Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tìm hiểu về tán sỏi thận qua da - phương pháp điều trị sỏi thận

Ngày 24/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sỏi thận là căn bệnh khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến người bệnh dù là nam hay nữ. Hiện đã có nhiều phương pháp trị sỏi thận, trong đó có phương pháp tán sỏi thận qua da. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu tán sỏi thận qua da là gì nhé!

Sỏi thận là một trong những bệnh lý đường tiết niệu và thường gặp ở nam giới trung niên. Nếu sỏi thận không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm đài bể thận, ứ mủ thận, nhiễm khuẩn tiết niệu, áp xe thận,.... Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận trong đó có tán sỏi thận qua da.

Phương pháp điều trị tán sỏi thận qua da là gì?

Trước khi tìm hiểu phương pháp tán sỏi thận qua da, chúng ta cần hiểu sỏi thận là gì trước nhé. 

Sỏi thận là những tinh thể khoáng chất hòa tan trong nước tiểu, lắng đọng tại vị trí đài thận hoặc bể thận của bệnh nhân thành những cục sỏi rắn. Tùy thuộc vào thời gian và sự lắng đọng mà kích thước của các viên sỏi là khác nhau. Sỏi thận di chuyển theo dòng chảy của nước tiểu, khi di chuyển thường gây cảm giác đau, khó chịu và thậm chí để lại những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

tim-hieu-ve-tan-soi-than-qua-da-phuong-phap-dieu-tri-soi-than 1.jpg
Sỏi thận là bệnh lý thường gặp ở đường tiết niệu gây ra cảm giác đau và khó chịu cho người bệnh

Tán sỏi thận qua da là một phương pháp điều trị nội soi sỏi thận bằng cách dùng năng lượng laser để phá vỡ sỏi. Đây được cho là phương pháp ít xâm lấn, an toàn, tỷ lệ sạch sỏi cao, nguy cơ gây ra những biến chứng thấp và thời gian phục hồi ngắn. Phương pháp này trở thành giải pháp thay thế các phương pháp điều trị sỏi thận truyền thống. 

Quy trình tán sỏi thận qua da

Sau khi bệnh nhân được thực hiện các bước khám và thực hiện cận lâm sàng, tình hình sức khỏe ổn định thì sẽ được phẫu thuật. Tán sỏi thận qua da được thực hiện theo quy trình dưới đây:

Bước 1: Vô cảm

Bệnh nhân sẽ được vô cảm bằng cách gây mê toàn thân nội khí quản hoặc gây tê tủy sống.

tim-hieu-ve-tan-soi-than-qua-da-phuong-phap-dieu-tri-soi-than 2.jpg
Vô cảm người bệnh bằng cách gây tê tủy sống để thực hiện tán sỏi thận qua da

Bước 2: Đặt ống thông niệu quản (Catheter)

Bệnh nhân được đặt nằm ở tư thế sản khoa, bác sĩ đưa ống soi vào bàng quang lên niệu quản, soi vào bể thận và đặt ống thông niệu quản.

Bước 3: Chọc dò đài bể thận

Lúc này, bệnh nhân được chuyển tư thế sang nằm nghiêng có sự kê độn phía thắt lưng hoặc dưới bụng. Bác sĩ thông qua C-Arm hoặc máy siêu âm định vị để tiến hành chọc dò đài bể thận. Vị trí chọc dò được lựa chọn để chọc đường hầm là vùng giữa xương sườn số 11, 12 hoặc dưới xương sườn số 12 nằm trên đường nách sau. 

Bước 4: Thực hiện tán sỏi thận qua da

Bác sĩ sẽ rút kim chọc dò sau đó đặt dây dẫn đầu cong vào đài bể thận và thực hiện nong đường hầm theo dây dẫn. Tiếp đó, đặt ống tạo đường hầm qua da vào đài bể thận. Thông qua đường hầm, bác sĩ dùng ống kính soi niệu quản để xác định vị trí, số lượng sỏi. Sau đó tán sỏi thành những mảnh nhỏ bằng năng lượng laser kết hợp bơm rửa và lấy sỏi ra ngoài.

Bước 5: Đặt ống thông niệu quản và dẫn lưu đài bể thận

Bác sĩ đặt ống sonde JJ xuôi dòng vào niệu quản người bệnh. Ống thông niệu quản có thể được đặt ngược dòng nếu không thể thực hiện đặt xuôi dòng. Khi sức khỏe người bệnh ổn định, ống thông niệu quản sẽ được rút ra.

tim-hieu-ve-tan-soi-than-qua-da-phuong-phap-dieu-tri-soi-than 3.jpg
Đặt sonde JJ vào niệu quản người bệnh và dẫn lưu đài bể thận qua da

Ưu điểm và khuyết điểm của tán sỏi thận qua da

Tán sỏi thận qua da được xem là phương pháp điều trị sỏi thận tiên tiến nhất hiện nay. Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp truyền thống khác như:

  • Hạn chế tối đa đau đớn trong quá trình điều trị.
  • Ít xâm lấn và bảo tồn chức năng của thận.
  • Phục hồi nhanh và thời gian nằm viện ngắn.
  • Nguy cơ gặp biến chứng sau điều trị thấp.
  • Xử lý sạch sỏi và tỷ lệ tái phát bệnh thấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mà phương pháp tán sỏi thận qua da mang lại thì cũng còn một số khuyết điểm. Chi phí thực hiện phương pháp điều trị này cao bởi việc sử dụng vật tư gồm bộ nong thận, ống đặt thông niệu quản, amplatz hay một số thiết bị hỗ trợ khác đòi hỏi chi phí cao hơn phương pháp điều trị sỏi thận truyền thống. Bên cạnh đó, việc tán sỏi thận qua da cũng đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải được đào tạo tốt về kỹ thuật và chiến thuật để mang lại hiệu quả cao nhất.

tim-hieu-ve-tan-soi-than-qua-da-phuong-phap-dieu-tri-soi-than 4.jpg
Phương pháp tán sỏi thận qua da đòi hỏi chi phí cao

Cách chăm sóc sau khi thực hiện tán sỏi thận qua da

Sau khi thực hiện tán sỏi thận qua da xong nếu người bệnh có những triệu chứng như buồn nôn, khó chịu quá mức thì phải báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng để kịp thời xử lý.

Ngày đầu tiên sau khi thực hiện tán sỏi, bệnh nhân có thể ăn thức ăn nhẹ, mềm dễ tiêu hóa. Người bệnh hạn chế vận động nhiều hoặc vận động mạnh.

Trong ngày thứ 2, bệnh nhân sẽ được gặp bác sĩ điều trị để kiểm tra sót sỏi và rút ống dẫn lưu. Tại vị trí rút ống dẫn lưu có thể xuất hiện tình trạng nước tiểu bị rỉ ra. Người bệnh không nên hoang mang vì đây là hiện tượng bình thường và nó sẽ chấm dứt sau 3 đến 6 giờ sau khi băng ép. Nếu bệnh nhân thấy tình trạng này kéo dài thì báo cho điều dưỡng biết để xử lý kịp thời.

Sau 7 đến 10 ngày, bệnh nhân có thể trở lại hoạt động bình thường mà không cần duy trì chế độ điều trị đặc biệt nào. Cần lưu ý rằng, hãy uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày nhé.

Trên đây là toàn bộ thông tin về việc điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi thận qua da mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến bạn. Hy vọng thông qua bài viết, các bạn sẽ hiểu hơn về quy trình thực hiện, ưu và nhược điểm của phương pháp cũng như cách chăm sóc sau khi thực hiện tán sỏi thận.

Kim Sa

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm