Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về chứng nhức chân và những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ

Tình trạng nhức chân xảy ra ở mỗi người đều có nguyên nhân, mức độ và nguy cơ tiềm ẩn khác nhau. Nếu muốn biết bạn có gặp vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào từ tình trạng đau nhức chân hay không, đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều ít nhất một lần trong đời trải qua tình trạng nhức chân. Chân đau nhức có thể do tác động từ bên ngoài hay thói quen vận động nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về cơ xương khớp. Vì vậy, tìm hiểu về chứng nhức chân là việc cần thiết nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng này.

Nhức chân có thể xảy ra do nguyên nhân nào?

Nhức mỏi tay chân là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt hay gặp ở những người lao động nặng và những người trong độ tuổi trung niên. Nguyên nhân gây đau nhức có thể xuất phát từ bên trong cơ thể hoặc từ những tác động từ bên ngoài. Người bệnh có thể cảm nhận được những cơn đau râm ran như điện giật, hoặc tê buốt và nóng rát. Các nguyên nhân gây đau nhức chân thường gặp nhất là:

Do tác động bên ngoài

Các tác động ngoại lực từ bên ngoài dễ làm nhức chân, nhưng đây cũng là tình trạng dễ nhận biết và ít đáng lo ngại hơn cả. Ngoại lực tác động lên chân gây nhức chân có thể do:

  • Vận động, đi lại, chạy nhảy quá nhiều cũng gây căng cơ, mỏi cơ và nhức chân.
  • Các va đập, lực tác động mạnh, chấn thương ở các mạch máu và hệ cơ xương sẽ dẫn tới đau chân.
  • Mang vác vật nặng thường xuyên, làm việc quá sức, đặc thù công việc cần đứng lâu hay đi lại nhiều khiến cơ, xương, khớp chân bị quá tải gây đau nhức.
  • Nằm, ngồi sai tư thế khiến chân bị tì đè, máu lưu thông kém, các cơ và xương bị đè nén cũng gây tê bì, nhức mỏi chân.
  • Phụ nữ phải đi lại nhiều trên giày cao gót thường xuyên bị nhức chân.
Tìm hiểu về chứng nhức chân và những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn 1
Nhức chân do nguyên nhân đơn giản, dễ nhận biết có thể tự khỏi

Nguyên nhân nhức chân do bệnh lý bên trong

Các bệnh lý về cơ hay bệnh về xương khớp cũng có thể là nguồn cơn của các cơn đau nhức chân. Một số bệnh thường gặp gây ra triệu chứng này như: Viêm gân gót chân, viêm xương, viêm cơ, suy giãn tĩnh mạch chân,… Ở người cao tuổi có mật độ xương giảm hay mắc bệnh loãng xương, tình trạng nhức chân cũng thường xuyên xảy ra.

Do thay đổi sinh lý

Một số nhóm đối tượng đặc biệt cũng dễ gặp tình trạng mỏi chân như: Thanh thiếu niên đang trong độ tuổi phát triển mạnh về thể chất hay phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh. Đối với thanh thiếu niên đang lớn, xương và sụn có tốc độ phát triển mạnh gây căng mỏi cơ và có thể gây nhức mỏi bắp chân về đêm

Ở phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh, lượng canxi, vitamin D trong cơ thể suy giảm nghiêm trọng do “san sẻ” với thai nhi. Thiếu hai vi khoáng này cũng là nguyên nhân dẫn đến nhức chân ở phụ nữ.

Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu hụt vitamin và khoáng chất như: Vitamin nhóm B, vitamin E, canxi, kali, magie, axit folic, sắt, kẽm,… cũng dẫn đến nhức mỏi, tê bì chân tay.

Tìm hiểu về chứng nhức chân và những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn 2
Một số trường hợp nhức chân lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý

Nhức chân và các nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn

Ngoài các nguyên nhân như tác động ngoại lực, thói quen vận động, chế độ dinh dưỡng, các bệnh lý về cơ xương khớp cũng có thể gây triệu chứng nhức chân. Cảm giác nhức chân có thể chỉ xuất hiện trong vài ngày rồi tự khỏi, có thể kéo dài nhiều tuần. Nó cũng có thể xuất hiện thường trực mọi lúc nhưng cũng có thể chỉ xuất hiện về đêm. Một số nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn khi bạn bị nhức chân dài ngày như:

Nhức chân do suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới xảy ra khi tính mạch chân bị tổn thương khiến tĩnh mạch không thể đẩy máu về tim như bình thường. Máu ứ ở tĩnh mạch chân sẽ làm tăng áp lực ở đây và gây ra các triệu chứng như: Đau nhức mỏi chân, nóng rát chân, chuột rút ban đêm, sưng phù chân, cảm giác nặng chân thậm chí loét, nhiễm trùng ở gần mắt cá chân,…

Viêm gân gót chân - viêm gân Achilles

Gân Achilles là gân lớn nhất trên cơ thể chúng ta và cũng là gân chịu nhiều áp lực từ hoạt động thường ngày. Khi gân này hoạt động quá mức, bị quá tải lực và trọng lực dễ dẫn đến viêm gân Achilles hay viêm gân gót chân. Bệnh này sẽ gây nhức gót chân, đau cứng bắp chân dưới phía sau, đau bỏng rát thậm chí phù nề gót chân nếu có tình trạng chảy máu giữa các sợi gân.

Tìm hiểu về chứng nhức chân và những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn 3
Tùy từng nguyên nhân, các triệu chứng đi kèm nhức chân cũng khác nhau

Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa xảy ra khi các đĩa đệm ở đốt sống bị trượt khỏi vị trí chuẩn và chèn ép lên các dây thần kinh chạy dọc cơ thể. Bệnh đặc thù bởi triệu chứng đau dọc từ lưng dưới xuống chân. Đau nhức có thể xảy ra ở phía trước, phía sau, bên ngoài chân. Có người bệnh còn bị tê ngứa, yếu cơ chân, mất khả năng chuyển động,…

Hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên xảy ra khi hệ thống thần kinh bị rối loạn gây xuất hiện các cơn xung đột thần kinh không thể kiểm soát xuống chân. Người mắc hội chứng này sẽ có đôi chân luôn trong trạng thái muốn hoạt động, chân bồn chồn, khó chịu, ngứa như kiến bò, đau nhói.

Viêm đa dây thần kinh ngoại biên do đái tháo đường

Viêm đa dây thần kinh ngoại biên do đái tháo đường là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh tiểu đường xảy ra khi dây thần kinh bị tổn thương và ảnh hưởng đến các chi. Nếu gặp tình trạng này, ngoài triệu chứng tay chân nhức mỏi, người bệnh còn bị tê yếu cơ, có thể mất khả năng nhận biết cảm giác, chuột rút thường xuyên, đau nhức chân tay thường xuyên. Trường hợp nặng còn khiến bệnh nhân phải nằm tại chỗ.

Người bị nhức chân cần làm gì?

Tùy mức độ và nguyên nhân gây nhức chân, chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp khắc phục, điều trị khác nhau. Mọi chuyện sẽ thật đơn giản nếu bạn bị nhức chân do tác động ngoại lực từ bên ngoài, do thay đổi sinh lý hay do chế độ dinh dưỡng. Trong những trường hợp này, chúng ta chỉ cần áp dụng chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý kết hợp áp dụng cách giảm đau nhức chân tại nhà là triệu chứng khó chịu sẽ dần giảm bớt.

Tìm hiểu về chứng nhức chân và những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn 4
Kết hợp nghỉ ngơi và chăm sóc để giảm nhức chân

Một số cách đơn giản mà hữu hiệu bạn có thể áp dụng tại nhà như:

  • Ngâm chân hàng ngày, đặc biệt vào buổi tối trước khi đi ngủ với nước muối ấm hoặc thảo dược ngâm chân.
  • Massage chân để tăng cường lưu thông máu, thư giãn cơ bắp ở chân.
  • Tăng cường ăn các thực phẩm dành cho người bị đau nhức như: Các loại quả mọng (dâu tây, việt quất, dứa, đu đủ, ổi, mận, anh đào, mâm xôi, kiwi), các gia vị có tính kháng khuẩn, ngừa viêm (gừng, tỏi), các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, các trích, cá thu), các loại nấm, rau lá xanh đậm,…
  • Hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều, đứng liên tục, làm việc quá sức để cơ, xương, khớp ở chân được nghỉ ngơi và phục hồi.
  • Nếu cảm giác nhức chân làm bạn khó ngủ vào ban đêm, bạn có thể dùng thêm các loại thuốc giảm đau không kê đơn.

Trong trường hợp bị nhức chân do một trong các bệnh lý về cơ, xương, khớp kể trên, bạn cần đi khám bác sĩ để xác định đúng nguyên nhân gây nhức. Qua thăm khám lâm sàng và căn cứ vào các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ biết được chính xác bệnh lý mà bạn có thể đang mắc phải. Từ đó, bác sĩ mới đưa ra hướng điều trị thích hợp để kiểm soát bệnh và chữa nhức chân triệt để. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin