Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trào ngược dạ dày độ A có nguy hiểm không?

Ngày 16/10/2023
Kích thước chữ

Trào ngược dạ dày là tình trạng khá phổ biến hiện nay trên thế giới. Nó có phải là bệnh không? Trong bài viết này sẽ trình bày chi tiết về trào ngược dạ dày độ A, nguyên nhân, triệu chứng, cũng như phương pháp khắc phục cho tình trạng này.

Trào ngược dạ dày - thực quản có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh được chia thành 4 cấp độ, trong đó trào ngược dạ dày - thực quản độ A là cấp độ nhẹ nhất của bệnh. Bài viết này giúp bạn có cái nhìn chính xác về sinh lý bệnh, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị.

Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày là hiện tượng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, hay tên gọi đầy đủ là trào ngược dạ dày - thực quản. Đây là một tình trạng sinh lý thường gặp xảy ra nhiều lần trong ngày, chủ yếu là sau bữa ăn và thường không gây ra triệu chứng. Trào ngược chỉ được coi là một “bệnh” khi nó có triệu chứng hoặc gây hậu quả bệnh lý.

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) là một trong những bệnh rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc khoảng 20% ​​người trưởng thành.

Hiện nay, phân loại Los Angeles là bảng đánh giá phổ biến nhất về mức độ nghiêm trọng tổn thương niêm mạc từ nhẹ đến nặng. Hệ thống này chia bệnh GERD thành 4 cấp độ:

  • Độ A: Vết loét niêm mạc không dài quá 5 mm và không lan rộng giữa đỉnh của hai nếp niêm mạc.
  • Độ B: Vết loét niêm mạc dài hơn 5 mm, không lan rộng đến giữa đỉnh của hai nếp niêm mạc.
  • Độ C: Vết loét niêm mạc liên tục giữa đỉnh của hai hoặc nhiều nếp niêm mạc nhưng diện tích nhỏ hơn 75%.
  • Độ D: Vết loét niêm mạc chiếm ít nhất 75% thực quản.
Trào ngược dạ dày độ A có nguy hiểm không? 2
Hình ảnh phân loại GERD theo từng cấp độ

Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày độ A

Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản có thể chứa thức ăn, axit dạ dày, pepsin, men tiêu hóa,... và có tính axit cao. Khi chúng trào ngược lên sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản, niêm mạc hầu họng,... 

Nguyên nhân dẫn đến sự việc này là:

  • Cơ thắt thực quản dưới mở ra bất thường: Cơ thắt thực quản dưới là một đoạn cơ trơn co cứng có chiều dài 3 - 4 cm nằm ở chỗ nối thực quản dạ dày. Cơ này có vai trò ngăn cản sự di chuyển ngược của các chất axit trong dạ dày vào thực quản. Ở người khỏe mạnh, khi nuốt thức ăn, cơ thắt thực quản dưới mở ra cho thức ăn đi vào dạ dày rồi đóng lại. Tuy nhiên, ở những người bị trào ngược dạ dày, cơ này lại mở ra khi không có động tác nuốt. Điều này cho phép trào ngược các chất trong dạ dày vào thực quản;
  • Suy giảm độ thanh thải thực quản: Đây là nguyên nhân khiến niêm mạc tổn thương khi tiếp xúc với axit quá lâu. Quá trình thanh thải thực quản là cơ chế quan trọng chống lại GERD;
  • Kéo dài thời gian làm rỗng dạ dày: Thời gian làm rỗng dạ dày chậm trễ khiến thức ăn trong dạ dày đã được axit hóa sau bữa ăn bị lưu giữ, không đi xuống ruột non. Điều này có thể làm căng chướng bụng, tăng khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản sau ăn;
  • Nguyên nhân ngoài thực quản: Ở người bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp, khi lên cơn thường kèm theo phản xạ ho và vô tình cơ thắt thực quản dưới sẽ mở ra gây trào ngược.

Yếu tố nguy cơ gây trào ngược bao gồm:

  • Tuổi ≥ 50: Càng lớn tuổi thì các cơ quan trong cơ thể cũng dần trở nên yếu đi, trong đó không ngoại trừ cơ thắt thực quản dưới;
  • Người có bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì;
  • Sử dụng thuốc lá: Khi axit trào ngược lên thực quản, cơ thể chúng ta lập tức có phản ứng loại bỏ axit khỏi thực quản bằng nhu động thực quản và trung hòa lượng axit thừa bằng cách nuốt nước bọt. Theo nghiên cứu, hút thuốc làm tăng số đợt trào ngược dạ dày và làm giảm tiết nước bọt nên kéo dài thời gian thanh thải axit khỏi thực quản;
  • Uống quá nhiều rượu;
  • Mang thai;
  • Nằm ngay sau khi ăn;
  • Sử dụng thuốc: Thuốc kháng cholinergic, NSAID, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn phế quản cho bệnh hen,...
Trào ngược dạ dày độ A có nguy hiểm không? 3
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây GERD

Dấu hiệu trào ngược dạ dày độ A

Triệu chứng của GERD điển hình là trào ngược axit và ợ nóng. Nó gây ra cảm giác nóng rát ở ngực và nôn ra chất lỏng chua hoặc đắng lên cổ họng hoặc miệng. Dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều sau khi ăn. Ngoài ra bạn có thể gặp phải các triệu chứng khác không điển hình như:

  • Đau họng;
  • Ho;
  • Tiết nước bọt;
  • Khàn tiếng;
  • Thực quản bị đau, viêm;
  • Hơi thở có mùi hôi;
  • Đầy hơi;
  • Đau khi nuốt hoặc khó nuốt.

Khi làm xét nghiệm nội soi, bạn có thể thấy trào ngược dạ dày độ A có xuất hiện vết loét niêm mạc nhỏ dưới 5 mm.

Trào ngược dạ dày độ A có nguy hiểm không? 4
Dấu hiệu nhận biết trào ngược axit độ A

Biến chứng teo thực quản, nếu dịch tràn lên miệng thì có thể gây mòn răng, viêm niêm mạc hầu họng, nghiến răng hoặc rối loạn khớp thái dương hàm, hẹp thực quản,...

Trào ngược dạ dày độ A phải làm sao?

Mục tiêu của việc quản lý GERD là giải quyết các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng như viêm thực quản, ung thư thực quản. Các lựa chọn điều trị bao gồm điều chỉnh lối sống, quản lý y tế bằng thuốc kháng axit và thuốc chống tiết, liệu pháp phẫu thuật và liệu pháp nội soi.

Liệu pháp không dùng thuốc

Chế độ ăn:

  • Thay vì ăn 1 bữa lớn, bạn hãy chia thành nhiều bữa nhỏ;
  • Tránh trái cây có vị chua (nhiều axit), thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc đồ cay, socola, caffeine, rượu, đồ uống có gas;
  • Bổ sung các thực phải tốt cho dạ dày như gừng, nghệ, rau xanh,...

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngưng hút thuốc;
  • Hạn chế rượu bia;
  • Không nằm trong hai đến ba giờ sau khi ăn;
  • Quản lý stress;
  • Hạn chế mặc quần áo bó sát.
Trào ngược dạ dày độ A có nguy hiểm không? 5
Thay đổi lối sống góp phần hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày độ A

Liệu pháp dùng thuốc

  • Thuốc kháng axit: Đây là thuốc làm giảm triệu chứng như ợ chua, ợ nóng,... nhanh chóng bằng cách trung hòa axit dạ dày. Tuy nhiên, thuốc không khắc phục được bất kỳ tổn thương nào mà axit dạ dày gây ra ở thực quản;
  • Thuốc chẹn thụ thể H2: Thuốc có vai trò làm giảm tiết pepsin và thể tích axit dạ dày từ đó giúp giảm các triệu chứng trong thời gian dài hơn. Thuốc thường được sử dụng trước khi ngủ;
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc ức chế axit dạ dày bằng cách ức chế H+-K+ -ATPase (bơm proton) ở tế bào thành dạ dày. Từ đó giúp giải quyết triệu chứng trào ngược dạ dày độ A và chữa lành thực quản tốt hơn so với thuốc chẹn thụ thể H2. PPI được khuyến cáo là có hiệu quả nhất khi dùng trước bữa ăn sáng 1 giờ.
Trào ngược dạ dày độ A có nguy hiểm không? 6
Việc uống thuốc đúng liều, đúng giờ rất có ích cho việc phục hồi sức khỏe dạ dày

Liệu pháp can thiệp ngoại khoa

Nếu trào ngược dạ dày độ A không kiểm soát dễ tiến triển lên các cấp độ cao hơn, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và buộc phải can thiệp ngoại khoa như nội soi, phẫu thuật,...

Tóm lại, bệnh trào ngược dạ dày độ A không nguy hiểm nếu phát hiện và chữa trị kịp thời. Hầu hết mọi người đều có thể kiểm soát được sự khó chịu của GERD bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc (dưới sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ và dược sĩ).

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin