Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tìm hiểu quy trình và kỹ thuật truyền máu

Ngày 24/03/2024
Kích thước chữ

Trong các trường hợp cấp cứu và điều trị, nhiều bệnh nhân phải truyền thêm máu để bù đắp lượng máu bị thiếu hụt do bị thương hoặc phẫu thuật. Vậy kỹ thuật truyền máu sẽ được thực hiện như thế nào? Cần tuân thủ nguyên tắc gì khi thực hiện kỹ thuật truyền máu?

Truyền máu là hoạt động rất quan trọng trong quá trình cấp cứu và điều trị bệnh. Khái niệm này cũng rất quen thuộc với mỗi người, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về các loại nhóm máu và quy trình thực hiện kỹ thuật truyền máu. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin về truyền máu.

Khái quát về nhóm máu và kỹ thuật truyền máu

Truyền máu là gì?

Truyền máu là kỹ thuật thực hiện trong y tế nhằm giúp người cần máu được nhận máu hoặc các chế phẩm máu từ người hiến theo đường tĩnh mạch. Kỹ thuật truyền máu có thể sử dụng máu toàn phần hoặc các chế phẩm máu từ thành phần máu như hồng cầu lắng, tiểu cầu, huyết tương, bạch cầu,...

Tìm hiểu quy trình và kỹ thuật truyền máu 1
Truyền máu đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp khẩn cấp

Máu và các chế phẩm máu dùng để truyền đều được kiểm tra, sàng lọc và xử lý cẩn thận để đảm bảo máu không nhiễm các bệnh lây truyền. Đồng thời, máu và chế phẩm máu này thường được lưu trữ trong túi nhựa chuyên dụng và được truyền vào cơ thể người nhận thông qua kim tiêm gắn vào tĩnh mạch ở cánh tay.

Phân loại nhóm máu

Máu là thành phần vô cùng quan trọng đối với cơ thể bao gồm huyết tương, hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu với những chức năng riêng biệt. Máu trong cơ thể người được phân loại thành nhiều nhóm máu khác nhau. Để đảm bảo an toàn khi truyền máu, người bệnh cần được truyền đúng nhóm máu theo những nguyên tắc nhất định.

Hiện nay, các nghiên cứu khoa học đã tìm ra có khoảng 30 hệ nhóm máu khác nhau trên cơ thể người. Trong đó, hệ nhóm máu ABO và hệ Rh (Rhesus) là quan trọng và phổ biến nhất. Hiểu rõ về các nhóm máu chính là điều kiện tối thiểu cần có trước khi thực hiện kỹ thuật truyền máu.

Hệ thống nhóm máu ABO gồm có 4 nhóm máu chính gồm nhóm A, B, AB và O, cụ thể:

  • Nhóm máu A: Là nhóm máu có chứa kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu, đồng thời có kháng thể “chống B”. Vì thế những người có nhóm máu A có thể hiến máu cho người có cùng nhóm máu với mình hoặc người mang nhóm máu AB. Tuy nhiên, những người này lại chí có thể nhận máu từ những người nhóm A hoặc O.
  • Nhóm máu B: Cũng tương tự như người nhóm máu A, người nhóm máu B có sẽ có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có kháng thể “chống A”. Những người này có thể hiến máu cho người nhóm máu B, AB và có thể nhận máu từ người nhóm máu B, O.
  • Nhóm máu AB: Đây là nhóm máu vừa có cả 2 kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu, đồng thời không có kháng thể chống A hay chống B. Vì thế, những người này có thể nhận máu của tất cả các nhóm máu khác. Tuy nhiên họ lại chỉ có thể hiến cho người cùng nhóm máu AB.
  • Nhóm máu O: Là nhóm máu chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm khoảng 42% dân số ở nước ta. Nhóm máu O sẽ không có kháng nguyên A,B trên bề mặt nhưng lại có đồng thời 2 kháng thể chống A, B. Vì thế, người mang nhóm máu O có thể hiến máu cho tất cả mọi người nhưng chỉ có thể nhận máu từ người nhóm máu O.
Tìm hiểu quy trình và kỹ thuật truyền máu 2
Máu được phân loại theo nhóm máu ABO, nhóm Rh và đựng trong túi nhựa chuyên dụng

Còn hệ thống nhóm máu Rh thì các nhóm máu sẽ được phân loại dựa trên một loại protein đặc biệt có trong các tế bào máu, gồm 2 loại:

  • Nhóm máu Rh+: Là nhóm máu chiếm đa số có chứa kháng nguyên D trên hồng cầu.
  • Nhóm máu Rh-: Ngược lại với Rh+, người mang nhóm máu Rh- không có kháng nguyên D trên hồng cầu. Khi gặp phải kháng nguyên D sẽ gây ra những phản ứng nguy hiểm. Chính vì thế, người có nhóm máu Rh- cần hết sức cẩn thận khi thực hiện kỹ thuật truyền máu, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Khi nào cần thực hiện kỹ thuật truyền máu?

Trong nhiều trường hợp, cơ thể bị mất quá nhiều máu hoặc có bất thường trong máu nếu không bù đắp kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Lúc này, máu và các chế phẩm máu sẽ được dùng để thay thế lượng máu đã mất mà không giải pháp nào thay thế được. Một số trường hợp thường có chỉ định truyền máu như:

  • Mất máu nhiều do chấn thương, tai nạn, phẫu thuật;
  • Người bị bệnh thiếu máu, giảm thể tích máu;
  • Người bị chảy máu hoặc rối loạn đông máu;
  • Điều trị một số bệnh lý về máu.

Nguyên tắc cần tuân thủ khi truyền máu

Nguyên tắc truyền máu được xây dựng dựa trên những đặc trưng riêng của từng nhóm máu bởi nếu truyền máu không đúng có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn khi truyền máu và tránh tai biến, người thực hiện truyền máu cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau đây:

  • Chỉ định truyền máu đúng và hợp lý, theo đó chỉ thực hiện truyền máu khi thật sự cần thiết, thiếu thành phần nào bổ sung thành phần ấy và hạn chế tối đa việc truyền máu toàn phần.
  • Đảm bảo an toàn về mặt miễn dịch khi truyền máu. Tuân thủ nguyên tắc hòa hợp nhóm máu, không để kháng thể gặp phải kháng nguyên tương ứng, đồng thời hạn chế tình trạng kháng thể bất thường chống lại hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và các kháng thể khác trong cơ thể.
  • Sàng lọc, kiểm tra chặt chẽ đảm bảo chất lượng máu và chế phẩm máu không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, CMV, HBV, HCV, giang mai, ký sinh trùng, sốt rét,...
  • Đảm bảo an toàn cho người nhận máu về các biến chứng khác.
  • Đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế khi thực hiện truyền máu.
Tìm hiểu quy trình và kỹ thuật truyền máu 3
Kỹ thuật truyền máu cần được thực hiện tại cơ sở y tế và tuân thủ nguyên tắc nhất định

Quy trình thực hiện kỹ thuật truyền máu

Quá trình truyền máu thường không gây cảm giác đau nhưng người nhận sẽ cảm thấy hơi khó chịu. Mỗi đơn vị máu sẽ được truyền trong khoảng từ 2 đến 4 giờ và được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình bao gồm:

  • Chuẩn bị: Người nhận sẽ được thông báo có chỉ định truyền máu và được kiểm tra nhóm máu. Đồng thời, người thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin mẫu máu với thông tin người nhận.
  • Truyền máu: Máu và các chế phẩm máu sẽ được truyền từ túi đựng thông qua dây truyền và kim truyền đi vào tĩnh mạch của người nhận. Trong suốt quá trình trước, trong và ngay sau khi truyền máu, nhân viên y tế cần theo dõi các chỉ số của người nhận như mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở và tốc độ truyền để phát hiện, xử trí kịp thời các tình huống bất thường.
  • Sau khi truyền máu: Cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của người nhận máu trong 24 giờ tiếp theo và lưu túi máu để đối chiếu nếu xảy ra phản ứng.

Trên đây là những thông tin chi tiết về nhóm máu và kỹ thuật truyền máu. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về nguyên tắc truyền máu và hiểu được tầm quan trọng của quá trình này.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin