Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu

Ngày 28/10/2024
Kích thước chữ

Kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu là một phương pháp can thiệp hiện đại, nhằm giảm thiểu tổn thương cho cơ thể trong quá trình điều trị các vấn đề liên quan đến khoang màng phổi. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kĩ hơn về kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu này qua bài viết dưới đây nhé!

Khoang màng phổi ở người bình thường chứa lượng nhỏ dịch bôi trơn. Tuy nhiên, khi lượng dịch này tăng hoặc xuất hiện các thành phần như máu, mủ… sẽ khiến người bệnh khó thở, hôn mê, cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu. Mở màng phổi tối thiểu là một kỹ thuật y học tiên tiến, đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý liên quan đến khoang màng phổi. Kỹ thuật này không chỉ giúp giảm thiểu tổn thương cho bệnh nhân mà còn tối ưu hóa quá trình phục hồi chức năng phổi.

Mục tiêu của kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu

Mục tiêu của kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu như sau:

  • Khôi phục áp lực âm trong khoang màng phổi để giúp phổi hoạt động bình thường, co giãn dễ dàng.
  • Ngăn ngừa các rối loạn huyết động có thể xảy ra khi gặp tràn khí hoặc tràn máu trong khoang màng phổi có áp lực.
  • Điều trị và theo dõi tình trạng tràn mủ cũng như tràn máu trong khoang màng phổi.

Khi nào nên chỉ định kỹ thuật mở màng phổi?

Việc mở màng phổi, đặc biệt là đặt ống thông vào lồng ngực, có thể được xem xét trong các tình huống sau:

Tràn dịch màng phổi:

  • Tràn dịch vô trùng.
  • Tràn dịch nhiễm trùng (gồm dịch viêm và tràn mủ màng phổi)
  • Tràn dịch ác tính.
  • Tràn dưỡng chấp màng.
  • Thủng thực quản dẫn đến rò dịch dạ dày và khí vào khoang màng phổi.
Tìm hiểu về kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu hiện nay 1
Mở màng phổi có thể được chỉ định khi bệnh nhân bị tràn dịch màn phổi

Tràn khí màng phổi:

  • Tràn khí màng phổi tự phát.
  • Tràn khí màng phổi do chấn thương ngực kín.
  • Tràn khí màng phổi do can thiệp y tế (như đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, chọc hút dịch màng phổi...).
  • Tràn khí màng phổi áp lực.
  • Tràn khí màng phổi trung thất.
  • Tràn khí màng phổi do rò khí sau khi phẫu thuật cắt phổi.
  • Dò phế quản sau phẫu thuật hoặc do thở máy.

Tràn máu màng phổi:

  • Chấn thương ngực.
  • Sau phẫu thuật ở vùng ngực hoặc bụng trên.
  • Các bệnh lý liên quan đến tim mạch hoặc động mạch chủ (như nhồi máu cơ tim, phình bóc tách động mạch chủ ngực cấp, chấn thương động mạch chủ ngực).

Gây dính màng phổi bằng hóa chất:

  • Tràn khí màng phổi tái phát.
  • Tràn dịch màng phổi với nguy cơ tái phát nhanh do các bệnh lý ác tính.

Chống chỉ định mở màng phổi

Mở màng phổi không có chống chỉ định tuyệt đối, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có tình trạng phổi dính chặt vào thành ngực hoặc có màng phổi bị vách hoá nhiều.

Chống chỉ định tương đối áp dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ chảy máu do rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông. Trong những tình huống này, thủ thuật có thể được thực hiện nếu đã truyền đủ các yếu tố đông máu và tiểu cầu, đảm bảo rằng nguy cơ chảy máu được giảm xuống mức thấp hơn (tiểu cầu > 60G/L và APTT bệnh/chứng < 1.5).

Các tai biến và biến chứng có thể xảy ra là gì?

Dưới đây là một số tai biến hoặc biến chứng có thể xảy ra khi mở màn phổi:

  • Chảy máu khó kiểm soát tại vị trí dẫn lưu có thể xảy ra do rối loạn đông máu hoặc do mạch máu bị cắt trong quá trình mở dẫn lưu.
  • Thao tác không cẩn thận có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan trong lồng ngực như tim, phổi và mạch máu, thậm chí gây hại cho gan hoặc lách nếu vị trí không được xác định chính xác.
  • Có nguy cơ làm tổn thương các mạch máu lớn như động mạch chủ, động mạch liên sườn và có thể dẫn đến tình trạng tràn khí dưới da.
  • Hiện tượng tái tuần hoàn xảy ra khi dịch màng phổi được tháo ra quá nhanh có thể gây phù phổi cấp.
  • Nhiễm trùng tại vị trí dẫn lưu và viêm mủ màng phổi cũng là những biến chứng có thể gặp.
  • Ngoài ra, ống dẫn lưu có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc do vị trí đặt ống không chính xác.

Chuẩn bị cho việc mở màng phổi

Nhân sự thực hiện

Một bác sĩ đã được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật này và một điều dưỡng có kinh nghiệm sẽ hỗ trợ bác sĩ trong quá trình mở màng phổi.

Tìm hiểu về kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu hiện nay 1
Cần chuẩn bị đầy đủ ekip với nhân sự có kinh nghiệm khi thực hiện phẫu thuật mở màng phổi

Người bệnh

Cần giải thích rõ ràng về thủ thuật cho bệnh nhân hoặc người thân của họ. Trong tình huống khẩn cấp, có thể không thực hiện được việc giải thích. Người bệnh nên được đặt ở tư thế nằm ngửa, với đầu cao, tay bên thực hiện thủ thuật nằm dưới đầu bệnh nhân để lộ rõ vùng tam giác an toàn. Vị trí mở dẫn lưu nằm trong tam giác an toàn, được xác định bởi: Bờ trước là cơ ngực lớn, bờ sau là cơ lưng rộng và bờ dưới là khoang liên sườn số 5.

Dụng cụ và thiết bị

Cần có một bộ dụng cụ mở màng phổi, được đóng gói trong một hộp vô khuẩn, bao gồm: Một dao mổ với cán cỡ 11, một số dụng cụ phẫu thuật như Pinch, kẹp phẫu tích, và đặc biệt là một Pinch cong đầu tù để bóc tách các lớp cơ của khoang màng phổi. Thêm vào đó, cần có một khăn vô khuẩn với lỗ đường kính 10cm, một xi lanh 10ml, một xi lanh 20ml, thuốc gây tê, ống dẫn lưu bằng Silicon chống dính để ngăn ngừa cục máu đông, có kích thước theo chỉ định dẫn lưu. Hệ thống hút dẫn lưu kín cần phải có áp lực âm liên tục.

Hồ sơ bệnh án

Cần kiểm tra lại hồ sơ bệnh án, bao gồm giấy cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật từ bệnh nhân hoặc người nhà, cũng như phiếu ghi chép theo dõi quá trình thực hiện thủ thuật.

Khi nào rút dẫn lưu màng phổi?

Thời điểm rút dẫn lưu

Dẫn lưu khí: Sau khi kẹp dẫn lưu từ 12 - 24 giờ, cần chụp X-quang phổi để xác nhận không còn tràn khí.

Dẫn lưu dịch màng phổi: Thực hiện khi lượng dịch chảy ra còn dưới 200ml/24 giờ, tình trạng bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện và X-quang phổi cho thấy phổi đã nở hoàn toàn.

Tìm hiểu về kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu hiện nay 3
Chụp X-quang phổi giúp bác sĩ xác nhận không còn tràn khí

Trong trường hợp tràn máu màng phổi hoặc dày dính màng phổi, nếu tình trạng không tiến triển sau khi dẫn lưu, có thể cần xem xét việc mở màng phổi rộng để bóc tách.

Kỹ thuật rút dẫn lưu

Khi rút dẫn lưu, nên thực hiện vào thời điểm bệnh nhân hít vào sâu nhất, rồi bắt đầu thở ra. Phương pháp này giúp giảm đau cho bệnh nhân và ngăn chặn hiện tượng tràn khí trở lại qua lỗ dẫn lưu.

Tóm lại, kỹ thuật mở màng phổi là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực y học, mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và đội ngũ y tế. Với khả năng giảm thiểu tổn thương mô, rút ngắn thời gian hồi phục và hạn chế biến chứng, kỹ thuật này đã chứng minh được giá trị của mình trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến khoang màng phổi.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin