Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tổng hợp các dấu hiệu tràn dịch màng phổi bạn không nên bỏ qua

Ngày 04/10/2024
Kích thước chữ

Tràn dịch màng phổi là một bệnh lý khá phức tạp và đang có xu hướng gia tăng trong công đồng. Bệnh lý này thường diễn tiến nhanh chóng và tác động trực tiếp đến sức khoẻ của người bệnh, thậm chí là dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vậy dấu hiệu tràn dịch màng phổi là gì?

Tràn dịch màng phổi là một bệnh lý liên quan đến phổi do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh lý này đang có xu hướng tăng nhanh và có thể gây ra nhiều triệu chứng cũng như biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu tràn dịch màng phổi là rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.

Tìm hiểu về bệnh tràn dịch màng phổi

Mỗi một lá phổi trong lồng ngực được bao bọc bởi hai lớp màng rất mỏng được gọi là màng phổi. Giữa hai lớp màng phổi tạo thành một khoang ảo, gọi là khoang màng phổi. Bình thường, khoang màng phổi chỉ chứa một lượng chất lỏng rất ít để giúp cho bề mặt màng phổi được trơn láng khi cọ xát vào nhau, từ đó làm cho phổi giãn nở tốt hơn trong mỗi nhịp thở.

Tràn dịch màng phổi hay còn gọi là ứ nước trong khoang màng phổi, là tình trạng tích tụ chất lỏng bất thường trong khoang màng phổi. Hiện tượng này xảy ra khi lượng dịch trong khoang màng phổi nhiều hơn bình thường. Tràn dịch màng phổi do nhiều nguyên nhân gây ra và cũng là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau gây nên. Bệnh lý này được chia thành 2 loại chủ yếu là:

  • Tràn dịch màng phổi dịch thấm: Thường xảy ra do suy dinh dưỡng, suy tim, suy thận,…
  • Tràn dịch màng phổi dịch tiết: Xảy ra do bệnh lao, nhiễm khuẩn, ung thư,…
Tổng hợp các dấu hiệu tràn dịch màng phổi bạn không nên bỏ qua 1
Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch trong khoang phổi vượt mức bình thường

Dấu hiệu tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi được biết đến không phải là một bệnh lý tiêu biểu, tuy nhiên, đây lại là biến chứng của nhiều bệnh khác tạo thành như viêm gan, viêm phổi, viêm màng ngoài tim, suy tim, chấn thương ngực,… Vậy dấu hiệu tràn dịch màng phổi là gì? 

Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu tràn dịch màng phổi thường không quá rõ ràng nên rất khó phát hiện và bỏ lỡ thời gian điều trị. Nhiều người bệnh chỉ phát hiện ra tình trạng tràn dịch màng phổi khi chụp X-quang phổi lúc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Do đó, việc nắm rõ các dấu hiệu tràn dịch màng phổi là rất cần thiết. Dưới đây là những dấu hiệu tràn dịch màng phổi dễ nhận biết nhất, bao gồm:

  • Đau ngực: Đau tức ngực là dấu hiệu đầu tiên và điển hình nhất của tràn dịch màng phổi. Đôi khi người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau âm ỉ ở bên phía ngực bị tràn dịch. Triệu chứng này thường sẽ rõ ràng hơn khi người bệnh nằm nghiêng hoặc có vật nặng đè lên phía ngực tràn dịch. Cơn đau tức ngực nghiêm trọng hơn khi ho, thở mạnh hoặc vận động. Đây không chỉ là một dấu hiệu tràn dịch màng phổi mà còn là biểu hiện cho thấy người bệnh đang mắc phải bệnh lý về hô hấp.
  • Khó thở: Đây là một trong các triệu chứng điển hình khác của tràn dịch màng phổi. Tình trạng khó thở sẽ phụ thuộc vào mức độ tràn dịch trong khoang màng phổi, khó thở tăng dần lên khi mức độ tràn dịch cũng tăng dần.
  • Ho: Ho cũng là một triệu chứng điển hình của tràn dịch màng phổi. Lúc đầu, người bệnh chỉ bị ho nhẹ hoặc ho khan. Tuy nhiên, càng về sau thì mức độ ho càng tăng như tăng tần suất ho, ho khi vận động, ho có đờm.
  • Sốt nhẹ: Ở người bị tràn dịch màng phổi sẽ xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ. Sau đó, nhiệt độ của cơ thể sẽ tăng dần và đạt ngưỡng từ 39 - 40 độ C. Lúc này, màng phổi có thể bị viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng.
  • Ăn uống kém: Người bị tràn dịch màng phổi sẽ có cảm giác chán ăn do cơ thể mệt mỏi, không có sức sống. Tình trạng này thường xảy ra khi hệ miễn dịch cơ thể đang suy yếu. Mặt khác, nếu người bệnh thường xuyên chán ăn sẽ càng khiến cho bệnh tình trở nên nặng hơn.
Tổng hợp các dấu hiệu tràn dịch màng phổi bạn không nên bỏ qua 2
Đau ngực là một dấu hiệu tràn dịch màng phổi điển hình

Những dấu hiệu tràn dịch màng phổi nêu trên thường không rõ ràng nên dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường.

Bên cạnh đó, một số dấu hiệu tràn dịch màng phổi cho thấy bệnh đang chuyển biến nặng khi không có phác đồ điều trị phù hợp như:

  • Đau và tức ngực khi không vận động;
  • Sụt cân đột ngột;
  • Cơ thể thiếu sức sống;
  • Ho nhiều, ho có đờm và ho khạc ra máu;
  • Thở nhanh, hơi thở nông;
  • Ra nhiều mồ hôi;
  • Môi và các đầu chi tím tái;
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, rét run, môi khô và lưỡi bẩn;
  • Có các dấu hiệu bị thiếu máu như mạch đập nhanh, da xanh tái và niêm mạc nhợt.

Những biểu hiện trên cho thấy tình trạng tràn dịch màng phổi đã trở nên nghiêm trọng. Vì thế, bạn không nên chủ quan mà hãy đến bệnh viện để kiểm tra hô hấp càng sớm càng tốt nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vậy chẩn đoán tràn dịch màng phổi như thế nào?

Tổng hợp các dấu hiệu tràn dịch màng phổi bạn không nên bỏ qua 3
Các đầu chi tím tái cho thấy bệnh tràn dịch màng phổi đã trở nên nghiêm trọng

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi như thế nào?

Để đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh tràn dịch màng phổi, các bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau, bao gồm:

Khám lâm sàng

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng cho người bệnh. Bác sĩ sẽ nghi ngờ bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi thông qua các triệu chứng như sốt, ho, đau ngực, tức ngực, khó thở,… kết hợp với nghe phổi bằng ống nghe và gõ ngực để nhận biết âm thanh phát ra. Tuy nhiên, những chẩn đoán sơ bộ ban đầu chỉ nhằm mục đích định hướng cho các chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng tiếp đó.

Khám cận lâm sàng

Những kỹ thuật cận lâm sàng thường được thực hiện nhằm xác định chẩn đoán tràn dịch màng phổi bao gồm:

  • Siêu âm ngực: Đây là phương pháp cận lâm sàng được chỉ định đầu tiên khi có nghi ngờ bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi. Kỹ thuật này khá đơn giản, an toàn và chi phí thấp nên rất phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau. Trên hình ảnh siêu âm thu được sẽ thấy rõ lượng dịch ở trong khoang màng phổi. Hơn nữa, siêu âm ngực còn hỗ trợ điều hướng những thủ thuật khác như hút dịch phổi làm xét nghiệm, sinh thiết…
  • Chụp X-quang lồng ngực: Thông qua hình ảnh thu được trên phim X-quang ngực có thể thấy được dịch bị ứ đọng trong phổi, màng phổi và kể cả tim. Đồng thời, bác sĩ biết được lượng dịch bị ứ đọng lại nhiều hay ít, thậm chí là xác định được nguyên nhân gây bệnh.
  • Chụp CT Scanner lồng ngực: Hình ảnh thu được trong chụp CT lồng ngực sẽ cung cấp cho bác sĩ nhiều thông tin về bệnh hơn X-quang ngực, bao gồm cả xương, mạch máu và mô mềm xung quanh. Do đó, kết quả chụp CT có thể giúp bác sĩ phát hiện ra được tình trạng tràn dịch màng phổi, các tổn thương ở phổi, tình trạng viêm nhiễm hoặc các hạt lao phổi gây ra bệnh lý.
Tổng hợp các dấu hiệu tràn dịch màng phổi bạn không nên bỏ qua 4
Siêu âm ngực là một phương pháp hỗ trợ chẩn đoán tràn dịch màng phổi

Bên cạnh những phương pháp chẩn đoán được nêu trên, việc xác định được chính xác về nguyên nhân gây bệnh là một yếu tố rất quan trọng để quyết định phác đồ điều trị tràn dịch màng phổi hiệu quả. Theo đó, lao màng phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tràn dịch màng phổi. Vì thế, trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ tràn dịch màng phổi do lao phổi thì có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm tìm vi khuẩn lao, bao gồm:

  • Chọc hút dịch màng phổi;
  • Soi tìm vi khuẩn dưới kính hiển vi;
  • Nuôi cấy vi khuẩn trong môi trường đặc biệt;
  • Sử dụng kỹ thuật PCR;
  • Xét nghiệm Xpert - MTB.

Tóm lại, các dấu hiệu tràn dịch màng phổi ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng nên dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, khi tình trạng tràn dịch trở nên nghiêm trọng hơn thì các triệu chứng của bệnh được thể hiện rõ ràng hơn. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh tràn dịch màng phổi và phương pháp chẩn đoán bệnh lý này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin