Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai: Đối tượng nào cần thực hiện?

Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ

Thuốc chống đông máu là loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành huyết khối trong mạch máu. Thực hiện tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai là điều cần thiết đối với những thai phụ mắc hội chứng rối loạn đông máu. Vậy dấu hiệu nhận biết thai phụ bị rối loạn đông máu là gì?

Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai đối với mẹ bầu bị chứng rối loạn đông máu. Vậy tác dụng của việc tiêm thuốc chống đông máu cho thai phụ là gì? Cần lưu ý những gì khi tiêm thuốc chống đông máu cho mẹ bầu? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên trong bài viết dưới đây nhé!

Chứng máu đông khi mang thai là gì?

Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ (ASH), khi mang thai thì người phụ nữ thường xuất hiện tình trạng máu đông. Trong thai kỳ, máu có khả năng bị đông lại như một biện pháp bảo vệ nhằm chống lại tình trạng mất quá nhiều máu trong quá trình chuyển dạ.

Tuy nhiên, cục máu đông có thể xuất hiện trong các tĩnh mạch sâu ở vùng xương chậu hoặc chân. Tình trạng này được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).

Bên cạnh đó, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS UK) cho biết, huyết khối tĩnh mạch sâu có thể làm hạn chế lưu lượng máu trong tĩnh mạch và gây ra tình trạng sưng, đau. Tuy nhiên, nó có thể bị vỡ ra và di chuyển theo dòng máu lưu thông, dẫn đến tắc mạch máu.

Khối huyết có thể gây thuyên tắc phổi (PE) nếu huyết khối nằm trong tĩnh mạch phổi. Từ đó gây ra các triệu chứng như đau ngực, khó thở, ho ra máu. Thậm chí, thuyên tắc phổi lớn có thể gây xẹp phổi và đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được xử trí kịp thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu được chẩn đoán và điều trị đúng cách thì nguy cơ gây thuyên tắc phổi là rất nhỏ. Vậy có những dấu hiệu nào để nhận biết thai phụ bị chứng đông máu?

Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai: Đối tượng nào cần thực hiện? 1
Phụ nữ mang thai dễ gặp phải tình trạng hình thành cục máu đông trong mạch máu

Nhận biết thai phụ bị chứng đông máu như thế nào?

Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ cũng cho biết thêm về các dấu hiệu để nhận biết chứng đông máu khi mang thai ở thai phụ bao gồm:

  • Đau hoặc sưng nóng ở một bên chân, đau nghiêm trọng hơn khi đi bộ và các tĩnh mạch chân trông lớn hơn so với bình thường (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới).
  • Chóng mặt, đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim hoặc ho ra máu (huyết khối tĩnh mạch phổi).
  • Đau đầu, co giật, nhìn mờ (huyết khối tĩnh mạch não).

Ngoài ra, người phụ nữ cũng nên thực hiện xét nghiệm gen đông máu trước khi mang thai. Thông thường, thai phụ không cần phải làm xét nghiệm kiểm tra gen đông máu trước khi mang thai nhưng với một số trường hợp sau đây thì nên cân nhắc đến việc làm xét nghiệm này, cụ thể là:

  • Phụ nữ có tiền sử mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Phụ nữ có tiền sử bị thuyên tắc phổi không rõ nguyên nhân.
  • Phụ nữ có tiền sử sảy thai hoặc thai lưu liên tiếp từ 3 lần trở lên mà không rõ nguyên nhân, bởi có thể người mẹ đã mắc hội chứng kháng Phospholipid. Đây là chứng bệnh làm tăng nguy cơ sảy thai, tiền sản giật hoặc khiến thai nhi kém phát triển.
  • Tiền sử bị tiền sản giật.
  • Đã từng mang thai nhưng thai phát triển kém.
Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai: Đối tượng nào cần thực hiện? 2
Khó thở là một trong các biểu hiện của chứng đông máu ở thai phụ

Các loại thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn chặn sự hình thành các cục huyết khối trong lòng mạch máu. Thuốc chống đông máu được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa một số bệnh lý làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Thuốc chống đông máu được chia thành 3 nhóm, bao gồm:

Nhóm Heparin

Nhóm thuốc chống đông máu Heparin được chia thành 2 loại là:

  • Heparin có trọng lượng phân tử thấp;
  • Heparin có trọng lượng phân tử trung bình.

Nhóm thuốc này có thể gây ra tác dụng nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào trọng lượng phân tử của thuốc. Thuốc Heparin thường được sử dụng tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch nhưng không được tiêm bắp tay.

Với khả năng đem lại tác dụng nhanh chóng, các loại thuốc chống đông máu nhóm Heparin thường được chỉ định trong điều trị cũng như dự phòng các bệnh lý như huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, thuyên tắc phổi, chạy thận nhân tạo hoặc hội chứng mạch vành cấp.

Thuốc kháng vitamin K

Nhóm thuốc này có khả năng ngăn chặn gián tiếp cho quá trình đông máu thông qua cơ chế cạnh tranh với vitamin K, từ đó ngăn cản quá trình tổng hợp một số yếu tố có tác dụng làm đông máu phụ thuộc vào vitamin K như yếu tố II, VII, IX và X.

Các loại thuốc chống đông máu thuộc nhóm kháng vitamin K thường được sử dụng theo đường uống, hấp thu qua niêm mạc ruột nhưng lại có tác dụng chậm (sau khi dùng từ 48 - 120 giờ).

Thuốc kháng vitamin K đặc biệt hiệu quả trên đường tĩnh mạch trong điều trị chống đông máu kéo dài sau quá trình điều trị bằng Heparin.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu

Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu đặc biệt hiệu quả trên động mạch gồm có các loại thuốc sau:

  • Aspirin;
  • Clopidogrel (Plavix);
  • Dipyridamole (Persantine);
  • Prasugrel (Effient);
  • Ticagrelor (Brilinta);
  • Vorapaxar (Zontivity).

Thuốc chống kết tập tiểu cầu được chỉ định điều trị trong sơ cứu cầm máu và phòng ngừa huyết khối ở bệnh nhân mắc phải một số bệnh lý như tai biến mạch máu não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hay hội chứng mạch vành cấp.

Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai có tác dụng gì?

Trong trường hợp người phụ nữ mắc phải hội chứng kháng Phospholipid thuộc vào nhóm rối loạn chức năng đông máu, thai phụ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ như:

  • Thai nhi phát triển chậm, trẻ sơ sinh sinh ra bị nhẹ cân và nhỏ hơn so với mức cân nặng trung bình.
  • Suy nhau thai khiến cho trẻ được sinh ra bị thiểu năng.
  • Tiền sản giật.
  • Sảy thai hoặc sinh non.

Do đó, mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ hoặc khi có những dấu hiệu bất thường để sớm phát hiện và điều trị kịp thời bệnh đông máu trong thai kỳ.

Một số loại thuốc chống đông máu được điều chế dưới dạng viên nén thường không được chỉ định cho phụ nữ mang thai sử dụng. Thuốc ở dạng bào chế này có khả năng tác dụng với axit trong dịch vị dạ dày, đi qua nhau thai và gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi trong bụng mẹ. Do đó, để điều trị bệnh đông máu, người phụ nữ sẽ được tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai. Thuốc chống đông máu được sử dụng là Heparin. Đây là loại thuốc có khả năng chống lại tình trạng đông máu một cách nhanh chóng. Thuốc này được sử dụng trong điều trị cũng như dự phòng các bệnh lý có liên quan đến sự hình thành huyết khối trong mạch máu.

Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai: Đối tượng nào cần thực hiện? 3
Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai giúp mẹ bầu phòng ngừa chứng đông máu

Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai với đối tượng nào?

Như vậy, bạn đọc đã biết được tại sao thai phụ cần phải tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng cần phải tiêm loại thuốc này. Dưới đây là những trường hợp thai phụ thuộc vào nhóm nguy cơ sau đây sẽ được chỉ định tiêm thuốc chống đông máu:

  • Thai phụ đã từng bị sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân (3 - 5 lần), thường sảy thai trước hoặc sau tuần thai thứ 10.
  • Thai phụ có tiền sử bị thai lưu.
  • Thai phụ đã từng bị tiền sản giật dẫn đến hiện tượng sinh non trước khi thai được 34 tuần tuổi.
  • Thai phụ bị đông máu khi mang thai.

Đối với thai phụ đã từng gặp phải các vấn đề có liên quan đến hiện tượng đông máu hoặc có người thân trong gia đình mắc phải bệnh lý đông máu, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thực hiện các xét nghiệm nhằm kiểm tra tình trạng đông máu. Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc chống đông máu cho thai phụ (nếu cần) nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai: Đối tượng nào cần thực hiện?  4
Thai phụ có tiền sử bị lưu thai nên tiến hành tiêm thuốc chống đông máu

Tiêm thuốc chống đông máu khi mang thai là chỉ định đối với thai phụ bị mắc chứng đông máu. Điều này giúp mẹ bầu phòng ngừa được các biến chứng do bệnh đông máu gây ra. Chị em phụ nữ cần nắm rõ những dấu hiệu nhận biết của tình trạng đông máu khi mang thai để theo dõi sức khỏe một cách tốt nhất và đảm bảo thai kỳ luôn khỏe mạnh. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin