Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thuốc tâm thần phân liệt: Phân loại, tác dụng, tác dụng phụ, lưu ý khi dùng

Ngày 28/11/2024
Kích thước chữ

Thuốc tâm thần phân liệt là chỉ định không thể thiếu trong hỗ trợ điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt. Đây là một loại thuốc tâm thần, cần được kê đơn và chỉ định bởi bác sĩ. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về phân loại, tác dụng, tác dụng phụ và lưu ý khi dùng của thuốc tâm thần phân liệt bạn nhé!

Tâm thần phân liệt là rối loạn tâm thần nặng, tác động đến cách tư duy, cảm nhận và hành động của một người. Thuốc tâm thần phân liệt là một biện pháp không thể thiếu trong điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về loại thuốc này ngay sau đây.

Bệnh tâm thần phân liệt là bệnh gì?

Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần mức độ nặng. Các biểu hiện loạn thần ở người bệnh đều có sự tương đồng là các rối loạn cơ bản và rất đặc trưng như rối loạn tư duy, tri giác, tác phong hành vi bất thường, giảm sút sự biểu đạt tình cảm, cảm xúc.

Bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi từ 18 đến 40. Diễn biến của các triệu chứng loạn thần hoặc qua từng giai đoạn biểu hiện tăng dần hoặc ổn định, hoặc có những giai đoạn hồi phục hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Nhìn chung, các triệu chứng kéo dài và xuất hiện trong suốt quãng đời của người bệnh.

Nếu không được điều trị, người bệnh tâm thần phân liệt dần thu mình, tách biệt với thế giới bên ngoài, cảm xúc cùn mòn, giảm khả năng học tập, lao động, mất dần khả năng kiểm soát ý nghĩ, hành vi, có thể gây tổn thương chính bản thân người bệnh cũng như người xung quanh.

Thuốc tâm thần phân liệt: Phân loại, tác dụng, tác dụng phụ, lưu ý khi dùng 1
Người bệnh tâm thần phân liệt thường có các triệu chứng loạn thần

Thuốc tâm thần phân liệt là thuốc gì?

Thuốc tâm thần phân liệt, hay thuốc chống loạn thần, hoặc thuốc an thần, được bác sĩ tâm thần kê đơn nhằm hỗ trợ điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt.

Các thuốc tâm thần phân liệt hiện nay gồm các nhóm:

  • Nhóm thuốc chống loạn thần cổ điển (điển hình): Chlorpromazine, Levomepromazin, Haloperidol, Thioridazin, Fluphenazin.
  • Nhóm thuốc chống loạn thần không điển hình (thế hệ mới): Amisulpirid, Clozapin, Risperidon, Olanzapin, Quetiapin, Aripiprazol.
  • Đối với người bệnh không thể hay kém tuân thủ điều trị, các bác sĩ thường kê thuốc chống loạn thần ở dạng thuốc tiêm. Thuốc có tốc độ giải phóng chậm, tác dụng trong thời gian dài hơn. Cần kiểm tra đáp ứng của người bệnh với các thuốc nhóm tác dụng nhanh trước khi chỉ định sử dụng các thuốc nhóm tác dụng kéo dài tương ứng. Các loại thuốc thường được sử dụng như: Flupentixol decanoat, Aripiprazol, Haldol decanoat, Fluphenazin decanoat.
Thuốc tâm thần phân liệt: Phân loại, tác dụng, tác dụng phụ, lưu ý khi dùng 2
Thuốc tâm thần phân liệt gồm nhiều nhóm khác nhau

Tác dụng của các thuốc tâm thần phân liệt

Việc điều trị tâm thần phân liệt chủ yếu là điều trị triệu chứng, trong đó hóa dược liệu pháp hay các thuốc tâm thần phân liệt đóng vai trò quan trọng.

Thuốc tâm thần phân liệt không có tác dụng điều trị khỏi bệnh tâm thần phân liệt mà thuốc giúp làm giảm sự xuất hiện các triệu chứng loạn thần như:

  • Hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác kéo dài;
  • Hoang tưởng bị đe dọa, dẫn đến cảm xúc lo lắng và hành vi kích động nghiêm trọng;
  • Tư duy gián đoạn, suy nghĩ lộn xộn, lời nói, ngôn ngữ bịa đặt;
  • Lú lẫn;
  • Hành vi bạo lực hoặc gây rối.

Thuốc tâm thần phân liệt không có tác dụng loại bỏ triệt để các triệu chứng trên. Thuốc giúp người bệnh kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của bản thân, giúp người bệnh có một cuộc sống ổn định hơn. Sử dụng thuốc đúng chỉ định cũng giúp giảm nguy cơ tái phát các biểu hiện loạn thần.

Tác dụng của thuốc tâm thần phân liệt đối với từng người bệnh cụ thể sẽ có sự khác biệt. Một số người bệnh thấy ngủ ngon hơn, bớt lo lắng, giảm bớt ảo giác và các suy nghĩ hỗn loạn, còn một số người bệnh lại thấy thuốc không có tác dụng. Do đó, bác sĩ điều trị có thể điều chỉnh liều thuốc tâm thần phân liệt cao hoặc thấp hơn dựa trên sự đáp ứng của bệnh nhân và tình trạng bệnh.

Thuốc tâm thần phân liệt: Phân loại, tác dụng, tác dụng phụ, lưu ý khi dùng 3
Thuốc tâm thần phân liệt giúp làm giảm sự xuất hiện của các triệu chứng loạn thần

Cơ chế tác dụng của thuốc tâm thần phân liệt

Nguyên nhân gây ra tâm thần phân liệt hiện chưa được làm rõ. Các nhà khoa học đã đặt ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây tâm thần phân liệt mà từ đó họ đã điều chế ra các thuốc tâm thần phân liệt để giảm thiểu sự xuất hiện các triệu chứng loạn thần dựa trên các cơ chế:

  • Ngăn chặn hoạt động của dopamin: Một số nhà khoa học tin rằng việc não bộ sản sinh quá nhiều một loại chất hóa học gọi là dopamin, dẫn tới biểu hiện các triệu chứng loạn thần. Dopamin là một chất dẫn truyền thần kinh, có nhiệm vụ truyền tải các tín hiệu thần kinh từ một nơron thần kinh đến tế bào đích. Hầu hết các loại thuốc chống loạn thần đều có tác dụng ức chế một số thụ thể dopamin trong não, ngăn chặn sự truyền tải các tín hiệu thần kinh trong não bộ, từ đó làm giảm các triệu chứng loạn thần của người bệnh.
  • Ảnh hưởng đến các chất hóa học khác của não: Đa số các thuốc chống loạn thần cũng ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh khác trong não như noradrenalin, serotonin và glutamate. Những chất hóa học này được cho là có liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng, các chuyển động của cơ thể và các phản ứng của bệnh nhân với các kích thích từ môi trường bên ngoài.

Thuốc chống loạn thần gây ra những thay đổi về hoạt động của các chất hóa học trong não bộ, từ đó giúp làm giảm các triệu chứng loạn thần. Tuy nhiên, nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt có thể rất phức tạp, không chỉ do hoạt động của các chất hóa học trong não mà còn có thể do tác động từ môi trường sống xung quanh bệnh nhân. Do đó, thuốc tâm thần phân liệt cần được kết hợp với các liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp tâm lý và phục hồi chức năng tại cộng đồng trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt.

Tác dụng phụ của các thuốc tâm thần phân liệt

Các tác dụng phụ biểu hiện khác nhau ở mỗi nhóm thuốc và trên từng người bệnh riêng biệt.

Tác dụng phụ trên thần kinh cơ

Thuốc tâm thần phân liệt ngăn cản hoạt động bình thường của dopamin, một chất hóa học giúp kiểm soát chuyển động của cơ thể, dẫn đến tình trạng rối loạn vận động cơ: Loạn trương lực, run tay, co cứng và yếu cơ, co cơ mất kiểm soát, khó di chuyển cơ thể. Những triệu chứng này phổ biến ở nhóm thuốc điển hình (cổ điển) hơn là nhóm thuốc không điển hình (mới). Bệnh nhân dùng nhóm thuốc chống loạn thần cổ điển (như: Haloperidol) lâu ngày có thể bị rối loạn vận động muộn, gây ra các cử động cơ bất thường, đột ngột, không thể kiểm soát ở mặt và thân mình hoặc cả hai, chẳng hạn như chớp mắt liên tục, nhăn mũi, rung môi trên.

Hội chứng ác tính do dùng thuốc an thần (NMS)

Hội chứng NMS là tình trạng rối loạn thần kinh hiếm gặp tuy nhiên rất nguy hiểm. Hội chứng này có thể xuất hiện như một tác dụng phụ khi người bệnh sử dụng thuốc điều trị tâm thần phân liệt hoặc có thể được coi là triệu chứng cai thuốc. Các triệu chứng xuất hiện, tiến triển rất nhanh, chỉ trong 24 tới 72 giờ:

  • Sốt cao, vã mồ hôi;
  • Run, co cứng cơ, mất vận động;
  • Không nói được, khó nuốt;
  • Nhịp tim nhanh, thở rất nhanh và huyết áp thay đổi;
  • Tri giác thay đổi, lú lẫn hoặc hôn mê.

Buồn ngủ

Buồn ngủ là tác dụng phụ thường gặp của nhiều loại thuốc chống loạn thần. Trong đó hay gặp nhất là Olanzapin và Chlorpromazine.

Thuốc tâm thần phân liệt: Phân loại, tác dụng, tác dụng phụ, lưu ý khi dùng 4
Thuốc tâm thần phân liệt có thể khiến bệnh nhân buồn ngủ suốt cả ngày

Các vấn đề về tình dục và nội tiết tố

  • Mụn trứng cá;
  • Rậm lông (mặt và cơ thể);
  • Loãng xương;
  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Tăng kích thước vú và tiết sữa bất thường (kể cả nam giới);
  • Rối loạn cương dương;
  • Khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.

Hội chứng chuyển hóa

Thường bao gồm các triệu chứng sau:

  • Tăng cân, béo phì;
  • Đường huyết cao;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Huyết áp cao;
  • Mức cholesterol cao.

Thuốc tâm thần phân liệt gia tăng tỷ lệ gặp phải các triệu chứng trong hội chứng chuyển hóa, nhất là với người bệnh không có lối sống lành mạnh.

Tác động về mặt cảm xúc

Thuốc chống loạn thần đôi khi làm cho bệnh nhân cảm thấy lo lắng, bồn chồn, hung hăng, kích động, trầm cảm, tự xa lánh xã hội và những người xung quanh.

Những lưu ý khi dùng thuốc tâm thần phân liệt

Việc sử dụng đúng cách và theo hướng dẫn từ bác sĩ là yếu tố then chốt vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân đảm bảo an toàn sức khỏe. Chính vì thế, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Các bác sĩ nên thường xuyên xem xét và theo dõi phản ứng của bệnh nhân với thuốc và có thể điều chỉnh loại thuốc cũng như liều lượng nếu cần thiết.
  • Người bệnh nên được xét nghiệm máu, lưu ý thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết, chỉ số lipid máu trong quá trình điều trị để tránh những biến chứng nghiêm trọng.
  • Bệnh nhân và gia đình nên trao đổi với bác sĩ điều trị ngay khi xuất hiện các triệu chứng do phản ứng có hại của thuốc hoặc các biến chứng nghiêm trọng.
  • Phải có sự phối hợp giữa bác sĩ và gia đình để đảm bảo người bệnh tuân thủ điều trị ở mức cao nhất.

Trên đây là những hiểu biết cơ bản về thuốc tâm thần phân liệt mà người bệnh và gia đình cần biết trong quá trình điều trị bệnh. Hy vọng bài viết có thể đem lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Chúc bạn đọc thật khỏe mạnh và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin về sức khỏe mới nhất nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin