Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tìm hiểu 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Ngày 31/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhằm tăng tính chính xác trong việc chẩn đoán bệnh, người ta thường dựa vào 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường theo Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ – ADA. Tùy vào điều kiện cụ thể mà các bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp chẩn đoán thích hợp.

Đái tháo đường là một trong những bệnh rối loạn chuyên hóa phổ biến nhất hiện nay, xảy ra khi nồng độ đường máu vượt ngưỡng bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu insulin hoặc không sử dụng được insulin trong cơ thể. Nhiều bệnh nhân không biết mình bị đái tháo đường cho đến khi xuất hiện biến chứng. Vậy làm sao để biết bản thân có bị đái tháo đường hay không, cùng tìm hiểu qua 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường trong bài viết sau đây.

Dấu hiệu cảnh báo sớm tiểu đường

Đa số các dấu hiệu ban đầu của tiểu đường thường liên quan đến lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Các dấu hiệu tiểu đường xuất hiện với tần suất và mức độ khác nhau trên từng bệnh nhân. Một số bệnh nhân có thể có triệu chứng rất nhẹ hoặc thậm chí không xuất hiện triệu chứng nào.

Dấu hiệu của đái tháo đường tuýp 1

Đối với bệnh đái tháo đường tuýp 1, bệnh nhân không thể tự sản xuất insulin dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối. Thế nên các triệu chứng khởi phát thường nhiều và rõ rệt hơn.

Các triệu chứng ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 bao gồm:

  • Cảm thấy rất khát;
  • Tiểu nhiều hơn bình thường, thường xảy ra vào ban đêm;
  • Sụt cân nhanh chóng;
  • Đói và mệt;
  • Nhìn mờ;
  • Vết thương lâu lành;
  • Hơi thở có mùi trái cây;
Tìm hiểu 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường 1
Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh đái tháo đường loại 1

Dấu hiệu của đái tháo đường tuýp 2

Triệu chứng của tiểu đường tuýp 2 tương tự như tiểu đường tuýp 1 nhưng thường được phát hiện muộn hơn. Thậm chí bệnh nhân được chẩn đoán sau vài năm khi các triệu chứng xuất hiện. Điều này là do triệu chứng khởi phát chậm và không nổi bật như tiểu đường tuýp 1, không dễ dàng nhận biết. Bệnh nhân thường được chẩn đoán vô tình qua thăm khám sức khỏe hoặc đi khám vì một nguyên nhân khác.

4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Phương pháp chính được sử dụng để đánh giá mức đường huyết và đưa ra chẩn đoán đái tháo đường là xét nghiệm. Xét nghiệm giúp đo lường lượng đường huyết cơ thể và đưa ra các kết quả định lượng.

Glucose (còn gọi là đường) là nguồn năng lượng chính được sử dụng đi nuôi cơ thể, nguồn gốc chuyển hóa từ các loại thực phẩm mà chúng ta cung cấp cho bản thân mỗi ngày. Trong máu của mỗi người luôn có một lượng đường nhất định để đảm bảo cho việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày:

  • Thời điểm trước ăn: Mức đường huyết nằm trong khoảng 90 - 130 mg/dl (tức 5 - 7,2 mmol/l).
  • Thời điểm sau ăn 1 đến 2 tiếng: Mức đường huyết nằm trong khoảng dưới 180 mg/dl (tức 10 mmol/l).
  • Thời điểm trước đi ngủ: Mức đường huyết nằm trong khoảng 100 - 150 mg/dl (tức 6 - 8,3 mmol/l).

Bằng cách đo chỉ số đường huyết của mình ở những khoảng thời gian này và sau đó đối chiếu chỉ số cho phù hợp để biết bản thân có mắc bệnh tiểu đường hay không. Theo ADA 2023 (Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ), việc chẩn đoán đái tháo đường được dựa trên 1 trong 4 tiêu chí chính sau đây:

Nồng độ glucose huyết lúc đói

Định lượng nồng độ glucose huyết lúc đói hay còn gọi là xét nghiệm FPG (The fasting plasma glucose). Đây là liệu pháp dễ thực hiện tuy nhiên bệnh nhân cần phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc hay nước đun sôi để nguội) ít nhất trong thời gian 8 giờ.

Mức glucose huyết lúc đói trong khoảng 90 đến 130 mg/dl (4,4 - 5,0 mmol/l). Nếu xét nghiệm có kết quả ≥ 126 mg/dl (≥ 7,0 mmol/l) thì bệnh nhân được chẩn đoán là đái tháo đường.

Tìm hiểu 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường 2
Nồng độ glucose huyết đói > 126 mg/dl ở hai lần xét nghiệm gần nhau

Xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống (OGTT)

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (Oral glucose tolerance test) được thực hiện như sau: Bệnh nhân phải nhịn ăn hoặc uống trong ít nhất 8 giờ và được cho uống một lượng nước chứa tương đương 75 g glucose (thường được hòa tan trong 250 – 300 ml nước), uống hết trong 5 phút. Mẫu máu sẽ được lấy và đo vào các thời điểm 30 phút, 1, 2 hay 3 giờ để quan sát sự thay đổi chỉ số đường huyết.

Bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường khi mức đường huyết > 200 mg/dl sau khi thực hiện OGTT. Liệu pháp OGTT được khuyến cáo sử dụng sàng lọc đái tháo đường thai kỳ cho tất cả phụ nữ mang thai và được tiến hành trong giai đoạn 24 – 28 tuần.

Tìm hiểu 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường 3
Bệnh nhân được dùng một lượng glucose tương đương 75 g

HbA1C

Xét nghiệm HbA1C phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường khi HbA1C > 6,5%.

Một số bệnh nhân không nên sử dụng xét nghiệm HbA1C để chẩn đoán đái tháo đường bao gồm:

  • Trẻ em và người trẻ tuổi;
  • Nghi ngờ đái tháo đường tuýp 1;
  • Bệnh nhân có triệu chứng đái tháo đường < 2 tháng;
  • Phụ nữ có thai;
  • Bệnh nhân đang mắc một căn bệnh cấp tính;
  • Bệnh nhân đang dùng corticosteroid;

Nồng độ glucose huyết bất kỳ

Những bệnh nhân có dấu hiệu tăng đường huyết và đo nồng độ glucose huyết bất kỳ > 200 mg/dl (hay 11,1 mmol/l) sẽ được chẩn đoán là mắc đái tháo đường.

Chẩn đoán tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường là những bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn glucose máu nhưng chưa đủ điều kiện chẩn đoán đái tháo đường bao gồm:

  • Bệnh nhân có nồng độ glucose huyết tương lúc đói nằm trong khoảng từ 100 - 125 mg/dl (5,6 - 6,9 mmol/l).
  • Bệnh nhân có nồng độ glucose huyết tương đo được sau khi thực hiện liệu pháp dung nạp glucose trong vòng 2 giờ sau khi uống 75 g đường nằm trong khoảng từ 140 - đến 199 mg/dl (7,8 - 11 mmol/l).
  • Bệnh nhân có HbA1c nằm trong khoảng từ 5,7% đến 6,4%.

Đối tượng nên đi tầm soát đái tháo đường

Việc tầm soát giúp phát hiện sớm chẩn đoán và kịp thời điều trị đái tháo đường, giảm mức độ trầm trọng của bệnh và hạn chế tiến triển các biến chứng nguy hiểm như biến chứng trên tim mạch, mắt, thận và bàn chân.

Những đối tượng sau đây được khuyến cáo đi tầm soát đái tháo đường theo ADA 2023 bao gồm:

  • Tất cả bệnh nhân có độ tuổi trên 45 tuổi, bất kể cân nặng bao nhiêu.
  • Tất cả bệnh nhân có tình trạng thừa cân hoặc béo phì (BMI > 25 kg/m2 hoặc BMI > 23 kg/m2 đối với người Mỹ gốc châu Á) có kèm ít nhất một số yếu tố nguy cơ của đái tháo đường.

Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường có:

  • Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường.
  • Có kèm bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn lipid máu (rối loạn mỡ máu).
  • Lối sống ít vận động.
  • Có biểu hiện lâm sàng gợi ý đề kháng insulin (ví dụ chứng gai đen).
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Người có dự định mang thai.

Nếu kết quả thử đường huyết ở mức bình thường thì nên tầm soát mỗi 3 năm một lần.

Tìm hiểu 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường 4
Việc tầm soát giúp phát hiện sớm chẩn đoán và kịp thời điều trị đái tháo đường

Dựa trên 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường từ Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA, các bác sĩ có thể đưa ra các chẩn đoán chính xác về việc bạn có đang mắc bệnh tiểu đường hay không. Đây là bệnh lý mạn tính có diễn tiến phức tạp và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên có thể phòng ngừa và kiểm soát tốt thông qua thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục và điều trị thuốc hợp lý.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm