Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tiêu hoá kém: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ

Tiêu hóa kém làm suy giảm về sức khoẻ tổng thể, ảnh hưởng sự hấp thu các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tiêu hoá kém và cách cải thiện tình trạng tiêu hoá kém này thế nào?

Để duy trì sức khỏe tốt, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể là cực kỳ quan trọng. Các chất dinh dưỡng chủ yếu được cung cấp qua thức ăn, sau đó qua quá trình tiêu hóa, chúng được biến đổi thành các dưỡng chất có lợi để cơ thể có thể hấp thụ dễ dàng.

Tiêu hoá kém, một vấn đề sức khỏe phổ biến mà nhiều người đang dần phải đối mặt trong cuộc sống hiện đại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những nguyên nhân gây tiêu hoá kém, tác động của nó đối với sức khỏe tổng thể, và cách để cải thiện tình trạng này để đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Tiêu hóa kém là như thế nào?

Hệ tiêu hóa được hình thành bởi năm bộ phận gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già. Mỗi bộ phận này đóng vai trò riêng biệt trong quá trình biến đổi thức ăn thành chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Tiêu hóa kém xảy ra khi quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn do một trong số các bộ phận của hệ tiêu hóa gặp vấn đề khiến thức ăn không được chuyển hóa kịp thời và gây ra các triệu chứng như đầy hơi, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy.

Tiêu hoá kém: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện 1
Tiêu hoá kém là tình trạng nhiều người dễ mắc phải

Những nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu hóa kém

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu hóa kém, dưới đây là những lý do phổ biến nhất:

  • Căng thẳng: Cuộc sống bận rộn và công việc áp lực có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa. Căng thẳng thường dẫn đến mất ngủ, tâm lý không ổn định và cơ thể mệt mỏi, từ đó cản trở quá trình hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Thói quen ăn uống không khoa học: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của hệ tiêu hóa. Sử dụng thức ăn nhanh hoặc vừa ăn vừa làm có thể gây hại cho hệ tiêu hóa.
  • Thiếu vận động: Lối sống ít vận động là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe bao gồm cả hệ tiêu hóa. Khi ít vận động, hệ tiêu hóa hoạt động không hiệu quả và khả năng hấp thụ dưỡng chất giảm đi.
  • Bệnh lý: Một số bệnh lý, như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích và các rối loạn chuyển hóa nội tiết có thể gây ra tình trạng tiêu hóa kém.

Tiêu hóa kém có nguy hiểm không?

Tiêu hóa kém là một vấn đề không thể coi thường và chủ quan. Tình trạng này có khả năng gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan trong hệ tiêu hóa. 

Khi hệ tiêu hóa hoạt động kém, cơ thể sẽ không nhận được đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết, từ đó làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này cũng giải thích lý do tại sao những người có hệ tiêu hóa kém thường có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính cao hơn, và quá trình lão hóa của họ diễn ra nhanh hơn so với những người có hệ tiêu hóa hoạt động bình thường.

Tiêu hoá kém: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện 2
Tiêu hóa kém có nguy hiểm không?

Ngoài ra, một số bệnh nhân có hệ tiêu hóa kém có thể phải đối mặt với chứng thiếu cân kéo dài gây suy dinh dưỡng. Trường hợp, phụ nữ có vấn đề về tiêu hóa mãn tính, họ phải đối diện với nguy cơ cao bị thiếu máu, rụng tóc và xương yếu, vô sinh,...

Một số dấu hiệu của tình trạng tiêu hóa kém

Dưới đây là một số triệu chứng biểu hiện hệ tiêu hóa kém:

  • Triệu chứng tiêu hóa: Bao gồm khó tiêu, đau dạ dày, đầy hơi, ợ nóng, ợ chua, táo bón hoặc tiêu chảy. Những dấu hiệu này đều là tín hiệu đáng chú ý cho thấy hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề.
  • Thèm ngọt: Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột cũng có thể là một nguyên nhân khiến bạn thèm ngọt, đồng thời đây cũng là một biểu hiện cho thấy hệ tiêu hóa của bạn không khỏe.
  • Tăng cân/giảm cân đột ngột: Đây là lúc bạn cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe của mình nhiều hơn. Tăng cân/giảm cân đột ngột có thể là dấu hiệu của hệ tiêu hóa kém, làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dưỡng chất và tăng nguy cơ tích trữ mỡ thừa.
  • Mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ: Tiêu hóa kém gây ra nhiều triệu chứng như ợ hơi, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón và những triệu chứng này có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi gây ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ. Điều này xuất phát từ hormone serotonin, một hormone quan trọng ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, được sản xuất chủ yếu từ đường ruột. Do đó, khi đường ruột bị ảnh hưởng bởi tiêu hóa kém, giấc ngủ của người bệnh dễ bị rối loạn.
  • Da dễ bị kích ứng: Hệ tiêu hóa hoạt động kém có thể là nguyên nhân khiến cho làn da của bạn dễ bị kích ứng và tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý về da.
  • Nguy cơ mắc các bệnh tự miễn: Hệ tiêu hóa kém sẽ tác động trực tiếp lên hệ thống miễn dịch của bạn, làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh tự miễn.

Phải làm sao để cải thiện tình trạng tiêu hóa kém?

Dưới đây là một số cách bạn có thể cải thiện tình trạng tiêu hóa kém của mình:

  • Kiểm soát căng thẳng: Duy trì tâm trạng tích cực và lạc quan có thể góp phần cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa. Các biện pháp giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thở sâu, nghe nhạc, đi dạo, yoga,... có thể giúp giảm căng thẳng.
  • Tuân thủ chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng: Lựa chọn thực phẩm giàu dưỡng chất và thân thiện với hệ tiêu hóa. Nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và hạn chế các thực phẩm khó tiêu trong khẩu phần hàng ngày của bạn.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Thực hiện các hoạt động thể chất sẽ giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa. Tập thể dục hàng ngày sẽ kích thích cơ thể sản xuất các chất chống viêm, giảm nguy cơ viêm nhiễm đường tiêu hóa và nhiều vấn đề tiêu hóa khác.
 Tiêu hoá kém: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện 3
Tăng cường tập thể dục để cải thiện hệ tiêu hoá
  • Uống đủ nước: Thiếu nước khiến cơ thể mệt mỏi cũng như ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và hoạt động của hệ tiêu hóa. Vậy nên, hãy đảm bảo bạn uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày để hệ tiêu hóa của bạn hoạt động một cách hiệu quả.
  • Thăm khám và điều trị các bệnh liên quan: Nếu tiêu hóa kém là do một bệnh lý nào đó, bạn cần tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Sử dụng Probiotics: Bổ sung hàng ngày các loại vi khuẩn có lợi (Probiotics) vào chế độ ăn uống. Chúng có thể giúp cân bằng vi khuẩn trong ruột, tăng cường quá trình tiêu hóa thức phẩm, hấp thụ dưỡng chất, và hỗ trợ hệ miễn dịch

Tiêu hóa kém ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Do đó, cần phải xây dựng một chế độ ăn uống cung cấp đủ dưỡng chất và duy trì các thói quen sinh hoạt điều độ, đi kèm kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh và hiệu quả trong việc phòng ngừa các bệnh lý.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin