Tôm là một loại thủy hải sản được yêu thích ở mọi lứa tuổi. Thịt của tôm mềm, dai, thơm dịu, vị ngon ngọt. Riêng tôm biển có thêm chút vị mặn đặc trưng của nước biển. Tôm có thể chế biến thành nhiều món ngon như: Nướng, luộc, hấp bia, rang me, sốt chua ngọt… Để yên tâm ăn tôm mà không lo bị tăng cân hoặc gây hại sức khỏe, bạn tìm hiểu thông tin dưới đây nhé!
Tôm bao nhiêu calo?
Bạn hoàn toàn có thể thêm tôm vào bữa ăn giảm cân vì calo trong thực phẩm này ở mức thấp. Theo phân tích, 100g tôm chứa từ 92 calo đến 160 calo tùy từng loại tôm và cách chế biến. Cụ thể như sau:
- Tôm nõn hấp hoặc luộc: 92 calo/100g.
- Tôm rim: 117 calo/100g.
- Tôm rang thịt: 157 calo/100g.
- Tôm sú: 130 calo/100g.
- Tôm chiên bơ: 160 calo/100g.
- Tôm khô: 159 calo /100g.
Calo trong thực phẩm chỉ gây tăng cân khi nó dư thừa và tích tụ thành chất béo bên trong cơ thể. Với mức năng lượng 92 calo của 100g tôm luộc, bạn chỉ cần đi bộ 12 phút hoặc chơi thể thao 10 phút là có thể tiêu hao. Bạn không còn phân vân ăn tôm có béo không nhé!
Tôm là thủy hải sản rất phổ biến nhưng ít ai biết tôm bao nhiêu calo
Ăn tôm có lợi gì cho sức khỏe?
Tôm có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều loại thủy hải sản khác. Theo các chuyên gia, ăn một bữa tôm có thể tương đương với uống 10 cốc sữa. Dưới đây là 5 lợi ích nổi bật nhất của tôm đối với sức khỏe.
Cung cấp canxi tốt cho xương
Tôm được mệnh danh là “kho canxi tự nhiên” bởi hàm lượng canxi của nó rất dồi dào. Trong 100g tôm đồng chứa 1.120mg canxi, 100g tôm biển chứa 2000mg canxi. Hàm lượng này đáp ứng vượt trội nhu cầu canxi của người trưởng thành ở mức 800 - 1000mg/ngày. Canxi giúp xương chắc khỏe, thúc đẩy phát triển chiều cao, phòng ngừa loãng xương.
Tôm giàu protein tốt cho tế bào
Trong 100g tôm có 24g protein. Đây là chất dinh dưỡng có vai trò thiết yếu đối với cơ thể. Protein làm nhiệm vụ duy trì và tăng trưởng các mô, thúc đẩy quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào. Nó cũng tham gia vào định hình cấu trúc mô tế bào, vận chuyển chất dinh dưỡng, tăng cường trao đổi chất. Ăn tôm sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, đảm bảo hoạt động của các chức năng sống.
Chống viêm, ngăn chặn gốc tự do
Gốc tự do là các phân tử hoặc nguyên tử làm tổn thương tế bào bên trong cơ thể. Chúng làm lão hóa tế bào, gây ra nhiều bệnh tật về tim mạch, miễn dịch, thần kinh, ung thư... Theo nghiên cứu, trong tôm chứa chất oxy hóa là astaxanthin - một thành phần của tảo biển. Khoa học đã chứng minh astaxanthin có tác dụng chống viêm, ức chế gốc tự do và ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Chất astaxanthin có trong tôm giúp chống lại gốc tự do gây bệnh
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Trong 85g tôm chứa 166mg cholesterol. Theo nghiên cứu, cholesterol trong tôm tác động nhỏ đến cholesterol trong máu, ăn liều lượng hợp lý sẽ không gây hại tim mạch. Nghiên cứu cũng cho thấy astaxanthin và axit béo omega-3 trong tôm có lợi ích cải thiện sức khỏe tim mạch. Ăn 300g tôm mỗi ngày sẽ tăng 12% cholesterol tốt, giảm 13% chất béo trung tính và giảm nguy cơ bệnh tim.
Ăn tôm giúp bạn giảm cân
Bạn chớ lo ngại ăn tôm có béo không vì món ăn này sẽ giúp giảm cân tốt hơn. Tôm có hàm lượng calo thấp nhưng lại giàu dưỡng chất, chỉ cần ăn một lượng vừa phải cũng đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Để giảm cân, bạn lưu ý cách chế biến ít dầu mỡ và kết hợp tăng cường rau củ quả. Các món ngon từ tôm phù hợp cho người ăn kiêng giảm cân là: Tôm luộc, tôm hấp, salad tôm.
Kinh nghiệm ăn tôm đúng cách
Để đảm bảo sức khỏe, người trưởng thành chỉ nên ăn khoảng 100g/ngày, không nên ăn quá 300g/ngày. Trẻ dưới 5 tuổi ăn tôm 20 - 30g/ngày, một tuần ăn 2 - 3 bữa tôm là đủ. Bạn nên sử dụng tôm tươi sẽ ngon ngọt và giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng hơn tôm đông lạnh. Mua tôm tươi cũng hạn chế rủi ro kém chất lượng, tôm nhiễm hóa chất so với tôm đông lạnh.
Khi ăn tôm, bạn loại bỏ đầu và vỏ. Phần đầu chứa chất thải của tôm nên dễ gây nhiễm độc, nhiễm ký sinh trùng. Vỏ của tôm cứng, ăn dễ gây kích ứng cổ họng. Hiện nay, nhiều người vẫn hoài nghi vỏ tôm có canxi không. Điều này đã được chuyên gia phân tích là vỏ tôm gần như không chứa canxi. Độ cứng chắc của vỏ tôm do chất kitin tạo ra một dạng polymer rất khó tiêu hóa.
Không ăn tôm với các thực phẩm giàu vitamin C
Bác sĩ khuyến cáo không ăn tôm chung với các loại rau củ nhiều vitamin C. Tôm có chất asen, kết hợp vitamin C sẽ tạo ra phản ứng hóa học sản sinh độc tố. Để đảm bảo an toàn, sau khi ăn tôm khoảng 3 - 4 giờ mới có thể ăn thực phẩm giàu vitamin C. Một số rau củ quả cần kiêng ăn với tôm là: Ổi, cam, cải xoăn kale, súp lơ, ớt chuông đỏ, ớt chuông xanh, đu đủ…
Lưu ý tác hại khi ăn nhiều tôm
Tôm bổ dưỡng nhưng cũng rất độc hại nếu bạn không biết cách ăn khoa học. Các bác sĩ cũng khuyến cáo những trường hợp không nên ăn tôm vì mắc bệnh lý nền.
- Hàm lượng cao cholesterol trong tôm sẽ dư thừa quá mức nếu bạn ăn nhiều. Điều này dẫn tới nguy cơ gia tăng vấn đề về tim mạch.
- Các chất dinh dưỡng canxi, protein, axit béo trong tôm rất dồi dào. Hấp thụ nhiều sẽ làm rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, khó tiêu.
- Protein trong tôm có thể gây dị ứng nếu hệ miễn dịch mẫn cảm. Biểu hiện là ngứa miệng, sưng môi, ngứa toàn thân, sốt, đau đầu, buồn nôn.
Protein trong tôm có thể gây dị ứng
Tôm giàu cholesterol nên không phù hợp với người có nồng độ cholesterol cao. Người có tiền sử dị ứng hải sản không nên ăn tôm. Một số trường hợp khác cần kiêng ăn tôm là: Người đang bị ho, hen suyễn, đau mắt đỏ, người mắc bệnh gout, viêm khớp, tăng acid uric, cường giáp hoặc có vấn đề về tuyến giáp.
Bài viết đã giải đáp tôm bao nhiêu calo và hướng dẫn cách ăn tôm tốt cho sức khỏe. Mong rằng bạn sẽ ghi nhớ để áp dụng nhé!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Hellobacsi