Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh u não thùy trán

Ngày 22/08/2024
Kích thước chữ

U não thùy trán là một loại bệnh lý thần kinh nghiêm trọng, có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến các chức năng thiết yếu của não bộ, bao gồm khả năng tư duy, điều khiển cảm xúc và vận động. Việc nhận biết sớm và hiểu rõ về bệnh u não thùy trán không chỉ giúp tăng cường hiệu quả điều trị mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Thùy trán của não bộ chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng quan trọng như tư duy, cảm xúc và vận động. Do đó, u não thùy trán là một trong những loại khối u nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về u não thùy trán, từ nguyên nhân, triệu chứng đến các phương pháp điều trị hiệu quả nhằm giúp bạn có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về căn bệnh này.

U não thùy trán là gì?

U thùy não trán là một loại khối u phát triển trong thùy trán của não, vùng chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng quan trọng như tư duy, lập kế hoạch, cảm xúc, vận động và khả năng ngôn ngữ. Khối u thùy trán có thể lành tính hoặc ác tính. U thùy não trán có thể ảnh hưởng đến các chức năng tâm lý và thể chất, tùy thuộc vào vị trí và kích thước của nó.

Triệu chứng u não thùy trán

Những khối u lành tính như u màng não chèn ép thùy trán từ bên ngoài có thể không gây ra triệu chứng rõ ràng, ngoại trừ sự thay đổi về trí nhớ, tính cách và cảm xúc, cho đến khi khối u phát triển đến kích thước lớn. Nhìn chung, u não thùy trán có thể gây ra một số dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Tê yếu hoặc run ở chân, tay, khó khăn trong việc đi lại, cử động chậm chạp, hoặc chuyển động tay không thể kiểm soát; gặp vấn đề trong việc giữ thăng bằng.
  • Suy giảm các giác quan như khứu giác, vị giác, thính giác và thị lực; cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa, ăn không ngon, thay đổi giọng nói, mất cảm giác mùi, sụt cân bất thường.
  • Cảm giác ngứa ran hoặc tê ở một bên cơ thể; yếu một chân hoặc tay hoặc xuất hiện cơn co giật (đặc biệt là ở người trưởng thành).
  • Thay đổi tính cách, hành vi bất thường; dễ kích động, hung hăng, thiếu kiềm chế; có những phản ứng không phù hợp trong các tình huống xã hội; dễ nhầm lẫn, trí nhớ kém, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày; khó tập trung, suy giảm khả năng điều hành như ra quyết định, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch và tổ chức; gặp khó khăn trong giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ và học tập.
Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh u não thùy trán 1
Tê một phần cơ thể là biểu hiện của u não thùy trán

Nguyên nhân gây bệnh u não thùy trán

Nguyên nhân gây ra u não thùy trán nói riêng hay u não nói chung vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. Mặc dù việc có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây không đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ mắc bệnh, nhưng chúng có thể góp phần làm tăng rủi ro. Những yếu tố này bao gồm:

  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc u não tăng lên theo độ tuổi. Phần lớn các khối u não xảy ra ở người từ 85 đến 89 tuổi, nhưng một số loại u cũng phổ biến hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
  • Tiền sử gia đình (di truyền): Mặc dù nguy cơ mắc u não do di truyền là rất thấp, một số điều kiện di truyền như u sợi thần kinh loại 1, u sợi thần kinh loại 2, bệnh xơ cứng củ, hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Turner, hội chứng Gorlin và hội chứng Turcot có thể làm tăng nguy cơ.
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất N-nitroso trong khẩu phần ăn có thể ảnh hưởng đến nguy cơ u não ở cả người lớn và trẻ em. Chế độ ăn ít rau quả, tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nitrit như thịt xông khói, thực phẩm lên men, chế biến sẵn, hoặc ủ muối qua đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc u não, đặc biệt là u thần kinh đệm.
  • Béo phì, thừa cân: Tình trạng béo phì và thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mắc u màng não. Ở Anh, ước tính khoảng 2% tổng số ca u não có liên quan đến béo phì và thừa cân.
  • Phơi nhiễm hóa chất: Một số công việc trong môi trường đặc thù yêu cầu tiếp xúc với nhiều loại hóa chất có thể làm tăng nguy cơ mắc u não thùy trán nói riêng và u não nói chung, chẳng hạn như: Tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, làm việc trong môi trường có nhiều kim loại nặng, hít phải các hợp chất vòng thơm như ethylbenzene, benzene trong thời gian dài.
  • Tiếp xúc với bức xạ: Bức xạ ion hóa được sử dụng trong một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Việc tiếp xúc quá nhiều hoặc kéo dài với bức xạ ion hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc u não. Nếu người bệnh đã từng trải qua xạ trị, nguy cơ này cũng có thể tăng lên. Tuy nhiên, trường hợp u não do tiếp xúc với bức xạ là rất hiếm, chiếm dưới 1%.
Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh u não thùy trán 2
Người già có nguy cơ cao mắc u não thùy trán

Bệnh u não thùy trán có chữa được không?

Khả năng chữa trị u não thùy trán phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính chất của khối u, vị trí, kích thước, cấp độ, mức độ phát triển, khả năng đáp ứng với phác đồ điều trị, nguy cơ tái phát, sức khỏe tổng thể và tuổi tác của người bệnh.

Cụ thể, đối với u não lành tính, việc chữa trị có thể đạt được thông qua phẫu thuật, khi khối u được loại bỏ hoàn toàn và chưa gây ra các hệ quả nghiêm trọng. Nguy cơ tái phát sau phẫu thuật u lành tính là khá thấp, do đó tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cũng cao.

Đối với u não ác tính, bệnh có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, u não ác tính thường có xu hướng tái phát và không phải lúc nào cũng có thể loại bỏ hoàn toàn. Ngoài các yếu tố trên, tiên lượng điều trị u ác tính còn phụ thuộc vào tốc độ và mức độ di căn của khối u.

Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh u não thùy trán 3
U não lành tính có thể phẫu thuật khỏi

Cách điều trị u não thùy trán

Trong quá trình điều trị u não thùy trán hay u não nói chung, bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả tốt nhất. Các phương pháp chính bao gồm:

  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị u não. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ tối đa khối u mà không ảnh hưởng đến các vùng não lành.
  • Hóa trị: Phương pháp này sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào u não. Thuốc sẽ được đưa vào cơ thể qua đường máu và lưu thông khắp các cơ quan.
  • Xạ trị: Xạ trị là phương pháp phổ biến nhất đối với các khối u ác tính, sử dụng tia năng lượng cao như tia X, tia beta hoặc tia gamma để tiêu diệt tế bào u.
  • Sử dụng steroid: Sau khi chẩn đoán u não, steroid có thể được chỉ định để giảm sưng quanh khu vực khối u.
  • Thuốc hỗ trợ: Các loại thuốc này được sử dụng để điều trị triệu chứng liên quan đến u não, chẳng hạn như thuốc giảm đau cho chứng đau đầu hoặc thuốc chống động kinh cho chứng co giật.
Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh u não thùy trán 4
Hóa trị giúp tiêu diệt tế bào u não

U não thùy trán thường có xu hướng tái phát và khó loại bỏ hoàn toàn. Vì thế, khi bạn hoặc người thân có các dấu hiệu của u não, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm cơ hội tái phát khối u.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin