Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá

Ngày 28/03/2023
Kích thước chữ

Tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá thường xảy ra khi có va chạm mạnh. Tai nạn này xuất hiện khá phổ biến trong thể thao và tương đối nguy hiểm. Hiểu đúng về hiện tượng này cũng như nắm rõ các bước sơ cứu phù hợp sẽ giúp bạn có hướng xử lý kịp thời khi gặp phải nạn nhân bị nuốt lưỡi.

Trong đời sống hằng ngày, chắc hẳn đã có đôi lần bạn nghe về hiện tượng "nuốt lưỡi". Đặc biệt, nếu là người thường xuyên theo dõi các tin tức thể thao, nhất là bóng đá thì đây không còn là một tai nạn xa lạ.

Nuốt lưỡi trong bóng đá là gì?

Hiện tượng nuốt lưỡi thường xảy ra với người bị mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, người bị động kinh… hoặc các trường hợp va chạm mạnh, đặc biệt là va chạm trong thi đấu các môn thể thao như: Bóng đá, bầu dục, khúc côn cầu,...

Nuốt lưỡi trong bóng đá là tình trạng cầu thủ bị bất tỉnh, lưỡi chèn đường thở gây tắc nghẽn dẫn đến khó thở, nhất là khi nạn nhân ở tư thế nằm ngửa. Trên thực tế không ai có khả năng tự nuốt lưỡi của mình. Tuy nhiên, nếu gặp phải hiện tượng nuốt lưỡi, các cơ điều khiển lưỡi sẽ giãn ra, bị kéo tụt dần xuống gốc lưỡi dẫn tới chắn đường thở và gây nhiều hệ quả khủng khiếp cho nạn nhân.

Tìm hiểu về tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá

Nuốt lưỡi trong bóng đá là tình trạng lưỡi chèn đường thở gây tắc nghẽn dẫn đến khó thở

Với một số chấn thương khác của bóng đá, cầu thủ vẫn có thể chơi tiếp. Thế nhưng riêng tình trạng nuốt lưỡi nếu không được xử lý kịp thời nạn nhân có thể mất mạng chỉ sau 2 phút. Tình trạng này khiến cầu thủ mất nhận thức do đột quỵ hoặc gặp chấn thương vùng mặt, đầu, gáy. Sau khi hết co giật, cơ thể chuyển sang trạng thái hôn mê và toàn bộ các cơ trở nên giãn ra.

Nuốt lưỡi trong bóng đá có nguy hiểm hay không?

Cũng như các hiện tượng nuốt lưỡi khác, tình trạng nuốt lưỡi trong bóng cũng là những tai nạn ảnh hưởng nghiêm trọng và gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân. Khi gặp va chạm mạnh, hệ thống cơ lưỡi con người không còn hoạt động theo cơ chế thông thường mà sẽ tụt vào trong gây nghẹt đường thở, cản trở đường hô hấp. Một số trường hợp còn có thể gây trào dịch dạ dày vào phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy và dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Khi gặp cầu thủ bóng đá bị nuốt lưỡi, nhiều người cho rằng cần đưa tay hoặc vật gì đó vào miệng nạn nhân, nhất là khi bị co giật để họ không thể tự cắn vào lưỡi. Nhưng trên thực tế đây không phải là phương pháp được khuyến khích cho người bị nuốt lưỡi. Thực hiện sơ cứu không đúng cách có thể ảnh hưởng đến công tác cứu chữa của nhân viên y tế và gây nguy hiểm đến tính mạng người bị nạn.

Tìm hiểu về tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá

Nếu sơ cứu không đúng cách nuốt lưỡi trong bóng đá có thể ảnh hưởng đến tính mạng

Nguyên tắc sơ cứu khi gặp tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá

Các bước thực hiện sơ - cấp cứu nạn nhân gặp tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá cần tuân theo các nguyên tắc sau:

Airway control - kiểm soát đường thở

Airway control - kiểm soát đường thở là làm sao cho đường thở được thông thoáng. Cụ thể:

  • Đặt nạn nhân bị nuốt lưỡi nằm nghiêng đầu, nâng 1 chân. Tuyệt đối không dùng khăn chắn hoặc cho que vào miệng nạn nhân.
  • Nếu nghi ngờ có tổn thương cần cố định cột sống cổ nạn nhân.
  • Giữ đầu ngửa và để cho đường thở của nạn nhân ở tư thế thẳng.
  • Nếu người sơ cứu có chuyên môn, có thể đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.

Breathing support - hỗ trợ hô hấp

Tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá nguy hiểm và để lại nhiều hậu quả xấu vì nó gây thiếu oxy cho nạn nhân. Do đó, cần tiến hành biện pháp hỗ trợ hô hấp, thông đường thở cho nạn nhân càng sớm càng tốt.

Circulating support - hỗ trợ tuần hoàn

Sau khi thực hiện 2 nguyên tắc trên, người sơ cứu có thể hỗ trợ tuần hoàn và cầm máu cho nạn nhân.

Tìm hiểu về tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá

Cần chú ý các nguyên tắc trong sơ cứu nuốt lưỡi trong bóng đá

Cách sơ cứu tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá đơn giản

Nhiều người khi phát hiện có nạn nhân bị nuốt lưỡi sẽ hoảng loạn và không biết nên làm gì. Trong trường hợp không phải là cán bộ y tế, bạn vẫn có thể thực hiện các bước sơ cứu đơn giản tương tự sơ cứu đột quỵ nuốt lưỡi như sau:

Bước 1 - Tạo không gian cho nạn nhân bị nuốt lưỡi

Đảm bảo không gian xung quanh an toàn cho nạn nhân là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong cấp cứu người gặp tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá. Cụ thể:

  • Tạo không gian thông thoáng.
  • Nới lỏng quần áo nạn nhân.
  • Tạo không gian an toàn bằng cách tránh xa nguồn điện, các vật sắc nhọn, khu vực quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Kê vật mềm hoặc gối dưới đầu nạn nhân để tránh tình trạng phần đầu nạn nhân tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Ghi nhớ thời gian bắt đầu co giật của người bị nạn.
  • Luôn theo dõi nạn nhân để có thể phát hiện và cấp cứu biến chứng kịp thời.

Bước 2 - Thực hiện thông đường thở cho nạn nhân

  • Dùng 1 tay kéo mạnh hàm dưới xuống và mở rộng miệng nạn nhân.
  • Lấy toàn bộ dị vật trong miệng cầu thủ ra, kể cả răng giả.
  • Có thể dùng phương pháp ấn ngực, vỗ lưng để tống hết dị vật trong đường thở nạn nhân ra ngoài.

Bước 3 - Kéo lưỡi

Dùng tay kéo lưỡi nạn nhân ra phía trước và chờ nhân viên y tế đến.

Tìm hiểu về tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá

Chú ý thực hiện thông đường thở cho người bị nuốt lưỡi

Câu hỏi thường gặp về tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá

Có nên vắt chanh vào miệng cầu thủ bị nuốt lưỡi hay không?

Mẹo dân gian truyền miệng cho rằng vắt chanh vào miệng nạn nhân bị nuốt lưỡi có thể giúp họ mau chóng hồi phục. Tuy nhiên, việc cho người bị nuốt lưỡi uống nước chanh hay trà đường trong khi đang bị co giật hay hôn mê là một kiến thức sai lầm. Người co giật đang mất ý thức sẽ không thể nuốt được và sặc vào phổi khiến tình trạng tắc đường thở trở nên trầm trọng hơn, gây viêm phổi và suy hô hấp.

Có nên cõng nạn nhân đưa đến cơ sở y tế không?

Câu trả lời là không. Hãy đặt nghiêng nạn nhân bị nuốt lưỡi và để họ được yên tĩnh chờ nhân viên cấp cứu tới. Cần lưu ý không được ghì chặt, bẻ thẳng tay chân nạn nhân. Nếu cố gắng giữ thẳng cơ thể có thể gây chấn thương cơ và xương của nạn nhân.

Có nên hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bị nuốt lưỡi không?

Tuyệt đối không được hô hấp nhân tạo cho nạn nhân khi gặp tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá vì:

  • Sau khi hết co giật nạn nhân nuốt lưỡi có thể tự thở lại.
  • Hô hấp nhân tạo sẽ chỉ làm người bị nuốt lưỡi dễ sặc hơn.

Bài viết trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu thêm về tình trạng nuốt lưỡi trong bóng đá và cách xử lý kịp thời. Dù nuốt lưỡi trong bóng đá là gì thì nó vẫn cực kỳ nguy hiểm đối với tính mạng của cầu thủ. Bạn cần ghi nhớ không chỉ cần sơ cứu kịp thời mà còn phải đúng cách để việc cấp cứu trở nên có hiệu quả và tránh để lại hệ quả xấu.

Minh QA

Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin