Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu tai biến méo miệng do liệt dây thần kinh số 7

Ngày 30/12/2023
Kích thước chữ

Liệt dây thần kinh số 7 là một bệnh lý thần kinh sọ não phổ biến dẫn đến liệt cơ mặt, tai biến méo miệng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp dùng để khôi phục tai biến méo miệng do liệt dây thần kinh số 7 qua bài viết dưới đây.

Khuôn mặt đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện cảm xúc và tương tác xã hội, do đó, bất kỳ khiếm khuyết nào trong việc kiểm soát cơ mặt đều tạo ra đau khổ về mặt xã hội và tâm lý. Tai biến méo miệng là một trong các triệu chứng của việc cơ mặt không thể kiểm soát, bệnh thường liên quan đến liệt dây thần kinh số 7.

Tại sao liệt dây thần kinh số 7 gây tai biến méo miệng?

Vị trí và chức năng của dây thần kinh số 7

Dây thần kinh mặt hay dây thần kinh sọ số 7 là một dây thần kinh hỗn hợp, chủ yếu nằm ở góc cầu tiểu não, bao gồm các sợi cảm giác, sợi vận động, sợi phó giao cảm ở vùng mặt. Nó kiểm soát các biểu cảm trên khuôn mặt và chịu trách nhiệm tương ứng cho khuôn mặt trái và phải. Do đó, khi một dây thần kinh bị tổn thương có thể khiến khuôn mặt bị biến dạng, không cân đối, méo miệng.

Tai biến méo miệng do liệt dây thần kinh số 7 2
Hình giải giải phẫu dây thần kinh số 7

Liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Liệt dây thần kinh số 7 (tên gọi khác: Liệt thần kinh mặt, liệt mặt, liệt Bell) là một bệnh lý thần kinh mặt ngoại biên khởi phát cấp tính, xảy ra đột ngột và có thể tiến triển trong vòng 48 giờ. Nó là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây liệt mặt thần kinh vận động dưới.

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7

Liệt dây thần kinh số 7 xảy ra khi dây thần kinh mặt trong nhân cạnh cầu não hoặc đường đi của dây thần kinh mặt bị tổn thương. Mặc dù cơ chế bệnh sinh chính xác của liệt dây thần kinh số 7 chưa được biết đến và được coi là vô căn nhưng lại liên quan chặt chẽ với một số bệnh như:

  • Thiếu máu cục bộ mạch máu: Bệnh thần kinh thiếu máu cục bộ nguyên phát gây viêm dây thần kinh bị tổn thương, dễ xảy ra hơn ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Nhiễm trùng do virus: Virus Herpes zoster và virus Herpes simplex là 2 loại đặc biệt gây bệnh thần kinh ở người và thường liên quan nhất đến tai biến méo miệng, dẫn đến viêm dây thần kinh gây phù khu trú, mất myelin. Ngoài ra, coxsackievirus, cytomegalovirus, adenovirus, quai bị, rubella và virus cúm B cũng có khả năng gây liệt mặt.
  • Khối u sọ não: Khối u trong não phát triển có thể chèn ép lên dây thần kinh số 7 và gây tai biến méo miệng cùng với các dấu hiệu khác trên khuôn mặt.
  • Chấn thương não: Não bị chấn thương có thể trực tiếp tác động đến dây thần kinh mặt hoặc hình thành máu tụ chèn ép lên dây thần kinh số 7.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng liệt dây thần kinh số 7 bao gồm:

  • Đái tháo đường;
  • Tăng huyết áp không kiểm soát;
  • Đột quỵ;
  • Tiền sản giật nặng;
  • Đau nửa đầu;
  • Phơi nhiễm phóng xạ.

Triệu chứng của liệt dây thần kinh số 7

Các triệu chứng xuất hiện đột ngột và mức độ nghiêm trọng đạt đến đỉnh điểm trong vòng 48 đến 72 giờ. Các triệu chứng chính bao gồm yếu, tê và thiếu phối hợp ở một bên cơ mặt cũng như không thể cử động mặt, miệng, không thể chớp mắt hoặc nhắm mắt, mím môi hoặc méo miệng, biến mất các nếp nhăn trên trán và có các đặc điểm như xệ nửa mặt, xệ lông mày một bên,... Nghiêm trọng hơn, việc suy giảm hoạt động nhắm hoặc chớp của sẽ khiến mắt bị khô và có nguy cơ bị tổn thương hơn. Sự yếu cơ và mất cân đối trên khuôn mặt liên quan đến liệt mặt có thể gây khó nuốt, nói ngọng, khó khăn trong ăn uống,...

Tai biến méo miệng do liệt dây thần kinh số 7 3
Méo miệng là một trong các tai biến của liệt dây thần kinh số 7

Cách khắc phục tai biến méo miệng do liệt mặt

Phương pháp không dùng thuốc

Vật lý trị liệu có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục thần kinh mặt, nó bao gồm các bài tập mặt, rèn luyện thần kinh cơ và châm cứu.

Phương pháp dùng thuốc

  • Thuốc kháng virus: Acyclovir và valacyclovir là những loại thuốc tiêu biểu được sử dụng để điều trị virus Herpes zoster.
  • Glucocorticoid: Viêm và gây phù nề thần kinh do virus sẽ ảnh hưởng quá trình phục hồi thần kinh. Chống viêm là một trong các tác dụng của corticoid có thể sử dụng cho bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 nhằm giảm viêm và sưng ở dây thần kinh mặt bằng cách ức chế sự tổng hợp các cytokine gây viêm, như interleukin IL-1, IL-6 và TNF-α, dẫn đến tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch. Các corticoid thường được sử dụng lâm sàng bao gồm dexamethasone, methylprednisolone và prednisolone.
  • Thuốc bổ thần kinh, vitamin B và các loại thuốc khác: Khi lượng vitamin B12 không đủ, sự mất myelin và thoái hóa hệ thần kinh xảy ra. Vitamin B12 tham gia vào điều chỉnh các yếu tố tăng trưởng, chức năng đại thực bào và hệ thống đông máu, do đó làm nổi bật tiềm năng của vitamin B12 trong việc giảm bớt tình trạng viêm nghiêm trọng. Vitamin B12 là một phần của phức hợp vitamin B, nó không thể được tổng hợp trong cơ thể mà phải được ăn vào bổ sung qua thức ăn (chủ yếu là protein động vật).

Phương pháp phẫu thuật

Nếu viêm dây thần kinh không hồi phục sau 3 tháng điều trị bảo tồn và không có phản ứng về tốc độ dẫn truyền thần kinh mặt và xét nghiệm điện cơ cơ mặt, nghĩa là không có hoạt động tiềm năng thì có thể sử dụng phương pháp điều trị bằng phẫu thuật.

Tai biến méo miệng do liệt dây thần kinh số 7 4
Châm cứu có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục thần kinh mặt

Tai biến méo miệng là tình trạng tê liệt thần kinh vận động mặt cấp tính cùng bên, vô căn và cấp tính của dây thần kinh số bảy. Mặc dù liệt dây thần kinh mặt không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sự bất cân xứng trên khuôn mặt ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cá nhân, gây căng thẳng tâm lý và thần kinh và tàn phá cuộc sống của con người. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin