Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về thoát mạch thuốc cản quang trong thăm khám bằng kỹ thuật hình ảnh

Ngày 25/08/2024
Kích thước chữ

Hiện nay, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao tính chính xác trong chẩn đoán bệnh lý. Tuy nhiên, khi thực hiện một số kỹ thuật hình ảnh cần sử dụng chất cản quang, một chất vừa có lợi lại vừa mang lại những rủi ro nhất định cho người bệnh. Trong đó, thoát mạch thuốc cản quang trong thăm khám bằng kỹ thuật hình ảnh là một trong những biến chứng cần được chú trọng.

Chất cản quang được sử dụng khá nhiều trong một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh bên trong cơ thể, giúp các bác sĩ phát hiện được các bất thường của cơ thể. Việc sử dụng chất cản quang cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định đối với người bệnh. Thoát mạch thuốc cản quang trong thăm khám bằng kỹ thuật hình ảnh là biến chứng nguy hiểm mà người bệnh và các nhân viên y tế cần chú ý.

Thoát mạch thuốc cản quang là gì?

Thuốc cản quang có bản chất là polymer liên kết với iod và chính lượng iod gắn kết với polymer sẽ quyết định tác dụng của thuốc cản quang. Thuốc cản quang có chứa iod được sử dụng rộng rãi và khá phổ biến trên toàn thế giới. Thuốc cản quang sẽ làm thay đổi tạm thời khả năng tương tác của cơ thể với tia X hay các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác, làm cho cấu trúc của các mô trong cơ thể hiển thị trên hình ảnh chụp được khác biệt so với lúc chưa sử dụng thuốc cản quang.

Thoát mạch thuốc cản quang (Contrast media extravasation) là sự rò rỉ chất cản quang từ khoang nội mạch vào các mô mềm xung quanh. Đây là một biến chứng có thể gặp phải trong quá trình chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang và sẽ hiếm gặp hơn trong chụp MRI. Tỷ lệ xuất hiện biến chứng thoát mạch thuốc cản quang tương đối thấp, khoảng 0.13 - 0.68%. Bên cạnh biến chứng này, người bệnh có thể sẽ gặp các tác dụng phụ khác liên quan đến sự thay đổi cấu trúc da hay thậm chí có thể gây ra hoại tử da.

thoat-mach-thuoc-can-quang-trong-tham-kham-bang-ky-thuat-chan-doan-hinh-anh 1.jpg
Thoát mạch thuốc cản quang thường gặp trong chụp CTScan hơn MRI

Thoát mạch thuốc cản quang có biểu hiện như thế nào?

Triệu chứng của thoát mạch thuốc cản quang khá đa dạng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, một số triệu chứng điển hình bao gồm đau, nhức, cảm giác nóng rát tại vị trí thoát thuốc. Thông thường, hầu hết các trường hợp thoát mạch sẽ có thể tự tiêu biến trong vòng 2 - 4 ngày mà không cần can thiệp y tế. 

Ở những giai đoạn đầu, việc xác định tình trạng thoát mạch sẽ tự thuyên giảm hay sẽ tiến triển thành loét hoặc hoại tử là rất khó khăn. Chính vì thế, sau khi tiêm thuốc cản quang cần chú ý một số dấu hiệu có thể gợi ý tình trạng tổn thương đang diễn tiến nặng hơn và cần có sự can thiệp từ bác sĩ:

  • Da có dấu hiệu bỏng;
  • Đau, sưng tấy, phù, đau nhiều khi chạm vào vùng tiêm, cảm giác đau gia tăng và tồn tại sau 4 tiếng kể từ thời điểm tiêm;
  • Da căng tức và có ngứa;
  • Thay đổi tưới máu phần mềm biểu hiện bằng sự thay đổi màu sắc da;
  • Loạn cảm…
thoat-mach-thuoc-can-quang-trong-tham-kham-bang-ky-thuat-chan-doan-hinh-anh 2.jpg
Triệu chứng của thoát mạch thuốc cản quang

Yếu tố làm tăng nguy cơ thoát mạch thuốc cản quang là gì?

Người bệnh: Một số đối tượng có khả năng cao xuất hiện tình trạng thoát mạch thuốc cản quang bao gồm người già, trẻ em, trẻ sơ sinh, người bệnh đang hôn mê, lú lẫn do không nhận biết được cơn đau tại vị trí tiêm. Những người đang được điều trị bằng hóa chất thì hệ thống ven tĩnh mạch sẽ giòn và dễ vỡ hơn. Bên cạnh đó, tổn thương thoát mạch cũng thường gặp ở nhóm người có ít cơ bắp, tổ chức dưới da mỏng hoặc bị teo nhỏ. Những người có hệ thống động mạch suy giảm (như người mắc bệnh xơ vữa động mạch, đái tháo đường…), có sự chèn ép tĩnh mạch (viêm tắc) hay chèn ép dẫn lưu hệ mạch mạch (do phẫu thuật, phẫu thuật hạch, xơ sau xạ trị…) sẽ khiến cho sự lưu thông thuốc khó khăn hơn.

Bản chất thuốc cản quang: Các thuốc cản quang có trọng lượng phân tử càng thấp thì khả năng hấp thu sẽ tốt hơn các thuốc cản quang có phân tử cao.

Lượng thuốc thoát mạch: Phần lớn trường hợp thoát thuốc với một lượng nhỏ thì triệu chứng sẽ tự thuyên giảm sau 24 giờ. Tuy nhiên, nếu lượng thuốc thoát ra lớn khoảng 10ml thì có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến nhu mô như loét nặng và hoại tử. Sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu tiêm thuốc cản quang bằng máy bơm tự động và trị trí tiêm không đủ gần để tiện theo dõi và kiểm soát.

Yếu tố về vị trí tiêm: Thông thường, tỷ lệ rò rỉ thuốc sẽ xảy ra cao hơn ở những đường truyền tĩnh mạch tại mu bàn tay, cổ tay, bàn chân và mắt cá chân.

Yếu tố về tốc độ tiêm.

Yếu tố về kích cỡ kim tiêm: Nên sử dụng kim cỡ lớn 22G, rủi ro xảy ra cao hơn đối với cỡ kim 18G và 20G.

thoat-mach-thuoc-can-quang-trong-tham-kham-bang-ky-thuat-chan-doan-hinh-anh 3.jpg
Nhiều yếu tố làm tăng khả năng xảy ra thoát mạch thuốc cản quang

Lưu ý khi sử dụng chất cản quang

Để hạn chế nguy cơ thoát mạch thuốc cản quang, các nhân viên y tế cần lưu ý:

  • Nên tiêm vào vị trí các tĩnh mạch lớn.
  • Nếu người bệnh đã được tạo đường truyền cố định trong vòng 20 giờ trước đó thì nên thay thế các Catheter tĩnh mạch.
  • Tránh tiêm nhiều lần tại cùng một đường tĩnh mạch.
  • Nên sử dụng thuốc cản quang không ion hoá.
  • Luôn theo dõi tình trạng của người bệnh kể từ lúc bắt đầu tiêm cho đến sau khi tiêm thuốc cản quang.

Khi sự cố thoát mạch xảy ra cần:

  • Dừng ngay lập tức việc tiêm thuốc cản quang và thông báo với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.
  • Nếu sự cố xảy ra trong quá trình chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang thì nhanh chóng hoàn thành việc chụp.
  • Không nên cố gắng hút ngược chất cản quang ra khỏi cơ thể.
  • Tiến hành chườm lạnh bằng túi đá hoặc gạc lạnh lên vùng da bị thoát mạch trong vòng 20 phút mỗi lần, lặp lại khoảng 4 lần/ngày, liên tục trong vòng 1 - 2 ngày.
  • Nâng cao vị trí bị thoát mạch.
  • Lưu bệnh nhân để theo dõi thêm ít nhất trong vòng 2 giờ và nên theo dõi cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc hết phù nện tại chỗ.

Việc tiêm thuốc cản quang vào cơ thể cho phép tiến hành thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, giúp bác sĩ quang sát rõ hơn đặc điểm bên trong cơ thể, góp phần nâng cao tính chính xác của chẩn đoán. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc tìm hiểu về thoát mạch thuốc cản quang trong thăm khám bằng kỹ thuật hình ảnh sẽ giúp bạn phát hiện sớm những bất thường để kịp thời xử trí cũng như theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân. Do đó, khi quyết định chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ có tiêm thuố cản quang, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở có uy tín và hỗ trợ hồi sức tốt, giảm nguy có biến chứng do thuốc cản quang gây ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Cơ thể người