tuần mà không cần biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh cần phải vá màng nhĩ hoặc cần một số cuộc phẫu thuật để chữa lành tổn thương này, ngăn ngừa tình trạng mất thính giác. 

Thủng màng nhĩ có tự liền lại được không? 1

Màng nhĩ là một lớp mô mỏng có cấu tạo như mô da của cơ thể

Các dấu hiệu và triệu chứng của thủng màng nhĩ

Khi bị thủng màng nhĩ, người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Đau tai, suy giảm thính lực;
  • Dịch chảy từ tai như chất nhầy, máu, mủ;
  • Mất thính giác;
  • Cảm giác chóng mặt quay cuồng;
  • Ù tai;
  • Buồn nôn.

Nếu bạn đang gặp những triệu chứng, dấu hiệu thủng màng nhĩ thì cần đi khám ngay để tránh các biến chứng sau này. Bởi vì tai giữa và tai trong của bạn được tạo thành từ cấu trúc mỏng manh và rất nhạy cảm với chấn thương, nên có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào liên quan đến tai thì bạn không được chủ quan.

Thủng màng nhĩ có tự liền lại được không? 2

Khi bị thủng màng nhĩ, người bệnh có thể gặp triệu chứng đau tai dữ dội

Nguyên nhân dẫn đến thủng màng nhĩ

Tình trạng thủng màng nhĩ được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả thường là:

  • Nhiễm trùng tai giữa: Tình trạng nhiễm trùng tai giữa thường dẫn đến tích tụ chất lỏng ở tai giữa của bạn. Áp lực từ chất lỏng sẽ khiến màng nhĩ bị thủng. 
  • Chấn thương khí áp: Đây là một tác động lên màng nhĩ khi áp suất trong tai và trong môi trường bị mất cân bằng. Nếu áp lực này quá lớn sẽ khiến màng nhĩ bị thủng. Chấn thương khí áp này thường xảy ra khi di chuyển bằng đường hàng không, một số nguyên nhân khác có thể do lặn với bình dưỡng khí hoặc ảnh hưởng từ cú va đập vào tai.
  • Chấn thương âm thanh: Âm thanh hoặc tiếng nổ lớn như tiếng súng có thể tạo áp lực gây thủng màng nhĩ.
  • dị vật trong tai: Một số vật nhọn có kích cỡ nhỏ như tăm bông, kẹp tăm có thể sẽ làm thủng hoặc rách màng nhĩ. 
  • Chấn thương nặng ở đầu: Do một số chấn thương nghiêm trọng khác như gãy nền sọ có thể gây tổn thương cấu trúc tai giữa và tai trong, bao gồm cả màng nhĩ. 

Các biến chứng gây ra do thủng màng nhĩ

Màng nhĩ có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng nghe của con người. Trong đó có 2 chức năng chính:

  • Thính giác: Khi sóng âm đập vào màng nhĩ, màng nhĩ sẽ bắt đầu rung lên. Đây là lúc tai giữa và tai trong chuyển đổi sóng âm thanh thành các xung thần kinh.
  • Bảo vệ bên trong tai: Màng nhĩ hoạt động như một hàng rào, bảo vệ tai khỏi nước, vi khuẩn.

Chính vì màng nhĩ giữ chức năng khá quan trọng, do đó, khi màng nhĩ bị rách sẽ dẫn đến một số vấn đề khá nghiêm trọng về tai, nhất là khi màng nhĩ không tự lành sau 3-6 tháng. Một số biến chứng có thể xảy ra như:

  • Mất thính lực: Thủng màng nhĩ có nguy cơ gây ra mất thính lực tạm thời và sẽ khỏi khi lỗ thủng trên màng nhĩ được lành lại. 
  • Nhiễm trùng tai giữa: Màng nhĩ bị thủng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn có hại xâm nhập vào bên trong tai. Đối với những trường hợp màng nhĩ bị thủng hoặc không tự lành thì người bệnh rất dễ gặp phải trường hợp nhiễm trùng mãn tính.
  • Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma: Biến chứng này là do hậu quả lâu dài của thủng màng nhĩ. Các mảnh vụn trong tai sẽ di chuyển ra ngoài tai với sự hỗ trợ của ráy tai, tuy nhiên nếu màng nhĩ bị rách, các mảnh vụn da sẽ bị rớt vào trong tai giữa, tạo thành u nang. U nang này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đồng thời còn có thể làm hỏng xương của tai giữa. 

Thủng màng nhĩ có tự liền lại được không? 3

Thủng màng nhĩ có nguy cơ gây ra mất thính lực tạm thời

Thủng màng nhĩ có tự liền được không?

Bị thủng màng nhĩ có tự liền được không là thắc mắc của nhiều người. Trên thực tế, thủng màng nhĩ vẫn có thể tự lành được nếu kích thước và mức độ của lỗ thủng không quá lớn và nghiêm trọng. Thông thường, nếu màng nhĩ bị thủng sẽ tự lành trong khoảng 1 tuần đối với lỗ thủng có mức từ 10-15dB. Tuy nhiên, đối với lỗ thủng trên 20dB thì lớp màng mỏng này sẽ khó lành lại được. Phương pháp duy nhất lúc này là vá màng nhĩ. 

Thủng màng nhĩ là một tình trạng khá nguy hiểm nếu không có biện pháp điều trị và chữa lành tổn thương. Do đó, khi gặp những dấu hiệu liên quan đến thủng màng nhĩ bạn không được chủ quan mà hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên về tai mũi họng để được thăm khám và có phương hướng điều trị thích hợp nhất. Hi vọng các chia sẻ bên trên đã giải đáp chi tiết câu hỏi thủng màng nhĩ có tự liền được không của mọi người. Theo dõi Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật nhanh nhất các bài viết về sức khoẻ.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin