Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về phẫu thuật tạo đường vào mạch máu chạy thận

Ngày 24/12/2023
Kích thước chữ

Đường vào mạch máu chạy thận có vai trò quan trọng trong quá trình lọc máu và điều chỉnh cân bằng nước và các chất điện giải trong cơ thể của người bị suy thận, viêm thận,...

Đường vào mạch máu chạy thận đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể bệnh nhân bị suy thận, sỏi thận. Vậy cụ thể đường vào mạch máu chạy thận là gì và khi thực hiện phẫu thuật có rủi ro gì không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết này ngay sau đây nhé!

Đường vào mạch máu chạy thận là gì?

Ở giai đoạn cuối của bệnh suy thận, chức năng lọc độc chất của thận bị suy giảm, do đó cơ thể không thể tự loại bỏ chúng. Để giải quyết vấn đề này, máy lọc máu được sử dụng để kết nối với cơ thể bệnh nhân thông qua đường vào mạch máu chạy thận. Máy lọc máu sẽ đưa máu qua một màng lọc, loại bỏ các chất độc và trả lại máu đã được lọc sạch cho cơ thể bệnh nhân.

Người bệnh cần đến cơ sở y tế để thực hiện phương pháp lọc máu này thường xuyên, trung bình khoảng 3 lần mỗi tuần, và mỗi lần điều trị kéo dài từ 3 đến 4 tiếng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

Tìm hiểu về phẫu thuật đường vào mạch máu chạy thận 1
Đường vào mạch máu chạy thận sẽ giúp bệnh nhân suy thận lọc chất độc trong máu

Các loại đường vào mạch máu chạy thận

Có ba loại đường vào mạch máu chạy thận chính để thực hiện quá trình lọc máu: Cầu nối động tĩnh mạch tự thân (AVF, Arteriovenous fistula), cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo (AVG, Arteriovenous graft) và catheter tĩnh mạch trung tâm để lọc máu (Dialysis catheter). Bác sĩ sẽ tùy thuộc vào tình trạng và tình huống lọc máu của từng bệnh nhân để quyết định đường tiếp cận phù hợp.

Cầu nối động tĩnh mạch tự thân (AVF, Arteriovenous fistula)

Cầu nối động tĩnh mạch tự thân được coi là lựa chọn "lý tưởng nhất" cho người bệnh thận mạn.

Quá trình phẫu thuật AVF được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật mạch máu nhằm nối tĩnh mạch vào động mạch, tạo thành một đường thông để máu chảy từ động mạch sang tĩnh mạch trở về tim. Khi hai mạch này được nối với nhau, lưu lượng máu trong tĩnh mạch tăng lên và áp lực trong tĩnh mạch tăng cao, làm cho tĩnh mạch trở nên chắc khỏe hơn. Điều này làm cho việc chọc kim để lọc máu dễ dàng hơn và quá trình lọc máu có thể được lặp lại nhiều lần.

Ưu điểm của cầu nối động tĩnh mạch tự thân bao gồm lưu lượng máu tốt, ít nhiễm trùng và ít nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn. Đây là loại đường tiếp cận mạch máu có độ bền lâu nhất và mang lại hiệu quả tốt trong quá trình lọc máu.

Phương pháp sử dụng ống ghép mạch máu nhân tạo để tạo cầu nối động tĩnh mạch

Trong những trường hợp mạch máu của bệnh nhân quá nhỏ hoặc đã thực hiện phẫu thuật cầu nối động tĩnh mạch tự thân mà không thành công hoặc hiện không có vị trí thuận lợi để thực hiện phẫu thuật cầu nối tự thân, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo.

Phẫu thuật này bao gồm sử dụng một ống mạch máu nhân tạo được đặt ở lớp dưới da của bệnh nhân, với hình dạng ống tạo thành một đường cong U. Một đầu của ống được kết nối với động mạch cung cấp máu và đầu còn lại được nối vào tĩnh mạch. Sau ít nhất hai tuần sau phẫu thuật, bác sĩ có thể thực hiện việc đâm kim vào ống ghép để tiến hành quá trình lọc máu cho bệnh nhân.

Tìm hiểu về phẫu thuật đường vào mạch máu chạy thận 2
Phương pháp AVF được sử dụng khi mạch máu của bệnh nhân quá nhỏ

Cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo (AVG) sử dụng vật liệu ghép ngoại lai, do đó có nguy cơ cao hơn về nhiễm trùng và hình thành cục máu đông so với cầu nối tự thân (AVF). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chăm sóc tốt, ống ghép này có thể tồn tại trong vài năm trước khi mất chức năng.

Thiết bị Catheter lọc máu (Dialysis catheter)

Thiết bị Catheter lọc máu, hay còn được gọi là ống thông tĩnh mạch trung tâm để lọc máu, được đặt vào các tĩnh mạch lớn ở vị trí cổ, ngực hoặc bẹn của bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của siêu âm.

Phương pháp này thường được sử dụng cho những bệnh nhân cần lọc máu do suy thận đột ngột mà không đủ thời gian để chờ cho việc tạo cầu nối mạch máu tự thân (AVF) hoặc cầu nối bằng ống ghép (AVG) ổn định để thực hiện quá trình chạy thận. Do đó, nó chỉ được sử dụng để thực hiện thận nhân tạo trong thời gian ngắn, nhằm giúp kéo dài thời gian để các cầu nối khác có thể hoạt động tốt. Khi các cầu nối động tĩnh mạch đủ điều kiện để thực hiện quá trình chạy thận, các catheter này sẽ được gỡ bỏ.

Một số loại đường vào mạch máu chạy thận khác

Về cơ chế chung, các đường tiếp cận mạch máu nhằm mục tiêu lấy một lượng máu lớn từ bệnh nhân và đưa vào máy lọc, sau đó trả lại toàn bộ máu đã được lọc để loại bỏ chất độc. Còn một số thiết bị khác phù hợp với từng nhóm bệnh nhân cụ thể như: Thiết bị HeRO graft (Hemodialysis Reliable Outflow Graft). Đối với những bệnh nhân có tình trạng hẹp tĩnh mạch chủ trên gây thất bại cho phẫu thuật tạo cầu nối động tĩnh mạch, thiết bị HeRO giúp đặt một ống mở rộng tĩnh mạch chủ trên và làm cho dòng máu thông thoáng hơn.

Ý nghĩa của phẫu thuật tạo đường vào mạch máu chạy thận

Phẫu thuật tạo đường vào mạch máu chạy thận đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại của bệnh nhân sử dụng máy lọc thận nhân tạo, có thể coi như "mạch máu sinh tồn" của họ. Thủ thuật này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thành công của quá trình lọc máu, mà còn có tác động đáng kể đến khả năng sống sót của người bệnh.

Lối vào mạch máu đảm bảo sự tuần hoàn liên tục của máu qua máy lọc thận trong quá trình chạy thận nhân tạo, giúp loại bỏ nhiều chất độc khỏi hệ tuần hoàn của bệnh nhân mỗi khi thực hiện chạy thận. Phẫu thuật tạo lối vào mạch máu cần được thực hiện vài tuần (khi sử dụng ống ghép) hoặc vài tháng trước lần chạy thận nhân tạo đầu tiên. Nếu đường vào mạch máu được thiết lập tốt trong lần chạy thận đầu tiên, triển vọng sống của bệnh nhân sẽ được cải thiện.

Phẫu thuật tạo đường mạch máu chạy thận có rủi ro không?

Các loại đường vào mạch máu đều có khả năng gặp rủi ro sau phẫu thuật, có thể yêu cầu can thiệp điều trị hoặc phẫu thuật để khắc phục. Đường vào mạch máu sau phẫu thuật có thể bị nhiễm trùng, hẹp hoặc gặp vấn đề về cục máu đông tại điểm tiếp cận.

Đối với cầu nối động tĩnh mạch tự thân, tần suất nhiễm trùng thường thấp hơn so với cầu nối nhân tạo hoặc catheter. Cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép thường gặp vấn đề nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn do cục máu đông tạo ra trên điểm tiếp cận, gây giảm lưu lượng máu. Trong trường hợp cầu nối động tĩnh mạch tự thân bị hẹp gây suy giảm lưu lượng chạy thận, bệnh nhân có thể cần can thiệp nong mạch máu để mở rộng phần bị hẹp hoặc phẫu thuật để sửa chữa.

Catheter có nguy cơ nhiễm trùng và cục máu đông cao nhất và nếu nhiễm trùng catheter được xác định, bác sĩ sẽ rút và thay đường vào mạch máu ở vị trí khác nếu cần thiết.

Tìm hiểu về phẫu thuật đường vào mạch máu chạy thận 3
Phương pháp Catheter có nguy cơ hình thành cục máu đông cao nhất

Trên đây là một số thông tin về phẫu thuật tạo đường vào mạch máu chạy thận. Việc xác định thời điểm và phẫu thuật tạo đường vào mạch máu sớm cho bệnh nhân chạy thận cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm, cơ sở vật chất, hiện đại, phòng phẫu thuật vô khuẩn, vô trùng để quá trình tạo đường vào mạch máu chạy thận được diễn ra thuận lợi, ít biến chứng nhất.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin